Monday, February 6, 2017

Tháng giêng là tháng ăn chơi / Phạm Sanh PBC72

Về quê ăn Tết Phan Thiết 
Năm nào như năm nấy, tôi cũng phải về quê cúng giao thừa đón Ông Bà. Đêm trước khi về PT, bao giờ cũng chở bà xã ngắm một vòng các chợ hoa SG, xem chứ không mua, người ta nói hoa nở về đêm chứ ai lại rước hoa về nhà ban đêm, dễ lầm. Năm nay, thời tiết lửng tửng, cây trái mất mùa, bông cũng ít nở đúng Tết. Giá mai đào đều mắc, người đi chỉ xem ít dám hỏi, đường phố vắng, không thấy cảnh mừng húm hớn hở chở gốc mai cành đào mua được, về chưng Tết như mọi năm.
Ông già mất, tôi không về ngày 29 để cha con đèo Honda đi xem chợ hoa ngày cuối, kiếm cây mai chậu cúc đẹp mong đem lại lộc xuân đầu năm. Về ngày 30 cũng có cái hay, đường vắng, xe đò vài chiếc chạy vội, từng cặp lặng lẽ chở nhau đùm bế lỉnh kỉnh về quê, phố xá nhà cửa bên đường yên ắng, trong cái nắng xuân se lạnh chỉ còn các chậu hoa vạn thọ mồng gà mai cúc vàng đỏ tươi thắm đang bồn chồn cùng cô chủ xinh xắn ráng chờ những người khách mua cuối cùng. Quãng đường vẫn như xưa, đến Trảng Bom ăn tô bún mọc uống ly cà phê sửa nóng ấm bụng tỉnh người, chạy tiếp đến ngã 3 Ông Đồn lựa mua một chậu hoa đầm xòe vàng tươi quý phái cho Mẹ, đến ngã ba bốn sáu nhìn đồi Hoa Mai ngồi uống trái dừa lấy sức, chạy một hơi về PT, để còn đi thăm mộ Ông Bà người thân và kịp ăn một tô bánh canh, thêm một tô mỳ quảng vịt. Chiều tối 30 Tết, chạy một vòng qua cà phê The Hill tìm Đỗ N., khu bắc sông ngày thường sầm uất nay vắng lặng, gió bấc thổi nhẹ nhưng vẫn nghe hơi muối mặn của biển. 

Phan Thiết sau 75 chỉ phát triển khu vực phía bắc Cà Ty, nơi đồi cát ruộng muối còn nhiều đất trống, giao có tặng có cho “gà nhà” RĐ san ủi xây cất bán lại cho các công ty dịch vụ thương mại Sài Gòn, bán như cho không đám quan chức, bán mắc cho làn sóng Nam tiến. Tủi cho các khu vực dân cư cũ, phố xá đìu hiu, gần 42 năm, những con đường nhỏ lại mang nhiều hang lỗ, tệ hơn đường nông thôn miền Bắc xem thấy trên TV hàng ngày. Quê hương là thế đấy, không phải chỗ nào cũng khế ngọt để trèo hái mỗi ngày.
Cái tết năm thứ ba vắng Ông già, tôi ngồi xem kịch Táo quân, chờ đón giao thừa. Kịch Táo năm nay lãng xẹt, dở ơi là dở, lập đi lập lại mấy câu nói trên trời của lãnh đạo, các đoạn đối đáp chanh chua xỏ xiên giọng ngoài Bắc, chọc cười thâm thúy, nghe nói bị cắt bỏ cho bỏ ghét. Thầm nghĩ, sang năm, cho mấy vị “lãnh đạn”  đóng Táo còn linh thiêng hơn. Nghe nhạc xuân, không thấy ai thèm hát mùa xuân đầu tiên của Văn Cao, chắc không còn gà đang gáy trưa bên sông nữa rồi. Cũng ráng ngồi uống ly cà phê, xem mấy màn văn nghệ văn gừng câu giờ, trong cái tối trời yên ả tĩnh lặng của đêm 30 chờ đón Ông Bà về cùng con cháu, lòng cứ nghĩ đâu đâu về ai.
Ăn Tết từ lâu không còn tiếng pháo, năm nay lại không bắn pháo hoa nên không thấy bọn thanh niên trong xóm kéo nhau đi nườm nượp lên cầu Trần Hưng Đạo chọc ghẹo quậy phá. Tụ tập uống rượu đế hát karaoke rùm beng cả buổi chiều 30 rồi quay ra ngũ lăn quay đến sáng mùng một. Đúng thời khắc giao thừa, rót nước thắp nhang đánh chuông cúng vái mời Ông Bà về xong, tôi ra sân uống trà nhìn lên trời tìm sao hôm sao mai, nhớ về Ba tôi những năm còn sống. Bầu trời tối mịt, leo loét ánh nhang ngọn đèn bàn thờ Thiên, Ông Bà người thân đang về, lũ bạn ngày nào đang về, tôi không ngũ được, Mẹ lãng nặng cũng không ngũ được, cứ hỏi Ba mày cúng chưa. Chờ tiếng gà lạc lõng xa xa gáy sớm, kêu mấy đứa em đứa cháu dậy, lục đục nhóm lửa nấu nước, chuẩn bị vài món đồ chay cúng mùng một Tết. Mùng một tết Cha, mùng hai tết Mẹ, mùng ba tết Thầy.
Qua Tết, sau mùng 5, cánh đàn ông 72 định cư SG về PT gặp bạn, nhậu là chính nên không rủ mấy Bà tốn mồi, nghe KĐ Pháp kể, cũng những khuôn mặt ngày xưa thân ái, Diệp Sỹ Bình Ngọc… Còn nhớ được tên vợ mình là còn ôm lon. Nói vậy thôi, bạn già gặp nhau, vui tán dóc, để sống thêm được tuổi nào hay tuổi nấy. Răng cỏ hom hem, cái gì cũng yếu xìu, ăn uống có là bao.

Sáng mùng 7, điện thoại reng, lại nghe tiếng nhạc nền happy new year quen thuộc, MQ gọi uống cà phê Terrace với Thu Hương, thay đồ đi ngay, gặp mấy bà 72 đầu năm lấy ngày. Mấy chục năm, Kiều vẫn là Kiều, hiền hậu quý phái, không ốm như xưa , nói nhiều hơn hồi nhỏ. ĐT vui khỏe hơn trước Tết, có thể nhờ buổi gặp mặt ăn chay nhà KL mùng 6 Tết, nghe nói ăn vừa xong, Trời đất cảm động sấm sét chuyển nắng sang mưa,  đột ngột làm người Sài Gòn lại khổ sở đẩy xe lôi nước.
Gặp Thu Hương, nhớ Thiên Hùng, cùng học nhất cấp P3. Mặt thư sinh, ốm con, mới gặp tưởng hiền mà cũng hiền thật, chỉ thích đánh lộn với các người không phải là dân Nguyễn Hoàng. TH là người duy nhất trong lớp được Thày Tuyết dạy Việt văn, Ông này không trắng như AT, nước da ngâm đen, phong là ông tướng, nhờ thành tích núp cây cột đèn đầu hẻm vô nhà TT Phúc, dám kêu tên Thày mà chửi, rồi sàng qua nhá lại chạy mất. Thày tức lắm, ngày hôm sau vẫn còn tức, kêu TH đứng lên, lấp bấp ông ông tui tui, cái giọng nông dân Phú Hội như Thiện hoa hậu nhà mình, bộp tai TH nhưng TH lấy tay đở được hết, dân Nguyễn hoàng có khác. Năm Mậu Thân, hết bắn nhau đi học lại, lớp bị pháo kích hư, phải học tạm ở dãy phòng thí nghiệm, cả lớp đang giờ ra chơi, bỗng thấy TH mặt mày thất sắc chạy về, chun nhanh vào dưới gầm bàn thí nghiệm. Liền sau đó, các Thày giám thị, một nhóm con trai 71, la hò rượt đuổi, đến cửa lớp quát tháo tìm TH, té ra ông tướng đánh cả đàn anh. Hơi bất ngờ, cả lớp im thin thít, rồi đột nhiên, ùa lên nhao nhao nói giống nhau, không có  không thấy TH. Tình bạn xuất hiện vào những lúc cực kỳ nguy khó. Cả lớp tôi không bỏ bạn. Mấy chục năm, không bỏ được tính “xấu” này. Nghĩ lại, mấy đứa lứa 72 mình, nếu có nói xấu nghĩ xấu về bạn, chỉ là dị nhân hay “lãng” tử gì đó. Sau này, TH gặp người vợ, con Ông Bà Tân Thành đầu đường Duy Tân dưới chân cầu sắt, làm em rễ của Nhàn (đã mất), bạn câu ruột của tôi từ thuở ở truồng câu cá đục bãi Cồn Chà hay mót khoai lang ăn đở đói chờ tôm càng xanh theo nước lũ về trên các búng sông Cà Ty. Tội nghiệp Nhàn, lấy cắp tiền ba mẹ để mua mồi và đồ câu, rồi ngụp lặn mò bắt từng cặp cua cho tôi để đở buồn những lúc con nước ương cá chán mồi.
Lúc chị em TH vào PBC, đã nghe các bạn thì thầm về câu chuyện dòng tộc triều Nguyễn. Lớp có Thân Trọng Phúc, nhưng dòng họ Thân Trọng cũng chỉ là công hầu khanh tướng, còn dòng họ Nguyễn Phúc (hay Nguyễn Phước) mới chính hiệu vua chúa. Thời Vua Minh Mạng, triều đại mà đất nước Việt nam được mở rộng nhất, Vua đã đặt ra Đế Hệ thi và Phiên Hệ thi, để đặt tên con cháu sau này có nề có nếp, có trên có dưới. Vua thì theo Đế Hệ và 9 Hoàng tử còn lại khác con vua Gia Long thì đặt tên con cháu theo Phiên Hệ…

             Miên Hồng (Hường) Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
                  Hiền Năng Kham Kế Thuật
          Thế Thoại (Thụy) Quốc Gia Xương

Người Pháp vào VN, triều Nguyễn chỉ được đến Vĩnh, như Hoàng đế cuối cùng Bảo Đại là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Thày mình có Vĩnh Giên, tướng hồi xưa có Vĩnh Lộc, ngang hàng các vua Duy Tân Bảo Đại. Cháu nội vua Thành Thái, NP Bảo Tài, hiện sống khổ tại Sài Gòn, chạy xe ôm hay phụ hồ gì đó. Chữ Bảo mà đã chết đi sống lại thì mong gì đến chữ Xương, chưa chắc còn xương mà gậm. Quên, đó là con trai, còn con gái thì Công Tôn nữ, Công tằng Tôn nữ, Công huyền Tôn nữ, Công công Tôn nữ gì đó, không biết Thu Hương thuộc hàng Công nào.
Thái Lan cũng còn vua, thi hoa hậu hoàn vũ tại Philippine vừa rồi, hoa hậu Thái Lan khi được ban giám khảo hỏi đã trả lời đức Vua Thái Lan là người mà cô yêu quý kính trọng nhất. Nhật bản cũng còn Nhật hoàng. Anh quốc vẫn còn Nữ hoàng, cả nước Úc xa xôi và 15 nước khác vẫn thích hình ảnh Nữ hoàng Anh. Rồi Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Áo, Brunei, Malaysia, Kampuchia… vẫn còn Quốc vương Nữ hoàng. Không ai như VN, sau chiến tranh, những gì sót lại của vương triều nhà Nguyễn đều ra đi giống các “thành phần” ngụy quân ngụy quyền tư sản địa chủ. Đường Gia Long thành đường Lý Tự Trọng, trường Gia Long thành trường Minh Khai, Lê văn Duyệt biến thành Cách mạng tháng 8, Ngô Tùng Châu thành Lê thị Riêng, Nguyễn văn Thành thành Huỳnh Đình Hai, Duy Tân ngoài mình thành đường Nguyễn văn Trỗi… Nói xấu thậm tệ các triều đại phong kiến, đến khi TQ lấy bớt Trường Sa Hoàng Sa, mới vội tìm tài liệu triều Nguyễn để chứng tỏ chủ quyền của VN. Nhưng thật ra mà nói, phe “thắng trận” vẫn chưa chịu tâm phục khẩu phục công nhận công lao có thật của triều Nguyễn và các triều đại vua chúa trước đó. Cố sức nặn ra đủ loại văn hóa cướp phết giựt lộc, thêu dệt vô số truyền thuyết ông tổ này bà chúa nọ, đến nay vẫn chưa biết ổng bả, mặt mủi ăn bận ăn uống ăn ở ra sao. Nhớ trước đây còn nhỏ, học Đức dục Công dân Sử Địa…, mọi môn học đều học có đầu có đuôi từ A đến Z. Bây giờ, chỉ cần học A và học Z là đủ, hay chỉ biết Z cũng được, đúng quy trình. Một năm 3 lớp, bổ túc vừa học vừa làm, thời giờ đâu trí óc đâu mà học cho mệt, còn phải lo kiếm chức lượm tiền giành đất. Bọn trẻ thời này không chổng đầu xuống đất giống Âu Dương Phong luyện hàm mô công tẩu hỏa nhập ma mới là chuyện lạ.
Trước khi mất, Bà già vợ tôi vẫn còn nhắc, thời ma quỹ  hiện lên làm người, ráng… nhịn. Bả cũng thuộc dòng họ công thần Nguyễn Hữu, từ miền Bắc chạy vào miền Trung và bôn ba tiếp vào Nam, mở cỏi. Đất lành chim đậu. Ngay miền Tây, cao nguyên, biên giới Tây Nam Tây Bắc, cả đảo Phú Quý BT cũng phủ đầy người Bắc “bảy mươi lăm”. Cứ hy vọng trái thanh long ngọt là do đất chứ không do cây. Thanh long Bình Thuận vẫn phơi phới bán qua Trung quốc Đài Loan là vậy.
Mùng 9 lại khai trương tại SG, chỉ vắng HT còn ngũ ngoài Phú Long và mấy vị tuy gần mà xa. Chúc Tết nhau, nói đủ chuyện kim cổ đông tây, nhắc lại những điều cần nhớ để sống dai sống khỏe, như ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn, đi đâu cũng phải rủ bạn bè để tiết kiệm tiền làm từ thiện, già rồi tránh ham hoa bớt thích lợi lộc đề phòng sương gió… Giải tán sau gần 4 giờ trà đạo uống hết 8 bình trà nóng, để ĐT còn về Vũng Tàu hít hơi gió mủi Nghinh Phong lấy sức cho cả năm, năm gà mái tung tăng thoải mái đá gà cồ.
Mùng 10, vía Thần Tài, người Sài Gòn cúng heo cúng vịt cầu mong mua may bán đắt, người Hà Nội chen lấn mua vàng mong đô la vào phòng, như nước cống ngập lai láng những ngày mưa xuân. Nhớ mấy bạn “vàng” Sang Hồng Huyền… xưa con chủ tiệm, vàng tính theo tấn. Chợt tiếng bà xã ơi ới, mổ con gà có trứng, trứng non màu vàng, tỉnh mộng giấc kê vàng.
Hết mùng, hết Tết. Chờ Kiều vào kể chuyện bạn ngoài quê. Chờ rằm tháng giêng đi chùa Bà Bình Dương, vái xin Bà cho mấy Bạn mấy Thầy Cô sống lâu để còn nghĩ về nhau một thời đi lạc vào cỏi thần tiên.
Một cái Tết quá vui, mong năm sau nhiều bạn đường xa về còn vui hơn nữa. Chúc Xuân PH, Tín, GH, HT, ND, M-N, vợ chồng AT, KN, PV…, các Ông các Bà 72 còn sống trong nước (nhiều quá, không còn sức để gỏ tên).

Phạm Sanh, PBC72