Sunday, December 27, 2015

Sinh hoạt cuối năm PBC72




Đám cưới con Phạm Ngọc Hỷ PBC72 Hàm Tân 27.12.2015
Đào Ngọc B. Phượng, Trần T. Dư, Nguyễn T. Tương, Nguyễn T. Nở
Lê T. Thanh, Trần T. Mừng, Trương T. Phi và Phan T. Quý 
không có trong hình và sẽ post hình sau
Nguyễn Thu Vân, Nguyễn T. Sơn, Bùi V. Sang, Bình, Từ Nghi Lễ

PBC72 San Jose California
Ánh Tuyết, Lê Thị Lộc và Trương Đào Hoa 

 Nhà Thờ Notre dame de Paris Noel 2015 
Giáng Hương PBC72 gữi từ Paris

Đám cưới con Phạm Ngọc Hỷ PBC72 Hàm Tân 27.12.2015

Phan T. Quý, Trương T. Phi, Nguyễn T. Tương, Trần T. Dư, Bích Phượng, Nguyễn T. Nở, Lê T. Thanh, Nguyễn T. Mừng, 
Lê Văn Nam và Trần Ngọc Diệp 


Các bạn PBC72 trước giờ đi đám cưới

PBC 72 họp mặt Bắc California

Thursday, December 17, 2015

Nhạc Xuân

 
Ngày Xuân Thăm Nhau - Đan Nguyên & Hoàng Thục Linh
Xuân Này Con Không Về - Đan Nguyên Mùa Xuân Đó Có Em - Đan Nguyên

Noel 2015




Bài Thánh Ca Buồn - Trần Thái Hòa Hai Mùa Noel - Tâm Đan Tình Người Ngoại Đạo - Băng Tâm Mùa Hoa Tuyết - Quỳnh Vy Mùa Sao Sáng - Giao Linh

Friday, December 11, 2015

Viết cho con .Từ New Orleans đến Iraq

Sáng nay, trời bỗng nhiên trắng xóa sương mù. Con đường từ nhà ra bưu điện  lác đác những cành khô gẫy như đất trời chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Trời cũng đột ngột đổ lạnh..Dường như cái lạnh đến sớm hơn những mùa đông trước. Mùa thu qua hồi nào không rõ. Thành phố không lá đỏ, không những con đường với hàng cây Maple ngả mầu vàng úa như những tấm hình cô Phương gửi về từ Utah nên Má không thể tưởng tượng được, ở nơi nào đó, có những mùa thu thơ mộng, rực rỡ như thế nào. Thành phố của chúng ta, từ bao năm vẫn vậy. Mùa hạ khô và mùa đông ẩm  ướt lừng lững trở về.
 Rẽ con đường nhỏ  ở ngã tư, Má ngừng xe rất lâu cạnh  ngôi trường con học năm lớp 7… Cũng cái bảng Wild Cats vẽ cái đầu mèo nhe răng hôm nào con chụp hình ở đó- năm lớp tám- con ốm nhom, cầm trên tay bao nhiêu là bằng khen, cười ngại ngùng giữa đám bạn bè lớn hơn con một bờ vai. Con mắc cở khi Bố chụp hình con lên nhận giấy khen. Con là cậu bé Á Châu duy nhất trong trường được thầy cô giáo hết lời khen ngợi. Ở ngôi trường đó, suốt mùa đông, con dậy sớm, lúp xúp chạy ra bảng stop ngay  ngã tư, co ro đứng đợi xe. Những ngày con về học, có khi quên chìa khóa vào nhà, con đứng ở bậc thềm đợi Má. Mắt buồn ngơ ngác như chú nai con lạc Mẹ. Đôi khi Má về trễ, hỏi con có lạnh không, bao giờ con cũng ngập ngừng "Không lạnh mà con… đói. Má ơi."
Má nhìn vào những dãy lớp học… Không biết bước chân con chạy qua khoảng sân nào, chính xác là phòng học nào con cùng bạn bè sớm chiều ra vào. Sao không hỏi con, để có thể tưởng tượng, con trai của má, trong bộ đồng phục nhà trường... lưng đeo cặp, có chỗ nào con đứng, mỗi ngày, ngóng từ chuyến xe bus mang con về nhà.
Má xếp hàng ở quầy bưu điện. Đồ đạc gửi cho con nhiều quá. Má phải chia làm hai thùng. Thùng giấy lớn đựng hai thùng mì gói (Con thèm ăn mì gói Việt Nam , loại mì trong tô mà ớt cay thật cay. Nếu chua càng tốt. Con dặn). Một số sách của Kellerman, J. K. Rowling, John Grisham. Vài băng game hôm bữa ở nhà con chơi chưa xong (Chắc con không có giờ đâu Má, mà thôi, cứ gửi cho con, khi nào rảnh con chơi với bạn), một số kẹo chua mà hồi còn ở nhà, con ăn xong xả rác đầy phòng.
Thùng nhỏ toàn đồ gia vị. Tương đỏ, tương đen, xì dầu, hành khô thôi thì đủ thứ cho con tự nấu. Ở nhà con vẫn thường bày ra nấu cơm. Nhiều bữa con gọi về "Má ơi. Hôm nay con xào thịt bò cay kiểu Thái đó. Má không phải lo thức ăn chiều đâu nha." Má gửi thêm cho con vài bịch khô bò Bố làm lấy. Loại khô bò nầy chắc không ngon bằng loại ở Houston mà Má vẫn nhờ người bạn mua dùm, nhưng mỗi lần nhận quà, con thường gửi thư về khen lấy khen để "Ngon lắm Má ơi. Con ăn hết  rồi . Nhưng kỳ sau, làm cay hơn nữa cho con."
Má định viết cho con mấy chữ, nhưng ngần ngừ chẳng biết viết gì. Bây giờ khoa học tiến bộ quá, computer càng ngày càng tinh vi, người ta chỉ cần gõ lóc cóc vài hàng trên phím , bấm send là thư đi lẹ. Đâu như hồi xưa. Phải viết trên giấy, rồi nào bì thư, nào tem rồi chờ đợi Nhưng nếu hỏi Má có thích kiểu gửi thư bây giờ không. Chắc là không. Nhận một bức thư và nhìn từ nét chữ của người viết, nét cong, nét lượn, vẫn thích hơn là nhưng khuôn chữ có sẵn trên computer… (Chắc là con sẽ cười, sao mà Má chậm tiến quá.)
Má rẽ qua một con đường khác trong thị xã. Con đường này sau bão, người ta mở rộng, sáng sủa hơn. Nhiều nhà  được xây mới ngó rất đẹp mắt. Đi cuối con đường, qua một khoảng sân đá banh rộng lớn là ngôi trường High school của con. Trường con vẫn còn  nguyên bãi đất ngổn ngang gạch đá bị bão đánh sập và người ta đã đập phá để xây trường mới. (Không biết bao giờ họ xây xong , cơn bão qua đã hơn hai năm  và nhà trường vẫn phải mượn trailer của Fema đặt hàng  dãy ở sân nhà thờ ) Má xuống xe đi dọc qua khôn viên cũ mà hành lang còn mờ mờ đường xi măng. Dưới hàng cây Magnolia còn sống sót, Má nhớ hôm nào đây, ồ không, dễ chừng hơn ba năm, con đứng đợi Má chỗ nầy, con đi học trễ và Má phải đến trường xin phép cho con vào lớp. Con đã gắn bó với ngôi trường nầy biết bao kỷ niệm. Những chiều má ngồi trong thư viện nhìn con họp lớp, con lúi húi ghi chép gì đó khi thầy giáo đưa cho con tờ giấy hoặc có người phát biểu (Má ngồi xa nhìn không rõ, không nghe con nói gì, nhưng gương mặt con lúc đó nghiêm trang lắm. Có khi con cười, miệng cười tươi ơi là tươi.) Cũng chỗ ngồi nầy, những ngày Má đợi chở con về sau giờ tập thổi kèn trong band, hay những ngày sinh hoạt muộn. Bên kia khán đài, mỗi cuối tuần, con chỉ huy ban nhạc chơi Football (Ban nhạc  tên là Pirates of the Carribean, nên con thường mặc áo đỏ, hông đeo kiếm bạc và áo choàng đen phủ dài qua đầu gối. Khi con đánh nhịp cho ban nhạc chơi kèn, hai bàn tay vung cao lên xuống như hiệp sĩ Jean la Fitte chỉ huy đoàn quân lâm trận, ngó hay lắm, làm Bố cười hoài.) Những ngày đông như hôm nay trời lấm tấm mưa, con qua lại giữa sân trường cùng bạn bè trong JROTC, diễn hành, nằm, bò chạy, leo dây đủ thứ.
Con nói, cũng mệt lắm Má ơi, nhưng mà vui.
Từ năm học lớp 10 con đã muốn vào lính rồi.
Cũng ở khoảng sân trường đầy bụi cát, ngổn ngang gạch đá, gỗ vụn, ( hồi đó nó là sân cỏ thẳng  tắp xanh mượt) Bố  Má dự  lễ ra trường của con. Con đứng trên khán đài với 9 bạn, trai có gái có, trong áo tốt nghiệp. Con lên xuống nhiều lần để nhận đủ thứ bằng khen, Trophies. Những tràng pháo tay nườm nượp dành cho con. Trời ơi. Lúc đó Má ước chi người ta biết con là con trai của Bố Má.  Hôm đó, hình như Má khóc, và Bố, mắt đỏ hoe Cái thằng bé, mới năm nào từ Việt Nam qua Mỹ ốm nhom, trên máy bay còn ngồi trong lòng Bố, vào học lớp Một còn níu vạt áo Má khóc đòi v mà bây giờ đứng đó, chững chạc biết là dường nào.
Nhưng cũng ngay hôm đó, sau  lễ ra trường, con vào lính.
Hình như đâu khoảng tháng Năm.
Gần khuya, Bố Má đưa con đến khách sạn chỗ tụi con tập họp chuẩn bị sáng sớm lên máy bay. Suốt dọc đường gần một tiếng đồng hồ, con nắm chặt tay Má. Có lúc con ôm vai Má, an ủi "Má à, hồi xưa Bố cũng đi lính vậy. Chắc là con giống Bố thôi mà." Hồi xưa… Cũng những lần Má tiễn Bố trở về đơn vị. Giọt nước mắt thấm đẫm vai áo lính. Những lần Má vùi mặt trong ngực áo đẫm mùi mồ hôi, thuốc súng. Những lần tìm Bố ở đơn vị đứng lạc loài giữa mênh mông rừng tràm và xa bên kia đồi, bụi cát mấp mô giữa tiếng súng, tiếng đạn pháo kích tung trời. Tuổi trẻ của Bố, của Má, trôi trong cuộc chiến đầy hiểm nguy, đau thương lẫn bất trắc. Người trở lại chiến trường không biết ngày về. Một lần chia tay tưởng là lần vĩnh biệt. Không còn nước mắt để khóc cho người ở lại lẫn người ra đi. Tưởng rằng qua đây sẽ không còn nỗi  lo sợ  ám ảnh của chiến tranh. Tưởng rồi các con lớn lên,  học hành sống cuộc đời  bình thường như bao người khác. Vậy mà con lại chọn cho mình một con đường không bình yên ."  Làm sao  nói cho hết nỗi lòng của Bố Má bây giờ.
Những ngày đầu xa con, đêm nào Má cũng mơ thấy con. Con ngồi, đứng, nằm chỗ nầy. Mới hôm qua, mới hôm kia, mới tuần trước, tháng trước… Ngày của ký ức lùi dần mà ngày mang nỗi nhớ như tảng đá đè tê tái da thịt. Chỗ nào trong căn nhà ghi dấu từng bư ớc chân con cũng làm Má khóc. Con đâu biết lòng cha mẹ đau đớn như thế nào khi con xa khỏi tầm tay, và chọn bước vào đời đối diện v ới đầy dẫy những hiểm nguy. Chọn súng đạn thay vì sách vở, mỗi chặng đường là bẫy bom, là cái chết  không biết sẽ đến lúc nào.
 Con, năm vào lính chỉ mới 18 tuổi.
Rồi cũng qua ba tháng quân trường. Cả nhà cùng đi North Carolina đón con về. Ba tháng tập luyện, con gầy rọp, má hóp sâu. Con mất hơn 30 lbs đến nỗi con đứng gần mà Má không thể tin được, chú lính còm nhom bơi trong bộ đồ Marine kia là con trai của Má. Trong bộ đại lễ hôm ấy, con nói năng từ tốn, gần như nghiêm trang. Con đã thực sự là người lính.
 Ôi, cậu lính con của Má.
Về từ  trại Huấn luyện  tháng Tám thì vài ngày sau đó, Katrina tới. Rạng sáng ngày 29 tháng Tám, cả nhà mình chạy bão. Khác những lần chạy bão trước, cảnh sát đóng đường không cho xe vào thành phố. Ban đêm , hai bên đư ờngđèn đuốc sáng trưng được thắp bởi những cột đuốc như  pháo hoa cho ng ày hội lớn. Cảnh sát đóng bớt đường 10 qua Houston, dồn tất cả  xe ctheo đường 12. Hàng hàng xe nối  đuôi  nhau. Xe của con chạy theo xe Bố. Xe nhích dần từng  chút, từng chút một nên mãi đến sớm hôm sau, chúng ta mới qua khỏi địa phận Louisiana. Từng hàng xe chạy bão nối nhau vượt qua những con đường mát rượi bóng cây, lên đồi thoai thoải, xuôi xuống xa lộ đẹp đẽ thẳng tắp về hướng  Teneesee. Lần chạy bão đó,chúng ta đã đi   một chặng hành trình dài  từ Teneesse qua Akansas, ngược về Dallas, xuôi Houston  Lần đó, không ai trong chúng ta nghĩ rằng, căn nhà mình vừa rời khỏi vài ngày sau đã chìm trong bin nước. Tin tức từ NO. lần nào con cũng hân hoan. "Nhà mình không sao đâu Má. Bão sắp qua rồi."  Cũng từ khách sạn ở Tennesse, lần đầu tiên cả nhà cùng bàng hoàng khi nhìn lên TV, New Orleans  chìm ngập trong biển nước mênh mông.và hàng hàng nóc nhà trôi bồng bềnh trên  
nước. Còn nhà mình thì sao? Nhà mình có sao không? Không một tin tức gì từ Slidell . Báo chí không hề đưa tin Slidell bị ngập lụt. Chỉ một chút chớp nhoáng, người phóng viên quay cảnh cây xăng gần nhà, cột điện ngã sập và mưa gió, cây cối run bần bật Lúc đó, ai cũng hy vọng Slidell vẫn còn có một chỗ để về...
Chúng ta. Cũng còn có một chỗ để về nhưng không còn nơi trú ngụ.
Hàng tháng trời, đồ đạc kéo ra từ đống bùn sình rác rưởi. Nhà nhà, rác chất thành đống dồn cục, không khí bốc mùi nằng nặng của xác thú vật, xác cá chết trương bụng trắng hếu.Mùi  gỗ ẩm mục ngai ngái, và từ thức ăn hôi thối dồn lũy bao ngày. Nhà không điện, không gas. Không máy giặt, máy sấy. Ngồi từ trong nhà có thể nhìn xuyên qua ngoài đường giữa tường nhà toang hoác. Tháng Chín.  Con đi học xa nên không ai chở em Nấm đi học. Mỗi ngày, em  đứng lọt thỏm bên đống rác lềnh khênh đế đón xe bus đến trường.
 Đó là những tháng năm Má tưởng mình sẽ không gượng dậy nổi.
Có bão tố hoạn nạn thiên tai mới thấy, chính phủ Mỹ đã lo lắng cho người dân tận tâm như thế nào. Trailer của Fema mỗi ngày lần luợt kéo đến từng nhà, đặt trên hallway.Họ chuẩn bị điện nước, gas cho một gia đình có chỗ nương náu trong khi chờ sửa lại nhà  cửa. Từng đơn vị các binh chủng bộ binh, thuỷ quân lục chiến đổ về thành phố, giữ an ninh và phát thực phẩm, nước uống cho dân. Những người thiện nguyện từ các tiểu bang khác, từ Hội Chữ Thập đỏ dựng lều, nấu ăn , khám bịnh miễn phí cho các gia đình nạn  nhân bão lụt.
Lòng nhân ái của họ vượt qua mọi chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ. Và khi hoạn nạn mới  thấy, tấm lòng của người Mỹ bao dung, rộng lượng biết là dường nào.
Chúng ta đón Noel đầu tiên, sau bão , trong trailer của Fema. Hôm đó, con và anh từ Baton Rouge về. Con bày ra bàn, đây là quà của Bố, cái nầy của Má... Trên bàn bếp, con thắp những ngọn nến, ánh sáng dịu dàng tỏa lan qua nhánh thông nhỏ, thoáng trong không gian nhè nhe, tiếng nhạc Giáng sinh làm căn phòng thật ủi an, ấm áp. Con bày trò chơi, chụp hình cả nhà. Hình nào con cũng nhăn mặt làm trò ngó đến tức cười. Những tấm hình đó, thỉnh thoảng Má vẫn mở ra coi lại. Để rưng rưng nhớ những ngày tháng còn thấy con nói cười gần gũi… Hình ảnh đó đối với Má quí báu biết là ngần nào. Bởi, Má đã mất hết mọi thứ, từ những hình ảnh, những kỷ niệm của các con lúc mới ra đời, hình đám cưới của Bố Má mà Má đã nhặt nhạnh, gìn giữ hàng bao nhiêu năm trời.
Mọi thứ, chúng ta làm lại từ đầu.
Không dễ. Nhưng ít ra, chúng ta còn có một nơi chốn để về. Một nơi trú ngụ.
Tháng Tám (cũng tháng tám ) con rời nhà vào trại. Từ Camp Lejeune, North Carolina đến Camp Pendletton, California, từ đó, con cùng đơn vị qua Iraq.
Cũng như ngày đầu con xa nhà, Má phải tập  để chịu đựng dần nỗi nhớ, nỗi lo lắng mà mỗi đêm khi chợp mắt, má nghĩ, đó chỉ là giấc mơ. Má sẽ nghe, lát nữa thôi, tiếng con gọi má, hoặc con sẽ mở TV, tiếng cười ha ha của con chộn rộn cả phòng khách.  Má dễ dàng khóc trong bất kỳ gợi nhớ một hình ảnh, một vết tích nào. Má rất muốn mở TV, coi tin tức hàng ngày về  Iraq, muốn mường tượng nơi chốn con ở, mà lại kh ông có can đảm để nghe, để nhìn… Có bao nhiêu người làm Mẹ như Má phải chịu đựng cảm giác nầy, mang trong lòng sự mâu thuẫn dằng xé khi con họ rơi vào một chiến trường đầy chết chóc như vậy?
Con viết tiếng Việt không rành. Con viết "Hom nay con ban làm day tho. Có phải chữ day tho viết vậy không Má" Má ngẫm nghĩ , đoán hoài không biết con muốn viết chữ gì. Dãy thờ ? Dạy thợ ? Đầy thơ ? Không, con bận rộn như vậy chắc không phải là thơ thẩn rồi. Mãi, Má mới biết con muốn viết chữ giấy tờ. Trời, con ơi là con. Tiếng Việt Nam mình nhiều nghĩa lắm. Con viết thư không dấu mà lại sai chính tả,thiệt là tội  cho ngôn ngữ của mình biết bao nhiêu, rồi thế hệ sau , sau nữa, ngươì ta chỉ nói, “ I love you” họ sẽ không còn nhớ và nói với nhau âm điệu êm ái  “anh yêu em, hay em yêu anh “ nữa. Con ra đời, sống trong môi trường xử dụng tiếng Mỹ là ngôn ngữ chính, nên chính con cũng dần dà quên tiếng nói nuớc Việt nam rồi. Mà lỗi cũng nhiều phần bởi Má không dạy con đến nơi đến chốn.
Từ Iraq, con email hỏi Má "Má ơi, Bạn con hỏi New Orleans có món gì ngon?" Ngộ chưa. Chắc tụi con bên đó ăn toàn đồ hộp Ready to eat nên thèm thức ăn  nấu nóng, vừa ăn vừa hít hà phải không?  Ở nhà con hay vào bếp nhưng mới đi đó đã quên rồi. Món con thích nhất là  barbercue shrimp nấu với bơ, lá thơm, chanh, bột đỏ. Đây là món ăn gần như đặc biệt của NO, nhiều nơi họ cũng có nấu nhưng chắc không theo đúng công thức nên mùi vị không đậm đà bằng. Nhưng nếu nói là đặc biệt, rất NO thì phải kể đến món Creole sauce ăn với cơm trắng và tôm, món Crawfish etouffé có mầu vàng đỏ nhạt, ăn với crawfish pie. Còn món cá sấu thì… ngon tuyệt. Thịt cá sấu trắng, dai nên khi chiên phải ướp gia vị cho thịt thấm mềm, nhúng bột chiên trong deep fry , đố ai  biết là mình vừa nhai phải thịt cá sấu. Miếng thịt thơm, ngọt mềm hơn cả thịt gà.
Khi nào con về Má sẽ làm món  Barbercue shrimpcho con ăn. Má sẽ bỏ thật nhiều tôm, nhiều chanh, ớt để con khỏi than phiền "Sao mà không cay, chua chút nào!"
Tuần trước Má dọn phòng của con. Dù là mãi đến mùa Hè sang năm con mới về nhà nhưng Bố đã lo mua gỗ, ván chuẩn bị đóng kệ sách. Bố vẫn loay hoay không biết đóng kiểu nào cho đẹp, cho hợp với phòng ngủ của con. Bố dự định vẽ trên hết một mặt bức tường còn lại  lá cờ Việt Nam như ý thích của con, nhưng có lẽ qua Noel mới thực hiện được. Cũng còn lâu con mới về mà. Má thay cho con tấm trải giường mới, trên bàn ngủ chưng bình hoa lan màu trắng ngà điểm mấy cọng cỏ xanh, ngó dễ thương lắm. Má nghĩ là con rất thích.  Em Nấm có nhiệm vụ quét bụi hai lần trong tuần. Nó vẫn thắc mắc sao anh Khôi đi lâu mới về mà nó phải làm công việc đó sớm quá vậy.
Căn phòng của con, chỗ con ngồi chơi game, đọc sách, căn phòng ngó ra đường tràn ngập ánh sáng, vẫn luôn chuẩn bị đón con về.
Hôm nay, tình cờ Má thấy một tấm ảnh của người lính Marines trên tờ báo Time. Trên cánh tay đầy hình xâm. Một đôi giày lính, một khẩu súng và hai tấm thẻ bài. Hình xâm nhìn dữ dội và cũng khá nghệ thuật. Ở đó, có hàng chữ "Tattoo Bans. Body art is big. But the Marines and some police are cracking down on it."
Tattoo nầy làm Má nhớ thằng bạn thân Marine của con. Kỳ nó đến nhà mình, cánh tay cũng xăm một huy hiệu Thủy Quân Lục Chiến to thật to, (sợ thì thôi ). Thấy Má nhìn, con cười cười "Má à, mai mốt con cũng…"  Má đẩy con ra, chắc vậy, hình như lúc đó Má giận con. "Con à, đâu cứ phải xăm đầy tay chân như vậy mới chứng tỏ mình là người can đảm.  You're the man. Con và bạn con hay nói câu này. Sự can đảm ở ngay chính trong bản thân của con đó. Với lại, người Việt Nam mình thường đánh giá không tốt về những người hay xăm hình nầy nọ,"  "Má à. Con nói giỡn thôi mà. Má tưởng thiệt hả!"
Cũng hôm dọn phòng cho con, Má tìm thấy trong tủ quần áo, nguyên một tập thơ bằng tiếng Anh của con. Một số bài thơ con viết tay. Má biết con thích làm thơ nhưng  không nghĩ rằng con trai của Má làm thơ nhiều đến như vậy. Ôi, con trai của Má. Không biết giống ai mà tâm hồn dạt dào thơ quá sức. Giá như con hiểu và viết được tiếng Việt nhiều, trong những vần thơ kia, Má sẽ thích thú hơn. Má thích bài thơ Sunrise hơn bài My Lovely Rose. Hình như bài thơ này con viết hôm cùng gia đình đi biển ở Destin. Hôm đó, con đón bình minh trên biển, trên bờ cát xô đẩy đùa theo sóng nước… Đó là tấm ảnh rất đẹp với hình ảnh con đứng lẻ loi, cô độc dưới bầu trời mây xanh thẳm, và những ngọn sóng đội đầu chồm trắng xóa.
Má ngồi bất động trong phòng con, rất lâu, tư ởng tư ợng hình ảnh con vào ngày hôm ấy.Những bước chân con chạy in sâu trên bãi biển, và con đuổi theo những con sóng  cuốn dấu chân con xa bờ...
 

Sunrise

 
I left footprints  on the warm sands
I can hear the sound ot the waves,  crashed angrily against the shore.
As if wanting to pull me into their heartless trap
The unsettling wind rushed to envelope me in its cold touch
As I hudled and leaned against a piece of rock along the beach.
There I see now. Rising slowly above the horizon
It skillfully painted its magic streaks of colors across the sky.
The magnificence of its presence, gave one such a feeling
That's so intangible by thoughts, and untouchable by words
I stood up and walked humbly down the beach
And erased by the wawes were my footprints on the beach.
 
 
Con ơi, bên đó con có thường theo dõi  tin tức không? Cali vừa bị một trận cháy rừng kinh khủng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Hàng triệu người phải di tản khỏi thành phố, hàng nghìn nhà bị cháy rụi và theo tin tức, có đến hơn ngàn người chết. Cảnh tạm trú cũng giống như kỳ mình chạy bão Katrina, nhưng ở đây, họ tổ chức tập trung qui mô hơn. Họ ở trong những chiếc lều tạm và thức ăn thì được Chính Phủ cung cấp kịp thời. Họ mất hết mọi thứ y hệt như chúng ta. Họ phải làm lại từ đầu trên đống tro oan khiên đó. Tội nghiệp cho họ. Tội nghiệp cho chính  chúng ta. Nhưng rồi họ cũng phải đối mặt để đứng lên vượt qua như chúng ta từ hai năm trước. Trong thiên tai, dù ở  bất cứ tiểu bang nào, chính phủ Mỹ cũng  lo lắng tận tình cho người dân . Bàn tay và tấm lòng của nước Mỹ còn giang rộng ngay cả những quốc gia nhỏ bé xa xôi nhất, khi họ cần sự  giúp đỡ. Má nghĩ, không nước  trên trái đất nầy có tấm lòng quảng đại như vậy.
Vậy mà khi Cali đang cuống cuồng lo cháy rừng, một số những người lính cứu hỏa chết cháy khi đang thi hành nhiệm vụ thì New Orleans lại tổ chức Voodoo* Festival. Những ông đồng bà bóng ăn mặc quái dị, mặt vẽ rằn ri như thổ dân uống rượu ca hát nhảy múa trên đường. Thành phố nầy, dù đã hơn ba trăm năm thành lập, vẫn còn nặng nề thế giới ma thuật huyền bí. Họ mê tín đến nỗi, phải cầu ông bà thần linh cho họ lá bùa yêu, làm hình nhân đâm kim xuyên tim để trả thù tình địch, vẽ ngoằn nghoèo vài ba chữ trên tờ đô la bỏ trong bóp tiền cầu may mắn. Nhưng, một số trong đám phù thủy đó, là những người  lừa bịp. Ở Việt Nam mình cũng có bùa phép, nhưng chỉ ở một số ít vùng trên cao nguyên hoặc những vùng quê, nơi người dân còn nặng về mê tín chứ không như ở đây. Bùa chú mà cũng có festival. Hết biết. Nó là một trong rất nhiều  festival (ngày hội) của NO.  Gay festival. French quarter festival, Jazz festival.v.v. Chưa kể ngày lễ hội Mardi Gras còn quái dị hơn nữa. Nhưng t nhất là Swinger festival, ngày hội của những cặp vợ chồng  hoán đổi cho nhau -vợ hoặc chồng -trong một số ngày nào đó- cuối tuần - hoặc một tuần lễ cho dài ngày hơn. Xong. Ai về nhà nấy, còn sau đó, họ có sống già với nhau hay không thì không ai biết. Họ rất dễ phân biệt với khách du lịch bình thường, với chiếc vòng dẹp màu sô cô la nhạt trên tay.
Những lễ hội đó , hình như không thích hợp với người Việt Nam nên chưa lần nào  chúng ta tham dự, dù đã sống ở đây gần hai mươi năm.
Con không nói về tình hình, công việc của con bên đó. Email gửi về thường là những lời trấn an Bố Má. Con nói. Công việc con bận rộn lắm. Một  đêm chỉ ngủ ba, bốn tiếng. Không ngày nghỉ. Mà dù con không nói, Má cũng biết. Những tấm ảnh con gửi về đã nói lên điều đó. Có những bức ảnh con chụp quanh chỗ đóng quân. Trại lính đóng dọc trên bờ sông Tigris , với  những đập nước lớn chảy xiết.  Chiến tranh ở đâu cũng giống nhau. Không gian quạnh quẽ, khô khốc với những đồn lũy, bao cát trấn quanh hầm cá nhân. Má cảm nhận được không gian đó, vì dù trải qua bao nhiêu năm, những lần tìm thăm Bố ở tiền đồn, chiến tranh luôn hiện hữu, gần đến nỗi mình có thể nghe được hơi thở của nó. Dù không thể sờ nắm được nhưng nó thật sự có mặt ở mỗi bước đi, mỗi chỗ đứng, mỗi khoảng khắc của thời gian. Bố nói con phải đội nón sắt, dù ở trong trại lính. Kẻ thù có thể pháo kích bất cứ lúc nào và nón sắt có thể giúp bảo vệ được tính mạng cho con. Con phải nhớ rõ điều nầy.
 
Má đi ngược lại con đường cũ.  Đường  vắng. Nắng đã bò qua khỏi ngọn cây, đung đưa theo gió rung rinh tàng lá sớm. Hôm nay là thứ tư. Tuần sau con sẽ nhận được quà của Má. Tưởng tượng, bàn tay con hối hả mở thùng giấy. "Ô, nhiều thứ quá!" Và rồi, con sẽ ăn cho bằng hết trong một thời gian kỷ lục số kẹo bánh Má gửi cho con. Con có thể ăn suốt ngày, kể cả mang vào giường nhâm nhi hương vị khô bò cay xé lưỡi mà vẫn chưa chịu là cay.
Và rồi, như bao lần, Bố lại lui cui ướp thịt, bắc vĩ nướng, xếp thẳng thớm từng lát thịt bò. Mấy ngày liền sấy không biết bao nhiêu là vỉ khô bò cho con .
Và cũng như sáng hôm nay, Má lại ra bưu điện xếp hàng, đợi đến phiên, khiêng cái thùng giấy đựng đủ thứ lỉnh kỉnh… Ông bưu điện già sẽ nhìn Má bằng cặp mắt ái ngại khi mắt lướt vào địa chỉ .

UNIT 73142

FPO AE 09509-3142
Má phải làm quen với nó hàng bao tháng trời nữa, cái địa chỉ ở cái xứ sở xa lạ nầy. Má hy vọng, thời gian qua nhanh hơn, Má sẽ được nghe tiếng con cười  trong ngôi nhà quen thuộc của mình, con sẽ dịch cho Má nghe, những bài thơ con viết từ Iraq . Không biết buổi sớm khi nhìn bình minh ló dần phía chân trời, mầu sắc có rực rỡ và mây có theo gió về bàng bạc từng phiến mây hồng? Ước gì Má có thể đọc những bài thơ con  viết về cảnh bình minh hay hoàng hôn nơi đó. Chắc hẳn rằng trong thơ bây giờ là nỗi nhớ nhà nôn nao thoảng trong đì đùng tiếng súng, hệt như Bố ngày xưa.
Chỉ đến khi con trở về nhà từ chiến trường Iraq , Bố  Má mới thật sự là những kẻ hạnh phúc.
 
( Chú thích)
 
1-Voodoo: black magic ( ma thuật)
              
 Sunrise ( Rạng đông)
 
Tôi bỏ lại  bước chân trên bãi cát
Tôi có thể nghe, quanh tôi.
Âm thanh cuồng nộ của sóng đập vào bờ đá
Những âm thanh giận dữ
Xô đẩy tôi trong chiếc bẫy vô hồn
Đứng một mình co ro
dựa vào ghềnh đá
Đâu đây, tiếng gió xôn xao
Thổi choàng quanh tôi
Mênh mông hơi nước biếc.
Ở đó. Trước mắt tôi.
Mặt trời từ từ vươn lên đường chân trời.
Thật tuyệt vời.
Muôn nghìn mầu sắc chao lượn trên  cao
Rực rỡ
Tôi chỉ có thể cảm nhận
Sự tuyệt diệu vô cùng của tạo hoá

Thursday, December 10, 2015

Có thể bạn chưa biết Cách đặt tên ở Sài Gòn trước 1975 rất khoa học và mang tính giáo dục

Cách đặt tên đường ở Sài Gòn trước 1975 rất hay, rất có dụng ý rất có ý nghĩa . Người đi từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn, nếu để ý bạn sẽ thấy cả một chiều dài văn minh 4000 năm lịch sử của nước Việt trên từng bước chân.
+ Khởi đầu từ Bến xe Miền Tây ta sẽ có Hồng Bàng, An Dương Vương, Triệu Đà… Bà Triệu… rồi thì có Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục… Tiếp đến là Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh…Lý Chiêu Hoàng. Nhà Trần thì Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo và các tướng quây quần Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư…
+ Các bến sông gồm có Vạn Kiếp, Hàm Tử… Bến cảng lớn nhất thì đặt tên Bạch Đằng…
+ Cứ thế vào càng gần trung tâm thì càng tiệm cận đến hiện tại như Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi… rồi tới nhà Nguyễn lại càng gần trung tâm hơn nữa như Nguyễn Hoàng, Minh Mạng, Tự Đức cùng các tướng lãnh như Võ Tánh, Lê Văn Duyệt…
+ Chệch qua phía bắc khu trung tâm (phía Quận 3) ta có triều Tây Sơn và các nhà văn, nhà thơ, học sĩ: Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương… cùng với các võ tướng Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu…
Phải nói rằng một người đi từ bến xe vào trung tâm nếu thuộc Sử Việt và để ý tên đường thì rất dễ hình dung mình đang ở khu vực nào trong Thành phố.

Hay nhất là sau dòng chảy 4000 năm lịch sử, thì tất cả đều tập trung vào một đại lộ mang tên Thống Nhất, đẹp và rộng với quảng trường bao la dẫn thẳng vào cơ quan quyền lực cao nhất thời đó (trước 1975) DINH ĐỘC LẬP.
Con đường nhỏ hơn một chiều, chạy ngang Toà án và cổng chính Dinh mang tên Công Lý (Công Lý thì không thể nào 2 chiều được!). Hai con đường song song với Đại Lộ Thống Nhất được mang tên của hai danh nhân đã tạo ra chữ viết của Việt Nam là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes với hàm ý biết ơn sâu sắc…
Tuyệt vời đó cũng là cách giáo dục Lịch Sử cho Quốc Dân chỉ cần am hiểu lịch sử bạn sẽ ko bao giờ đi lạc.

P/S: Lịch sử là Kim Chỉ Nam, là La Bàn giúp ta biết rõ mình đang ở đâu, vị trí nào trong xã hội và thời đại này!
Nguồn: Facebook Vietnamnet

Friday, December 4, 2015

IM LẶNG : một nghệ thuật sống

Im lặng là vàng. Có thực sự vậy không? Có những khi cần phải nói, thậm chí là nói nhiều, để khả dĩ mang lại lợi ích cho người khác, để giải hoà, để hoà hợp và cảm thông, hoặc để bảo vệ chân lý.
Tuy nhiên, có đôi khi lại cần im lặng, lúc đó sự im lặng có giá trị hơn nhiều. Và lúc này chính sự im lặng lại “nói” nhiều hơn. Đó là đặc ngữ của sự im lặng, một loại văn hoá kỳ diệu, nhưng không dễ thực hiện.

Nói hoặc im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người, và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, mà gươm chưa dùng thì cứ để trong bao. Im lặng là diệu kế nếu lời nói vô ích, nếu không thì có thể phản tác dụng.


Thật chí lý câu nói của T. Man: “Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào trong đầu”. Đó chính là giá trị của sự im lặng. Nhưng
​ 
khi nào nên im lặng? 

1. Khi người khác buồn phiền, đau khổ

Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là động thái của người có giáo dưỡng, tri thức, biết điều, biết cư xử và thấu cảm. Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười – hoặc ngược lại. Sự “lệch pha” đó khả dĩ khiến chúng ta trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo. 

2. Khi người khác suy tư, lao động trí óc
Sự im lặng là “vương quốc” của hoạt động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, sự hiểu biết, sự trưởng thành, sự hồi tâm… Văn hào W. Goethe xác định: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng, đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa. 

3. Khi người khác không hiểu mình
Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hoà đồng để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Nhưng nếu bạn cảm thấy người ta thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể gây “dị ứng” hoặc hiềm thù. 

4. Khi người khác nói về vấn đề mình không am hiểu
Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Đừng ảo tưởng mình là “bách khoa tự điển”. Nhà bác học A. Edison nói: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả đại dương”. Còn hiền triết Socrates thừa nhận: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Chỉ là người bình thường, chúng ta càng cần khiêm nhường mà biết im lặng. 

5. Khi người khác khoe khoang, lý sự
Thùng rỗng kêu to. Càng hiểu biết người ta càng ít nói, thâm trầm và cảm thông. Trong 4 phép toán, phép trừ là… “dễ” nhất, nhưng lại đầy ý nghĩa. Chỉ vì ngu dốt nên mới độc đoán, khắt
 khe hoặc cố chấp. Khoe khoang và lý sự là “đặc điểm” của đầu óc nông cạn, thiển cận. Dốt thì hay nói chữ để cố che lấp khiếm khuyết của mình. 

6. Khi người khác không cần mình góp ý kiến
Đừng bao giờ “xía” vào chuyện của người khác hoặc tò mò chuyện của họ. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói giấu giếm sẽ đến chỗ cùng.

Cibbon nói: “Đàm luận khiến người ta hiểu biết, nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”. Im lặng còn là yêu thương, tha thứ, và là cuộc sống.
Tuân Tử dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Có thể coi đây là ngũ-cung-sống của cuộc đời. Tóm lại, im lặng là một nghệ thuật kỳ diệu và là cách thể hiện văn hoá cao cấp.

Nói ra được thì tốt nhưng có khi im lặng lại tốt hơn. Ta nên học lắng nghe để hiểu, dừng lại để thương. Nhưng khó đấy, bài học này chỉ dành tặng cho những ai đã biết buông bỏ ngạo mạn, biết đời sống là vô thường bất chợt.

Vừa rồi trò chuyện với người bạn, anh ta nói: trong cuộc sống, rất ít người chịu học lắng nghe và im lặng. Bởi vì họ không muốn thua kém, không muốn khiêm cung để nghe rõ những gì người khác nói. Thậm chí, họ giành nói như để tận dụng hết thời gian gặp nhau, sợ thiệt thòi khi ra về mà đối phương chưa rõ hết câu chuyện. Thì vậy, cuộc sống là muôn màu!
Ngày xưa, ngay chính ta cũng ham nói, vào cuôc họp cứ uyên thuyên bất tận, ra café với bạn thì lắm nỗi niềm… Lúc nào cũng muốn nói ra, muốn trút xuống, có khi quá cao trào bi đát, khóc thương. Nghĩ lại, ngày xưa ta ích kỷ thật, chỉ muốn nói cho thỏa. Thậm chí, hay gân cổ cãi lại mỗi khi có vấn đề gì đó về quan điểm. Người sai rồi, ta đúng! Rồi… ta đã được gì trong “đúng – sai” đó?

Thật vậy, nhu cầu chia sẻ ai cũng có. Nhưng để làm người hứng chịu và biết lắng nghe, đếm được mấy người? Cảm xúc con người vô cùng phức tạp, tuổi càng cao, trái tim càng thu nhỏ, dù đã được bao bọc rất kỹ nhưng chỉ cần một lời nói vu vơ cũng có thể như mũi nhọn xé nát lòng người. Thành ra, người lớn chỉ nghĩ mà không cần nói, còn người trẻ thì cứ nói mà không cần nghĩ!

Người ta càng về già càng thấy cô đơn, hay hoài niệm về thời son trẻ rồi bới tìm, rồi thở dài… Có lẽ, họ tiếc nuối điều gì của ngày đã qua. Người trẻ thì nôn nao mong cho ngày mau tới, sẽ vứt bỏ nếu không thích, cần gì người khác hiểu. Và dĩ nhiên không bao giờ chịu im lặng!

Ta ví cuộc đời như trò chơi xếp chữ. Ai cũng được phát cho 1000 miếng, ai cũng có thời gian hoàn thành giống nhau. Chỉ có điều là con người ít khi kiên nhẫn chịu xếp cho mình đến mảnh cuối cùng để tận hưởng vẻ đẹp thực sự nằm bên trong đâu đó.

Đa phần người ta than thở hoặc nóng nảy và cố gắng chắp vá, chồng chéo tất cả vào nhau, rối tung, mệt mỏi, chán nản, trách đời bất công, sao ông trời khó khăn với người này, dễ dãi với người kia?

Chỉ có những ai đi đến cuối cùng của sự tận tụy mới nhận ra bức tranh cuộc sống thật đẹp, thật xứng đáng. Và có khi để hoàn thành nó, người ta đã âm thầm đi tìm, luôn kiên nhẫn và im lặng. Người ta phải nhẹ nhàng tìm kiếm, kể cả chẳng may ghép vài lần mà không đúng.

Thì đã sao? Ta có 1.000 cơ hội kia mà. Lần này chưa được, lần sau sẽ được, chỉ cần bạn đủ niềm tin. Vì tin sẽ thấy, tìm sẽ gặp. Nếu ta tin chắc chắn mình sẽ hạnh phúc thì đã có hạnh phúc rồi đấy.

Hạnh phúc ngay giây phút này đây, yên bình và thanh thản. Không một chút quấy rầy, không chết chóc hay chiến tranh. Đẹp quá phải không? Nếu có nhiều hạnh phúc hơn thế, hãy mang chia sớt nhé nhưng nhớ lặng thầm. Khẽ thôi, họ sẽ biết cảm nhận. Yên tâm…!!!

Chiếc bàn ủi con gà

Chiều 30 mà mượn không ra chiếc bàn ủi than để ủi cho thẳng bộ áo quần thì coi như tiêu tan cái tết.
Chiếc bàn ủi bằng đồng chưa đầy một ký nhưng sức nặng của ký ức khi nghĩ đến nó mỗi lúc xuân về thì luôn trĩu lòng một lớp người trên dưới năm mươi tuổi như tôi.

Của hiếm ở làng

Những năm sau 4/75, miếng ăn đã khó, cái mặc lại càng khó khăn hơn. Nếu là cán bộ nhà nước thì còn kiếm được tấm phiếu 5 mét vải, còn những người ở quê, hầu như phiếu vải là một khái niệm quá xa vời với họ. Để có cái mặc, lớp người già thì tận dụng đồ cũ của đám cháu con thải ra để vá víu lại cho ra tấm áo, mảnh quần mà mặc tạm. Đám thanh niên thì chắt chiu dành dụm hoặc xin cha mẹ ít tiền để đến các “chợ trời” mua lại đồ cũ của người nhưng mới của ta về xúng xính với chúng bạn mỗi dịp tết về.

Mà đâu phải năm nào cũng có tiền để đi “chợ trời” mua sắm! Hai ba năm mới dành được ít tiền mua “bộ cánh” để du xuân. Vì vậy, việc lộn ngược đồ cũ (phần bên trong, ít phai màu) để may lại cho thành “mới” là chuyện khá phổ biến của thời đó. Để tiết kiệm chi phí trả công thợ may, nhiều bà mẹ quê phải làm cái việc cực chẳng đã là may tay, sau khi xả chiếc quần cũ ấy ra. Việc may lại số vải cũ ấy không quá khó nhưng làm sao xóa được dấu vết của đường li đã bị “ủi chết” từ chiếc quần cũ mới là điều gian nan. Lúc này, chiếc bàn ủi như vị cứu tinh để vừa xóa dấu vết của li quần cũ lại vừa góp phần làm mới chiếc quần vừa được may lại để có cái mà mặc chơi tết với chúng bạn.

Không nhớ thời ấy, giá của chiếc bàn ủi là bao nhiêu nhưng cả xóm tôi, đến ngót trăm nóc nhà mà chỉ có 2 chiếc, một của nhà tôi, một của bác thợ may đầu xóm. Bác thợ may thì… còn khuya mới mượn được chiếc bàn ủi của bác vì ông còn phải “ủi gấp” số quần áo vừa mới tân trang cho đám thanh niên trong làng đang sắp hàng chờ chực đến phiên mình nhận “đồ mới”. Vì vậy, bao nhiêu cặp mắt “trai thanh gái lịch” của làng đều đổ dồn vào chiếc bàn ủi của nhà tôi. Chả phải giàu có gì nhưng mẹ tôi có một thói quen nữa là bà mua sắm tất tật những thứ mà gia đình sẽ phải dùng đến chứ không chịu đi mượn của ai.

Đốm lửa ký ức

Ngày 29 tết, việc đồng áng coi như tạm gác lại, những người đàn bà chuẩn bị đổ bánh thuẩn hoặc làm bánh in, đàn ông thì đóng bánh nổ. Đám thanh niên thì chuẩn bị ủi quần áo. Nhà tôi bấy giờ trở thành “điểm hẹn” của đám trai gái trong làng đến ủi nhờ đồ. Những cục than hồng rực đỏ được lấy ra từ bếp đang nấu các loại bánh, bỏ thẳng vào lòng chiếc bàn ủi. Quanh năm lạnh ngắt, chiếc bàn ủi bỗng chốc hực lên vì nóng. Thực ra thời ấy, quần áo có nhiều nhặn gì cho cam, nhưng vì đông người xin ủi quá nên chiếc bàn ủi không lúc nào yên. Hễ than sắp tàn lớp này, lập tức được thay lớp than hồng khác. Đám thanh niên chen nhau, ai cũng “xin” được ủi cho mình trước. Vì vậy, có bao chuyện khóc cười xung quanh câu chuyện ủi đồ để đi chơi tết thời ấy.

Trong xóm có chị Lành, chị hiền hậu như tên cha mẹ đặt cho. Dành dụm cả năm chị mới may được một bộ quần áo vải xoa. Nhưng không phải chị may trong dịp chơi tết mà may để “diện” với họ nhà trai ngày ăn hỏi. Sau lễ ăn hỏi ấy, chị mặc thêm bộ đồ xoa nọ dăm ba lần nữa để đi chơi với anh chồng sắp cưới. Thứ vải xoa này, ni lông là chính nên chỉ cần mặc vài lần là hai ống quần như chiếc lò xo. Thế là phải ủi làm sao cho thẳng để có cái mà đi với anh về thăm nội ngoại. Cầm bộ đồ nhàu nhĩ trên tay, chị ngồi chờ chực gần hết buổi mới ủi được. Vội vội vàng vàng thế nào, vừa đặt chiếc bàn ủi lên một ống quần để “đẩy”, quần chẳng thẳng mà chỉ thấy một bên vạt dính luôn trong chiếc bàn ủi, khói bay nghi ngút, khét lè khét lẹt! Thế là tiêu luôn cái tết của chị Lành. Mấy chục năm rồi, tôi vẫn không quên hai hàng nước mắt ròng ròng của chị khi nhìn chiếc ống quần đã biến thành than.

Lại có anh Toan nhà bên, cũng sốt ruột thế nào, chưa kịp móc miếng vải vô đầu “con gà” để “khóa” lại, đã vội nhấc lên. Một đống than hực đỏ từ trong chiếc bàn ủi đã trút xuống chiếc quần. Coi như xong cái tết. Kinh nghiệm “xương máu” ấy đã giúp chúng tôi, đám đàn em kém các anh chị dăm bảy tuổi, không bao giờ mắc phải. Trước khi ủi quần áo thì “ủi” vào tàu lá chuối cho giảm nhiệt. Cũng chẳng bao giờ quên móc “con gà” vào khóa để không bao giờ than trong bàn ủi phải đổ lên áo quần.

Bây giờ nhà nào cũng sắm được chiếc bàn ủi điện, hễ quá nóng là tự khắc nó giảm nhiệt ngay. Cũng chẳng có cô gái nào mặc quần “lò xo” như chị Lành, anh Toan của xóm tôi ngày trước. Bao nhiêu quần là áo lượt đủ kiểu dáng của những nam thanh nữ tú dập dìu ngày tết. Nhìn thấy họ, lòng tôi lại dậy lên nỗi xót thương về một quãng cơ cực của làng mình. Những lúc ấy, hình ảnh chiếc bàn ủi bằng than cứ đùn lên như một đống lửa chưa bao giờ tắt.

Trần Đăng

Thảm kịch nhân 150 năm nhà hát Bataclan

Thời sự - Tuấn Thảo - RFI
Tuấn Thảo - Tìm kiếm tất cả các bài, âm thanh, vidéo và biểu đồ trên rfi.fr
media 
Nhà hát Bataclan vào thời mới được xây dựng - DR
Đợt khủng bố kinh hoàng tại Paris hôm 13/11/2015 vừa qua đã làm cho 130 người thiệt mạng, trong đó có khoảng hai phần ba các nạn nhân đã bỏ mình tại nhà hát Bataclan. Sự kiện tang thương này diễn ra đúng vào lúc nhà hát Bataclan ăn mừng 150 năm ngày được thành lập.
Tọa lạc ở số 50 trên đại lộ Voltaire, giữa lòng Paris quận XI, nhà hát Bataclan đã được khánh thành vào đầu tháng Hai năm 1865. Nhà hát này đã nhiều lần đổi chủ, nơi tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt giải trí, kể cả biểu diễn hoà nhạc, chiếu phim xinê hay là hộp đêm vũ trường. Nhưng với thời gian, nhà hát Bataclan cũng như nhà hát Olympia, trở nên gắn liền với nếp sống sinh hoạt của người dân Paris, và được dưa vào danh sách các di sản văn hóa thủ đô Pháp từ năm 1991.
Description de cette image, également commentée ci-après
Về mặt kiến trúc, có thể nói là nhà hát Bataclan được xem như là một ‘’kỳ công’’, bởi vì kiến trúc sư Charles Duval (1808-1876) chỉ có 9 tháng để phác họa sơ đồ và điều hành việc xây cất nhà hát. Nguyên là con trai của kiến trúc sư Pierre Joseph Duval, người đã quy hoạch toàn bộ thành phố Beauvais, Charles Duval nối nghiệp thân phụ trong ngành kiến trúc.
Thế nhưng, đam mê đầu đời của ông vẫn là sân khấu kịch nghệ, điều đó giải thích vì sao ông nổi tiếng sau đó như là gương mặt đã xây cất các nhà hát lớn tại thủ đô Paris, trong đó có sân khấu Eldorado, vũ trường Alcazar, cũng như nhà hát Le Grand Café Parisien (1857), được xem như là rạp hát lớn nhất thế giới vào giữa thế kỷ XIX, với hơn 1.200 chỗ ngồi.
Khi đốc thúc việc xây cất nhà hát Bataclan, kiến trúc sư Charles Duval đã vẽ một toà nhà đồ sộ bề thế với gần hai ngàn chỗ ngồi. Làng nghệ thuật Pháp thời bấy giờ đang có cái mốt yêu chuộng ‘’của lạ’’ đến từ các nước Viễn Đông, kể cả Nhật Bản và Trung Hoa cho nên ngành kiến trúc cũng như ngành trang trí nội thất đều gợi hứng vay mượn ít nhiều các đường nét, họa tiết Á Đông. Có lẽ cũng vì thế mà sau nhà hát Le Grand Café Parisien (1857), nhà hát Bataclan (tên nguyên gốc là Ba-Ta-Clan) khi được khai trương, còn được mệnh danh là Le Grand Café Chinois.

le bataclan, paris
Nhà hát có xây một mái chùa theo kiểu Trung Hoa, chót vót ở trên nóc nhà. Tấm màn bằng nhung che phủ sân khấu lớn mang hình cánh quạt Nhật Bản, với những họa tiết anh đào gợi lại văn hóa xứ Phù Tang. Nhà hát này nhanh chóng trở thành một trong những tụ điểm khét tiếng giải trí vui chơi. Dân Paris thời bấy giờ đến đây không đơn thuần để xem vũ kịch hay ca múa mà còn để chơi bida, uống cà phê, thưởng thức champagne hay dùng tiệc trà ở tầng phía trên, một cơ hội lý tưởng để cho quý cô trưng diện, để cho quý bà khoe các kiểu áo dạ hội thời trang.
Nhà hát được đặt tên Bataclan theo tựa đề của vở ca vũ kịch của Jacques Offenbach, sau đó trở thành một sân khấu ‘’tạp kỷ’’ theo đúng nghĩa của nó tức là tập hợp trên cùng một sàn diễn nhiều tiết mục khác nhau kể cả hài kịch, ca hát, múa ballet, ảo thuật hay trò xiếc ….. Từ những năm 1905 trở đi, Bataclan trở thành nơi chuyên biểu diễn các vở tuồng opérette cũng như các đại nhạc hội gồm nhiều hoạt cảnh ca vũ kịch có chuyên đề (revue musicale). Những tên tuổi lớn thời bấy giờ như Mistinguett, sau đó là Maurice Chevalier hay là Georges Milton đều từng biểu diễn tại Bataclan.
Trong giai đoạn giữa hai Thế chiến (1920-1938), nhà hát Bataclan được biến thành một rạp chiếu phim, ban đầu là phim câm rồi sau đó là phim có âm thanh lời thoại. Sau một vụ hỏa hoạn lớn, Bataclan buộc phải đóng cửa, rồi xây cất lại một phần bên trong rạp hát, mái chùa nằm ở trên nóc nhà bị san bằng, dỡ bỏ. Giờ đây, chỉ có trên logo thương hiệu của nhà hát Bataclan, thì người ta còn giữ lại cái hình tượng ban đầu của mái chùa Đông Phương.
le bataclan, paris
Mãi tới đầu những năm 1970, Bataclan mới mở cửa trở lại để tiếp đón khán giả. Nhà hát trở thành một sân khấu chủ yếu dành cho nhạc rock, nhắm vào đối tượng thanh niên, hầu tạo ra một nét khác biệt với các nhà hát khác nổi tiếng của Paris thời bấy giờ, điển hình nhất là nhà hát Olympia chuyên về nhạc nhẹ.
Gần đây trong bộ phim tài liệu mang tựa đề “Các thế hệ Bataclan” (Générations Bataclan) chiếu vào hôm 20/11 một mặt để tưởng niệm các nạn nhân, , mặt khác để nói về 150 năm lịch sử của nhà hát này kể từ ngày khánh thành, khán giả có thể thấy sự gắn bó của giới nghệ sĩ với nhà hát này qua bao thế hệ. Hiện giờ, Bataclan là chặng đường không thể thiếu trong lịch biểu diễn của các ban nhạc rock, kể cả các nghệ sĩ Pháp và các tên tuổi trứ danh trong làng nhạc quốc tế, từ các gương mặt như Lou Reed, Alain Bashung, Police, The Cure, Téléphone những năm 1980 cho tới các nghệ sĩ gần đây hơn như Stromae, Robbie Williams hay Eagles of Death Metal …..
Bên cạnh các buổi trình diễn nhạc rock, nhà hát Bataclan trong thời gian qua còn là nơi biểu diễn của các diễn viên hài (như Djamel Debbouze, Dany Boon, Jean Marie Bigard), lâu lâu một lần, Bataclan lại được biến thành một hộp đêm dành cho giới yêu chuộng sàn nhảy, do người ta có thể mướn nhà hát này để tổ chức những chương trình ‘’clubbing’’ theo chuyên đề.
Kể từ năm 2004 trở đi, nhà hát Bataclan nằm dưới sự điều khiển của một nhóm chuyên tổ chức các sự kiện bao gồm nhiều nhà hát khác nhau, trong đó có sân khấu Bouffes du Nord. Nhà hát Bataclan do có 1.500 chỗ ngồi nên được xem là khá lý tưởng cho các nghệ sĩ mới vào nghề cũng như các ban nhạc có tầm cỡ trung bình. Các nghệ sĩ có khả năng thu hút đông đảo khán giả trong cùng một đêm diễn thường chọn những sân khấu lớn hơn nữa như sân vận động Stade de France, cung thể thao Bercy (vừa mới đổi tên thành (Accor Arena), các rạp hát lớn như Palais des Congrès hay Palais des Sports …..
alt
Vào đầu năm 2015, chi nhánh giải trí của tập đoàn Lagardère đã mua lại 70% cổ phần của nhà hát Bataclan. Nhà hát này đã được tân trang sau khi có chủ mới, lên lịch biểu diễn khá hấp dẫn hầu đem lại một luồng sinh khí mới cho sân khấu nhạc rock ở thủ đô Paris, kể cả các nhóm nhạc đến từ dòng chính (mainstream) hay các ban nhạc rock theo phong trào luân chuyển, độc lập hay dòng ngầm (alternative, indie, underground).
Thế nhưng, với đợt khủng bố đẫm máu ngày 13/11 vừa qua, thế giới giờ đây gắn liền nhà hát Bataclan với những hình ảnh tang thương chết chóc. Năm Bataclan ăn mừng sinh nhật 150 tuổi lại nhuốm đầy tử khí, khoác lên nhà hát này một tấm màn nhung đen, đạm màu tang tóc.