Chiều 30 mà mượn không ra chiếc bàn ủi than để ủi cho thẳng bộ áo quần thì coi như tiêu tan cái tết.
Chiếc
bàn ủi bằng đồng chưa đầy một ký nhưng sức nặng của ký ức khi nghĩ đến
nó mỗi lúc xuân về thì luôn trĩu lòng một lớp người trên dưới năm mươi
tuổi như tôi.
Của hiếm ở làng
Những
năm sau 4/75, miếng ăn đã khó, cái mặc lại càng khó khăn hơn. Nếu là
cán bộ nhà nước thì còn kiếm được tấm phiếu 5 mét vải, còn những người ở
quê, hầu như phiếu vải là một khái niệm quá xa vời với họ. Để có cái
mặc, lớp người già thì tận dụng đồ cũ của đám cháu con thải ra để vá víu
lại cho ra tấm áo, mảnh quần mà mặc tạm. Đám thanh niên thì chắt chiu
dành dụm hoặc xin cha mẹ ít tiền để đến các “chợ trời” mua lại đồ cũ của
người nhưng mới của ta về xúng xính với chúng bạn mỗi dịp tết về.
Mà đâu phải năm nào cũng có tiền để đi
“chợ trời” mua sắm! Hai ba năm mới dành được ít tiền mua “bộ cánh” để du
xuân. Vì vậy, việc lộn ngược đồ cũ (phần bên trong, ít phai màu) để may
lại cho thành “mới” là chuyện khá phổ biến của thời đó. Để tiết kiệm
chi phí trả công thợ may, nhiều bà mẹ quê phải làm cái việc cực chẳng đã
là may tay, sau khi xả chiếc quần cũ ấy ra. Việc may lại số vải cũ ấy
không quá khó nhưng làm sao xóa được dấu vết của đường li đã bị “ủi
chết” từ chiếc quần cũ mới là điều gian nan. Lúc này, chiếc bàn ủi như
vị cứu tinh để vừa xóa dấu vết của li quần cũ lại vừa góp phần làm mới
chiếc quần vừa được may lại để có cái mà mặc chơi tết với chúng bạn.
Không
nhớ thời ấy, giá của chiếc bàn ủi là bao nhiêu nhưng cả xóm tôi, đến
ngót trăm nóc nhà mà chỉ có 2 chiếc, một của nhà tôi, một của bác thợ
may đầu xóm. Bác thợ may thì… còn khuya mới mượn được chiếc bàn ủi của
bác vì ông còn phải “ủi gấp” số quần áo vừa mới tân trang cho đám thanh
niên trong làng đang sắp hàng chờ chực đến phiên mình nhận “đồ mới”. Vì
vậy, bao nhiêu cặp mắt “trai thanh gái lịch” của làng đều đổ dồn vào
chiếc bàn ủi của nhà tôi. Chả phải giàu có gì nhưng mẹ tôi có một thói
quen nữa là bà mua sắm tất tật những thứ mà gia đình sẽ phải dùng đến
chứ không chịu đi mượn của ai.
Đốm lửa ký ức
Ngày
29 tết, việc đồng áng coi như tạm gác lại, những người đàn bà chuẩn bị
đổ bánh thuẩn hoặc làm bánh in, đàn ông thì đóng bánh nổ. Đám thanh niên
thì chuẩn bị ủi quần áo. Nhà tôi bấy giờ trở thành “điểm hẹn” của đám
trai gái trong làng đến ủi nhờ đồ. Những cục than hồng rực đỏ được lấy
ra từ bếp đang nấu các loại bánh, bỏ thẳng vào lòng chiếc bàn ủi. Quanh
năm lạnh ngắt, chiếc bàn ủi bỗng chốc hực lên vì nóng. Thực ra thời ấy,
quần áo có nhiều nhặn gì cho cam, nhưng vì đông người xin ủi quá nên
chiếc bàn ủi không lúc nào yên. Hễ than sắp tàn lớp này, lập tức được
thay lớp than hồng khác. Đám thanh niên chen nhau, ai cũng “xin” được ủi
cho mình trước. Vì
vậy, có bao chuyện khóc cười xung quanh câu chuyện ủi đồ để đi chơi tết
thời ấy.
Trong
xóm có chị Lành, chị hiền hậu như tên cha mẹ đặt cho. Dành dụm cả năm
chị mới may được một bộ quần áo vải xoa. Nhưng không phải chị may trong
dịp chơi tết mà may để “diện” với họ nhà trai ngày ăn hỏi. Sau lễ ăn hỏi
ấy, chị mặc thêm bộ đồ xoa nọ dăm ba lần nữa để đi chơi với anh chồng
sắp cưới. Thứ vải xoa này, ni lông là chính nên chỉ cần mặc vài lần là
hai ống quần như chiếc lò xo. Thế là phải ủi làm sao cho thẳng để có cái
mà đi với anh về thăm nội ngoại. Cầm bộ đồ nhàu nhĩ trên tay, chị ngồi
chờ chực gần hết buổi mới ủi được. Vội vội vàng vàng thế nào, vừa đặt
chiếc bàn ủi lên một ống quần để “đẩy”, quần chẳng thẳng mà chỉ thấy một
bên vạt dính luôn trong chiếc bàn ủi, khói bay
nghi ngút, khét lè khét lẹt! Thế là tiêu luôn cái tết của chị Lành. Mấy
chục năm rồi, tôi vẫn không quên hai hàng nước mắt ròng ròng của chị
khi nhìn chiếc ống quần đã biến thành than.
Lại
có anh Toan nhà bên, cũng sốt ruột thế nào, chưa kịp móc miếng vải vô
đầu “con gà” để “khóa” lại, đã vội nhấc lên. Một đống than hực đỏ từ
trong chiếc bàn ủi đã trút xuống chiếc quần. Coi như xong cái tết. Kinh
nghiệm “xương máu” ấy đã giúp chúng tôi, đám đàn em kém các anh chị dăm
bảy tuổi, không bao giờ mắc phải. Trước khi ủi quần áo thì “ủi” vào tàu
lá chuối cho giảm nhiệt. Cũng chẳng bao giờ quên móc “con gà” vào khóa
để không bao giờ than trong bàn ủi phải đổ lên áo quần.
Bây
giờ nhà nào cũng sắm được chiếc bàn ủi điện, hễ quá nóng là tự khắc nó
giảm nhiệt ngay. Cũng chẳng có cô gái nào mặc quần “lò xo” như chị Lành,
anh Toan của xóm tôi ngày trước. Bao nhiêu quần là áo lượt đủ kiểu dáng
của những nam thanh nữ tú dập dìu ngày tết. Nhìn thấy họ, lòng tôi lại
dậy lên nỗi xót thương về một quãng cơ cực của làng mình. Những lúc ấy,
hình ảnh chiếc bàn ủi bằng than cứ đùn lên như một đống lửa chưa bao giờ
tắt.
Trần Đăng
No comments:
Post a Comment