Những khi Sài Gòn Hà Nội mưa ngập, người ta kể chuyện xăn quần
bắt cá rô phi cả rỗ, thấy hơi tự ái, viết
bài về câu tôm câu cá gửi mấy bạn 72PBC đọc cho vui.
Phan Thiết câu tôm cũng được mà câu cá thì cũng hay. Nhỏ, lên
đập Phú Hội, các búng ven sông Cà Ty, sông Phú Long, sông Lũy, hoặc suốt Cát…,
ngồi lùm tre câu tôm càng xanh nước ngọt. Mồi câu tôm chỉ cần đào trùn, phải là
trùn sửa hoặc trùn đỏ bắt về cho vào đất cát trắng vài ngày. Lưởi câu mua dây đờn
vọng cổ số 4 hay số 5, về mài nhọn dùng kềm uốn. Cần câu thì cần trúc là tốt nhất,
vừa dẽo dai vừa cây nhà lá vườn. Những lúc mưa lớn lũ trên nguồn về, câu được
toàn tôm ông cụ, đôi càng rong rêu gai xanh bóng ưởng dài gần nửa thước, mỗi
ngày đi câu chục ký tôm là bình thường. Mùa mưa Bình Thuận, trời đất âm u mịt
mù, lạnh cóng co ro, tôm ăn mồi lia lịa, tham ăn nhất là các cô tôm bụng ôm đầy
trứng. Làm biếng đi xa, có thể câu, đâm hoặc mò… tại bờ kè vườn bông lớn château
d’eau cũng có tôm càng, nhưng phải canh con nước chè hai, tôm bị cay mắt núp
vào hốc đá chỉ ăn mồi vào ban đêm. Câu tôm càng tại bờ kè vườn bông, thường câu
được cả cá hanh choán, hồng chấm. Tôm càng xanh câu về, nướng số một, sốt ram số
hai, rồi mới đến hấp, kho rim mặn nước dừa để dành ăn cơm nóng.
Sông Cà Ty những năm trước 70, có rất nhiều cá. Bên Trưng Trắc
là vớ kéo, bên Trưng Nhị ngồi câu trên
kè, trên cầu dẩn hoặc trên be tàu hàng đậu dọc kè. Câu cá phải tùy mùa, tùy con
nước, Ông Bà vẫn nói “chim chết vì ná, cá chết vì nước”. Mùa hè gió nồm chỉ có
cá nhỏ nằm vùng như cá đục, cá bóng, cá dồ, cá căn, hồng chấm, có cả cá sơn, cá
nóc. Nhưng mùa bấc thì hanh lở, hồng, mú, chẻm lá vào các rạng đá hoặc các hốc
khung cầu gảy nằm dưới cầu sắt qua sông Cà Ty, để ăn cá đối ăn tôm ăn hào. Mùa
này, người lớn dùng cần bạc mồi tôm sống còn búng đành đạch rình cá lớn, con
nít lấy lon quấn cước mồi tôm chết xắt nhỏ ngâm muối cho cứng, giựt lia lịa cá
nâu cá rìa. Các loại cá mắt to mình dẹp da nâu lốm đốm này, bị mang vây cá xóc
vào tay nhức lắm đau không chịu nỗi nhưng câu được đem về chiên giòn, um, luộc
cuốn bánh tráng nước mắm me hoặc nấu canh chua thì hết xẩy, quên đau nhức. Xưa ở
quê nhà, nhiều người nói ăn cá rìa, trị nhức mỏi tốt lắm.
Nhưng câu sông lại không hấp dẩn bằng câu biển, đêm vắng
trăng thanh nhìn sóng biển trắng xóa chạy thẳng vào bờ, chờ đúng giờ cá ăn nhớ đến
bóng hình ai ở chốn xa xăm nào đó, không sao diển tả được tâm trạng mòn mỏi chờ
thời lẫn chờ đợi của mấy ông câu.
Câu biển, trước hết nói về câu cá đục. Lúc tôi học tiểu học,
cứ ra cửa biển Cồn Chà, cởi áo cởi cả quần (dài) lội ra lạch, mồi thì có sẳn cồi
sò, lúc cá ăn nhiều, phải gở cá ngậm vào họng cho kịp. Nhưng cá đục cửa sông
thường không lớn, lại hơi “đen”, dân câu xịn phải đi dọc biển để câu đục nanh
vàng ửng trắng buốt. Suốt từ Kê Gà, Tiến Thành, Phú Hài, đá ông Địa đến Hòn
Rơm, những chỗ đáy biển cát mịn có ít đá, trong ao ngoài cồn, gió mạnh đẩy thủy
triều lên, chắc chắn có cá đục nanh ăn mồi. Mồi câu bằng chang chang (khác chang
chép) hoặc trùn biển là hết ý, đục nanh thường nuốt nguyên mồi câu vô ruột, đứt
cước tuột lưỡi câu dài dài. Có lần ra Hòn Rơm, khi thủy triều lên cá đục nanh còn
lên bờ nằm ngóc đầu chờ cơn sóng tràn lên rút xuống kéo theo thức ăn, thấy bóng
người lạ mới ùa chạy xuống nước. Nay chắc không còn cảnh thần tiên này, Tây Ta
tắm nhiều quá, nhìn cũng đủ chết ngộp. Cá đục câu về, nấu canh chua, kho tiêu, nướng
cuốn bánh tráng…, nghe đồn miệng đây là loại cá hiền cho mấy bà sau khi sinh nở,
ăn vào khỏe mạnh lại ngay.
Câu cá hanh biển cũng khá thú vị. Giống cá đục, cá hanh có dọc
biển Phan Thiết, nhưng thường ở chỗ rặng đá lởm chởm có nhiều hàu. Câu bằng mồi
tôm tít, trùn biển, cua lột, cá trích, kẹt lắm tôm chết, sò huyết cũng được,
thường ăn khi con nước xuống lúc hoàng hôn sóng bạc đầu. Từ cửa biển Phú Hài
lên đá Ông Địa có rất nhiều hanh tráp, kéo rất sướng tay. Thịt cá hanh dai mắc
tiền, nấu cháo hoặc chiên um đều ngon. Mùa cá hanh cũng là mùa cá dồ, có điều
câu cá dồ rất dễ, mồi sao cũng được (người ta nói ăn như cá dồ) càng không được
tươi càng tốt, nước lên nước ương buổi tối cá dồ ăn mồi nhiều hơn nước xuống.
Câu đêm ở biển Phú Hài khu vực núi Cố được cá dồ vui lắm, lên động cát tìm nhà
dân mượn xoang nồi xin gạo nấu cháo, đêm sương lạnh húp nước cháo nóng ngọt làm
sao. Còn nhớ, nhóm câu Phan Thiết có PS, HNL, anh Q., em P. có hôm chỉ được một
con cá dồ dài đúng gang tay, nồi cháo phải cho bốn người ăn, đó là những bửa đi
câu ra ngỏ gặp đàn…, bà chủ nhà cười nói đáng lẽ phải đi vô rồi lại đi ra, thật
là rắc rối. Cá dồ còn được nấu canh măng.
Cá chẻm là loại cá khôn kinh khủng, có lẽ chỉ thua cá Ông Nược
(cá Heo?). Nhiều lần, ngồi xem cả chục người câu cá chẻm sát chân cầu sắt, mồi
câu toàn tôm càng sống, cá chẻm ăn sứt đầu sứt chân con tôm nhưng không dính
câu, nếu dính lưỡi câu lại chạy vào các trụ khung cầu cũ đợt lũ năm Nhâm Thìn, hàu
cắt đứt cước mất cả chì lẫn mồi. Sau này, ra biển câu, rình chẻm từ rạng đá bến
đò Hưng Long Thương Chánh, đến đi dọc biển ra tận gành đá Thạch Long, từ thua đến
thua. Cá chẻm theo con mồi sống, cá đối hoặc tôm, phải gần cây số, coi có phải là dởm không, mới
quyết định ăn hoặc cắn đầu chơi cho biết. Có lần, tôi gặp và hỏi chuyện một ông
lão ở chợ Phú Hài chuyên bắt cá chẻm bằng lưới vải, ông cho biết nhà ông ba đời
săn cá kiểu này, bình minh đã ra đi theo từng bày cá đối, núp sau các rạng đá
hút thuốc rê rình bóng cá chẻm, nếu thấy cá phải nín thở đi theo cá chẻm vài chục
mỏm đá, chờ con cá ham ăn cá đối theo sóng tràn vào hốc đá mới tung lưới, nhiều
ngày về không. Giờ ông lão này chắc chết rồi, thất truyền cũng là chắc chắn. Cá
chẻm là loại vua cá biển, thịt vừa mềm vừa thơm, canh um chiên mặn đều khỏi
bàn, đi ăn đám cưới thường có món cá chẻm Tứ Xuyên, chỉ sợ ít tiền hoặc không
có cá mà mua.
Câu cá biển Phan Thiết còn có cá liệt dầu, nhiều nhất ở đá
ông Địa và gành Thạch Long Mủi Né. Câu cả giỏ là chuyện bình thường, con nào
con nấy to bằng bàn tay, về nấu canh phơn phớt hành ớt hoặc kho lạt thêm chút
tiêu cay thì khỏi chê vào đâu. Nói canh phơn phớt, lại nhớ câu cá căn, loại cá
này biển dơ nước đục ngầu là có, hiện nay ngay biển Đồi Dương cũng còn cá căn
nhiều.
Những năm Phan Thiết còn bến cầu tàu Mỹ cũ ở dinh Cô Bác Đức
Long, đi câu mùa gió Nồm ban ngày còn gặp cả ổ cá trê biển, giống con cá trê
thường nhưng có ngạnh ở lưng (không phải cá ngát), rồi từng bày cá bè cu to như
cá chim, cá đối to bằng chẻm lá. Mùa Bấc buổi tối, xuống hòn Dồ Tiến Thành còn
câu được cá dứa (mồi…, khó nói) và cá nhám, cá đuối. Các loại cá này, tôi vẫn
chưa nghĩ ra cách chế biến sao cho hợp khẩu vị mấy bà xứ Phan, chắc phải tư vấn
thêm bạn D.
Còn rất nhiều chuyện câu biển nhưng sợ bài viết đã dài, không
dám lê thê. Chứ tôi rất muốn viết, đó là câu mực và câu cá mập ngoài khơi Phú
Quý, thấy được mờ mờ các đảo của Philippine… Nhưng mà, chuyện tôi kể đã lạc hậu
rồi, bây giờ câu kéo toàn đồ chơi công nghệ cao, mồi giả dụ cá còn bá phát hơn
mồi thật, phải thuê thuyền máy câu xa bờ tận các hòn đảo cù lao, mỗi chuyến đi
câu vài triệu tiền dầu. Chứ ngay tại kè chắn sóng Thương Chánh, kè La Gi, kè
Phú Hài, kè Phan Rí cửa cũng không còn cá, nói chi kè sông Cà Ty. Có lẽ tôm cá
cũng đi xa theo các người bạn thiếu thời của tôi.
Phạm Sanh, P3/B2
Lâu lắm mới nghe lại thuật ngữ "nước chè hai".Mưa trên nguồn,mang theo phù sa,những cây rừng và có cả trái tràm đen đen,nước nguồn hòa với nước biển , thành nước chè hai.Mùa của tôm càng xanh xuống phố.Cá hanh,ca chem ăn theo.Ngày xưa ai câu được ca chem thì mừng lắm,bây giờ cũng vậy.Một số người ở Úc đã mang giống cá chem về nuôi hồ.Đi ăn nhà hàng bây giờ kêu mòn cả chem hấp hành gừng chắc không khó như xưa nữa rồi.Những nên chọn những nhà hàng nào tin tưởng,vì khi kêu món cá chem ,họ lấy vợt xúc cả trong họ ki'nh ,bỏ vo^ cái xô^,đưa cho khách xem.Nhu*ng ai biết trong bếp họ làm những con cá chem đã chết , mua rẻ hơn..Nghe mot nguoi lam nha hang cho biet,thành ra còn cá chem naỳ vo^ ra sống hoài.Ca chem ở đây mang tên thổ ngữ Paramundi có nghĩa là "con cá lớn nhất"và kỷ lục xưa nay là 80 kgs.
ReplyDeleteHahaha,đây rồi bóng dang của một thời tuổi nhỏ"" Mùa hè gió nồm chỉ có cá nhỏ nằm vùng như cá đục, cá bóng, cá dồ, cá căn, hồng chấm, có cả cá sơn, cá nóc.
Nhưng mùa bấc thì hanh lở, hồng, mú, chẻm lá vào các rạng đá hoặc các hốc khung cầu gảy nằm dưới cầu sắt qua sông Cà Ty, để ăn cá đối ăn tôm ăn hào."
Merci Sanh