Tuesday, October 10, 2017

Lang thang trên những con đường xưa - Tín Nguyễn PBC72

Tiếng sấm sét nổ lớn  theo sau một cơn mưa. Mùa Xuân năm nay ở Nam bán cầu không như mọi năm. Cái lành lạnh hụt hơi của mùa Đông vẫn còn đó. Mặt trời xuất hiện mang chút nắng làm ấm không gian chẳng được lâu. Mưa đổ xuống đường nhanh nhưng nặng hạt rồi ngừng. Đủ để nghe tiếng giòng  nước chảy hai bên đường. Nhân viên bảo trì của chánh quyền địa phương vừa cắt tỉa hai hàng cây bên đường tuần trước sau mùa Đông để tránh chạm hàng dây điện đường, nhìn gọn gàng và hình như con đường trước nhà rộng ra thêm. Bông phấn bay nhìn thấy trong ánh nắng rồi rớt lại đầy trên kính xe. Mùa tissues, mùa "hay fever" .

Chợt nhớ về nhà xưa. Theo con đường Hải Thượng Lãn Ông hay còn gọi đường" nhà thương" rồi  đi miết  đến ngã ba đường Lương Ngọc Quyến. Ngập ngừng ở ngã ba đường  biết đi hướng nào?. Mà đi đâu mới được. Đi thẳng. Ngang qua nhà thương, phố 30 căn,  ở đây có tiệm hớt tóc Ánh Vàng, có nhà của Hồng em chị Sen thích qua phố chơi chung, nhà của Sáng thường cùng với Hiệp em anh AK, cả hai song ca, cùng hát bè rất hay. Qua sân vận động Quang Trung, trường Bạch Vân, nhà máy nước, Khu này có tên Tỉnh cũ. Như vậy ngày xưa trung tâm hành chánh của Phan thiết đặt ở đây trước khi dời về tỉnh mới bên mạn Bắc sông Cà Ty. Hay khu này khi xưa  là trung tâm của làng Thành Đức thời triều Nguyễn sau này đổi thành Phú Trinh. Con gái Tỉnh cũ có tiếng là đẹp . Những cô gái đẹp biết đâu là hậu duệ của những gia đình quyền quí, quan lại trong tỉnh ?. Đại Tài, Đại Nẩm, Phú Hội, Phú Nhan, những tên làng vừa  ra khỏi tỉnh cũ. Nghe qua những địa danh này nhưng người thành phố có người chưa một lần đặt chân đến đây dù đường đi không xa mấy. Đợi đến chợ đêm những ngày sắp Tết, thôn nữ miền quê với áo hoa, nón lá,  quần sa tanh đen Mỹ A ủi láng cóng bằng bàn ủi than con gà, chân mang dép kẹp xuất hiện dưới ánh sáng thành thị. Trên vai nặng trĩu những gánh hoa Trường sanh, Mồng gà, Cam, Bưởi. Chuối. Vượt đường xa, đôi quang gánh nhịp nhàng theo bước chân. Có tiếng ai đó Hai đi đâu đó Hai? Con trai thành phố bông đùa, thôn nữ vẫn giữ đều bước chân, vin vành nón và cười rất nhẹ.  
Trở lại ngã ba đường. Theo đường Lương Ngọc Quyến, Thu Sơn tiệm may đầu đường có  người bạn Thu Lâm cùng học trường tiểu học Thành Đức trong con hẻm phòng ngủ Trần Nam Hương. Bên kia đường là căn nhà theo kiến trúc của Pháp với nhiều cây cao trong sân rộng. Có một  thời một người bạn tôi nói có những lúc khi đèn đường vừa lên, bạn tôi dừng xe bên đường  chỉ để chờ nghe tiếng dương cầm thánh thót qua đôi bàn tay của ai đó lướt trên phím ngà. Lên chút nữa là hãng gạch bông Công Tín nhà của T. Bác Năm ba của T. là anh em của Ông LCN. Nhớ và cảm ơn Bác Năm nhiều lắm. Qua đây nhớ Thầy Hổ, một huynh trưởng gia đình Phật từ, cùng  thấy Ba dạy trường tiểu học Thành Đức. Các thầy hát cho nghe những bài như  Quê em nắng nhạt vàng cô thôn. hay bài Trường làng tôi.
Căn cứ hoả lực Đồn Trinh Tường, tôi nhớ trò chơi hoả tiễn bằng thuốc bồi của đạn đại bác pháo binh. Càng lên xa con đường càng vắng. Đi qua cây Dúi, cây Trôm để đến Thiện Giáo. Sau này đi qua vùng này là một "sa mạc "thắp sáng bởi "mặt trời đêm" tạo phản ứng lục diệp tổ cho ruộng xương rồng Thanh Long mau đơm trái trái mùa. 
Thôi về lại ngã ba đường không ra cầu Sở Muối, để về lại bên phố. Con đường nhỏ có tiệm thuốc Bắc Quãng Đắc đầu đường, gần đâu đây còn có nhà những bạn mình. Hữu nhà may bên cạnh nhà Vạn, LVT đã  mất, LNNP, NN đã mất, TL. gần nhà NTKH, PCL mất oan ức vì nhà bị  trúng đạn pháo kích, khi tuổi còn trẻ. Người ta gọi suốt  con đường đất không bằng phẳng với hai dẫy nhà có nhiều tiệm buôn bán nhỏ, những sạp gỗ rất ọp ẹp hai bên đường bán rau là chợ Gò. Giữa những tiệm trong chợ có tiệm của nhà  bạn ĐTB mà hơn 40 năm chưa gặp lại. Con đường nhỏ này có biết bao lần cùng bạn trong xóm qua đây để xem những trận banh rất  hay giữa các đội banh Quan Thuế, Ngân Hàng, CSQG đá với đội tuyển Phan Thiết trên sân vận động  Quang Trung. 
Cuối đường nhỏ này là đường Trần cao Vân, có trụ sở ấp Phú Trinh. Không quên trên con đường này có nhà Thầy Kiều trưởng ty Thanh niên và Thầy giảm thị Trác. Để lại sau lưng cuối đường Trần Cao Vân là kho xăng dầu của quân đội. Gần đó là  nhà của Thầy Bảo. Các chị con của thầy đều có tên Lan nhưng khác chữ lót. Nhớ anh Bs D. rất hiền và tình cảm, làm việc trên nhà thương Đoàn Mạnh Hoạch anh cho  tôi cái nickname  "công tử". QA chụp hình rất hay, cho nhiều ảnh đẹp, Bước theo chân Thầy theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh như một sở thích riêng những lúc rảnh rỗi.
Đứng ngã tư đường chưa vội qua cầu về phố. Đường Bà Triệu dọc sông Cà Ty. Bên trái có trường Nữ tiểu học. Những em học sinh vừa đậu  vào lớp đệ thất bước vào bậc trung học, gương mặt  hồn nhiên chơi rượt bắt trong sân PBC, nhí nhất nên bị các đàn anh trêu là đi lộn trường. Bên phải đi lên cầu Bà Bác Xì hay thường gọi Bà Bác. Dư, học ĐHSP, Ngự học cán sự CC, đã mất, nhà có trại cưa cây. Tuấn "cọt" lâu rồi không nghe nói đến.   
Thong thả bước qua cầu gỗ. Cuối con dốc là ngã ba đường Võ Tánh và Bến Trưng Nhị. Chữ Bến được Việt hoá, người Pháp đặt tên Quai De Saumure  cho con đường Trưng Nhị và Trưng Trắc. Bến Bà Triệu, Bến Trưng Trắc, Bến Trưng Nhị là tên đường hai bên bờ sông Cà Ty. 
Chiếc cầu gỗ  do lính công binh Mỹ xây dựng nhằm mục đích mở con đường chiến lược về hướng Bắc. Tiếng nện, đóng  những cây thông ngâm dầu làm cột bằng những cây "búa tạ" điều khiến bằng sức hơi nén còn vang vọng đâu đây. Những chiếc xe tăng có trọng lượng lớn, từ căn cứ Mỹ  trên Căn hay núi Tà Dôn không thế đi trên cầu Quan hay cầu Trần Hưng Đạo .
Từ khi trên sông Cà Ty đếm đủ ba chiếc cầu, người Phan thiết có câu. Bao giờ Phan thiết ba cầu, Thì dân Phan thiết làm giàu làm quan. Xưa hơn người Phan thiết cũng đã nói: Bao giờ Phan thiết ba Tà, thì dân Phan thiết làm giàu làm quan. Ba tà là Tà Dôn, Tà cú (Trà cú), Tà Bao. Làm giàu, làm quan? Mỗi người xin tự tìm lấy. 
Cũng ngã ba này, chiếc cầu này ,nhớ đến anh Hải, có những buổi sáng nhìn anh tấm thân gầy, Nguyễn Bắc Sơn, bạn của anh tôi đi qua sông. Ngã ba đường làm anh có chút ngập ngừng có nên qua bên kia  ghé thăm người" em gái". Sông nước làm phát triển đời sống và cũng mang một triết lý trong dòng suy tưởng bên lỡ bên bồi.  
 
Qua Sông
Một sáng phiêu bồng qua bên sông
Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng
Phật cũng khổ như người khốn khổ
Cúi đầu quay lại bên này sông

Con đường Võ Tánh những ngày Thanh Minh nghe mùi thơm của heo quay trong gió. Lò heo quay của Dì Hai Mít rất nổi tiếng. Thêm một  thìa mở heo quay sẽ làm nồi cá kho Nục Mộng, cá De hay một tô bánh căn xoài sống bằm, có hương vị thêm hấp dẫn. 
Đi ngang trường Tàu, một tên khác là  trường Kiến Anh, hai giãy đèn spot light có còn chiếu sáng sân bóng rổ trong những trận đánh giao hữu ban đêm ?. Đội bóng rổ Les Diables của trường PBC đi vào quá khứ .
Trường Tàu nằm trong phạm vi của chùa Ông. Nhớ những đêm Giao thừa, người xuất hành hái lộc  lấy hên đến chùa rất đông. Áo dài đủ màu, khăn đóng, tạo đêm lễ hội thêm sắc màu. Nhang khói làm cay mắt. Vui, cười muốn đứt "duột "là nghe những ông thầy bói "giả "coi bói, đoán xâm như anh Bá Long, anh Hải Lửa. Trong chùa có con rồng màu xanh, Thanh Long chỉ xuất hiện khi thỉnh Ông đi chơi. Múa rồng phải cần hơn mười người có sức khỏe. Rồng ăn trái châu, người nhữ cho rồng múa lộn thêm sống động. Rồng rớt vẩy. Vẩy rồng là những chiếc kính tròn nhỏ những  ngươi phụ nữ hay dùng soi lại màu son trên môi. Vảy rồng lấp lánh trong nắng Rằm tháng bảy, cúng thí cô hồn có tục lệ xô cộ. Ba cái cộ rất lớn và cao  đính đầy bánh trái. Thầy đăng đàn bắt ấn chủ lễ  phải là vị sư tu theo phái Mật Tông. Nghe nói nếu nhà sư không đủ tài cao, đức rộng, cô hồn âm linh nó dật là chết chắc, có người thêm, học máu chết. Vì vậy mà chùa Ông cũng là nơi nếu có hai người tranh cải, sẽ  làm "người" Phán xét
Nghe một người phân bua để bảo đẫm phần đúng về mình thách thức người kia, lên chùa Ông thề không, nếu tao nói xạo cho tao học máu chết. còn nhấn mạnh thêm. cho  học máu chết tại chỗ. Nghe ớn quá mà lại nhát gan có khi lại thôi không thèm cãi nữa   Trong mùa cúng thí, ba ngày ba đêm người ta  được xem đoàn hát  hồ quãng từ trong Chợ lớn ra, mấy cô đào hát môi son má phấn làm người dân tỉnh mến mộ. Họ trình diễn những  tuồng như Hồng hài Na tra, Ngọc nữ tiên đồng hoàn toàn không có  thuyết minh tiếng Việt. Xem mà đoán, Na tra là người nhỏ nhỏ mà có lửa, chân phát ra tiếng lục lạc chạy lăng xăng. 
Ở đây cũng là ngã ba đường Võ Tánh, Phan bội Châu và Ngô Sĩ Liên. Góc đường PBC có cây gòn cao. trái gòn rụng xuống nhặt về xe bông gòn trong ruột làm tim hộp quẹt máy cháy  rất nhạy. Chỉ cần dùng dầu lửa không cần xăng zippo. Cây gòn này có ma. Tín vậy đi vì cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận mà. Đầu đường NSL có một hội quán Tín Lành không biết có từ thời nào mà cổ lắm không có kiến trúc hiện đại như nhà thờ TL bên đường HTLO.  
Bỏ chùa Ông đi tiếp đến ngã ba Võ Tánh, Nguyễn tri Phương. Nhiều nhà ở đây chuyên bán hòm. Qua đây thoảng nghe mùi sơn, verni từ những chiếc hòm mới toanh. Dĩ nhiên không ai bán hòm đã xài rồi, second hand. Qua khỏi đường Nguyễn trường Tộ, trụ sở ấp Đức Nghĩa, ngã sáu bồn binh rạp Bình thuận đây rồi. 
Ghé vào quán kem 3 màu đầu đường Võ Tánh. Kem có rắt đậu phộng giả dợm,uống thêm ly nước bạc hà. Tiệm  kem Tự Do, ông chủ quán mập mập. Hay là ghé bên cạnh kêu thêm ly sinh tổ sa -cô -chê để câu giờ tìm đường nào đi tiếp. ... Ngã Sáu.
tng

3 comments:

  1. Tín thân,
    Từ ngày mấy cô Phú Trinh đi lấy chồng, nhớ lộn đầu lộn đuôi hết.
    Đính chính lại, từ lầu nước vườn bông lớn, tám phương bốn hướng, cô nào dân PT cũng đẹp. Vô SG, qua Tây qua Mỹ, mấy chục năm vẫn còn ngộ
    PS.

    ReplyDelete
  2. Hì Sanh,
    Nhớ lúc đưa đám PCL, tụi mình đứng chờ trước nhà LNNP để nhập vô đoàn đi đưa, Lâu không nghe hay thấy Tuấn cọt đâu hết. Hướng đó là Bà Bác Xi còn Cẩm Xìn là phía dưới rạp HL.
    Con gái PT đẹp hơn con gái Tỉnh cũ, đồng ý đồng ý. ..hahaha
    Thân

    ReplyDelete
  3. Tín thân,
    Khoan qua cầu gỗ xuống phố... Quẹo trái là trường Nữ, nhà Thày Trí. Quẹo phải lên Cẩm Xìn là nhà Tuấn cọt và nhà ai đó một thời. Quên mất, trên đường HTLÔ, còn có nhà PCL gần nhà TL, chết lãng xẹt vì bị pháo kích... Theo mình, mấy cô gái Phú Trinh đẹp hơn mấy nàng Tỉnh cũ.
    PS

    ReplyDelete