Tuesday, July 26, 2016

Mưa qua chốn cũ / Phạm Sanh PBC72



Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai…
Cơn mưa chiều như trút nước, từng hạt mưa bắn thẳng vào mặt rát rạt đau xé da, một mình trên chiếc Honda Futur người ướt như chuột lột, thui thủi lặn lội từ Biên Hòa về Sài Gòn sau cả ngày lải nhải “kiếm cơm”, lại nghĩ về cái nghiệp mà mình theo đuổi cả đời.
Năm 72, sau khi tốt nghiệp tú tài 2, vội vả cùng đám bạn thân vào Sài Gòn nộp đơn thi tuyển một lúc mấy trường đại học để tương lai có cái nghề, mà thật ra là để trốn chuyện  cầm súng “bắn” nhau. Hôm đạp xe đến trường Kỹ thuật Phú Thọ, đang lớ ngớ tính nộp đơn thi vào ngành điện tử, thì có tiếng kêu đúng phóc tên mình giữa xứ Sài Gòn hoa lệ. Té ra đó là chị L., con Thày Nho, chị của Minh- Mẩn, Sâm, Diệu… (gia đình Thày Nho đóng góp gần một tiểu đội PBC). Chị L. to giọng, PS. thi ngành gì, …tại sao chọn điện tử không chọn công chánh…, rồi lại xuống giọng, quê mình nghèo cần làm đường xá, mà lại… nếu học công chánh như chị thì rất hay, đang đi trên cầu sắt Phan Thiết, nhún nhún vài cái, là biết nó chừng nào bị sụp. Nói thật, tôi mê tín chị L. từ lâu, dân đàn chị học đứng nhất lớp PBC, con gái mà thi đậu vào Phú Tho, lại là người đẹp duy nhất của khóa 70 kỹ sư công chánh, nên tôi hớn hở đi theo ngành “lục lộ”. Đến nay, chị L. không còn, riêng tôi dù hết sức cố gắng học lên té xuống, vẫn chưa làm được điều Chị nói, nhún nhún vài cái là biết khi nào cây cầu sắt sụp xuống sông Cà Ty !!!

Năm 72, năm mùa hè đỏ lửa, nhiều bạn trai kẹt tuổi hoặc thi rớt lần một, phải xếp bút nghiên. Đám bạn  đậu tú tài hai lần một, giấy khai sinh 1953, phải cố thi vào một trường có thi tuyển để được hoãn dịch né lính. Tôi và nhiều bạn khác, chạy trối chết nộp đơn thi đủ trường. Từ Cao Đài, Minh Đức, Hòa Hảo, Vạn Hạnh, đến Sư phạm, Kiến trúc, Dược khoa, Nông Lâm Súc, Bưu điện, Phú Thọ, Cần Thơ, … Mấy bạn gái hoặc bạn trai khác khai sinh sau 1954, hên hơn, nếu thi rớt hoặc không thèm thi, vẫn được ghi danh học Khoa học, Luật khoa, Văn khoa hay đi nước ngoài du học cho sướng.
Nhớ xuống Tây Ninh thi đại học Cao Đài, được ăn ở miển phí ngay trong Tòa thánh, chỉ có cái khổ phải  ăn chay và ra đường trai gái phải đi riêng (dù là vợ chồng!!!). Thèm ăn mặn, ra khỏi vòng thành Tòa thánh,ctôi  lủi vào một quán bún bò, kêu ngay một tô. Chủ quán mang ra tô bún nóng hổi nhưng không có thịt bò nào hết, trớt quớt, thắc mắc hỏi tại sao bảng hiệu không ghi chay mặn. Cô chủ bẻn lẻn trả lời, xung quanh Tòa thánh trong vòng 5 cây số, không ai dám bán đồ ăn mặn, ai cũng biết hết thì để bảng làm gì, muốn ăn mặn ráng đi xe lôi ra tận Thị xã mà ăn. Trả tiền tô bún chay, đón xe lôi tôi quyết đi ăn mặn cho được. Lại thêm một lần tởn tới già, đường thì ổ gà ổ voi, thùng xe chật ních người cứ sàng qua lắc lại, đám đàn bà con gái cứ ngã nghiêng lấy thịt đè người, tôi vừa sợ vừa mắc cở, nín thở gồng mình, mồ hôi ra như tắm. Phải chi rủ thêm HNLộc, HVHùng, NMThượng… cùng đi cùng khổ cùng chịu.
Lại nhớ xuống Cần Thơ lần đầu một mình, ruộng vườn sông nước lùm bụi chạy tít chân trời, không thấy núi rừng đâu cả, đang thả hồn miên man bỗng ớn lạnh khi xe đò ngang qua khoảng Cai Lậy Cái Bè gì đó, vài xác VC đắp chiếu ven đường, chắc chờ người thân quen biết hay ai đó đem về chôn cho xong. Tới Bắc Mỹ Thuận, thấy bến phà lần đầu, lạ mà vui, cảnh chờ phà, mua bán ăn vặt, nhìn xe nhìn người, nhìn từng đám lục bình trôi trên sông Tiền của dòng Cửu Long, lại nhớ về Cà Ty nhỏ xíu. Tiếp tục đi xe Daishu, qua thêm phà Cần Thơ nữa, cũng đến được miền Tây đô gạo trắng nước trong. Trời đã chạng vạng, may nhờ chú xe lôi tốt bụng, bày đến chùa Phật học xin ngủ nhờ qua đêm  để sáng sớm còn kịp đi thi. Sáng mở mắt dậy, không biết thằng nào lấy mất đôi dép của mình, quơ đại một đôi dép khác, cần phải đi cho kịp… Chiều thi về, tìm mua một đôi dép mới, tung tăng đến chùa xin lỗi ông Sư trụ trì, trả lại đôi dép. Thày cười, nói không sao, đó chính là đôi dép của Thày, nhưng cũng có một đôi dép của ai đó bỏ quên, Thày không để ý. Nam mô A di đà Phật, năm đó mình thi đậu, có lẽ nhờ thật thà, nhưng số không học. Gửi lại HHTường cho Cái Răng Cái Khế, cho những chiếc cầu khỉ cầu tỏm với bóng dáng mấy cô nàng thôn nữ Cần Thơ.

Lục lộ (cantonnier) là nghề quản lý duy tu cầu đường thời Pháp thuộc, ra đời giữa thế kỷ 17 và 18 sau thời kỳ Trung cổ. Ban đầu là chế độ “nghĩa vụ” bắt buộc cho những hộ nông dân, sau phát triển lên thành từng hạt (canton), và đến thế kỷ 20 chuyển thành các cơ quan quản lý khai thác bảo trì cầu đường. Cái hay của khái niệm lục lộ, là gắn trách nhiệm duy tu sửa chữa đường xá với từng con người cụ thể, và để người phu lục lộ làm được bổn phận của mình, người chủ con đường phải giao phương tiện và vật tư vật liệu đầy đủ.

Những năm sau 75, con đường từ ngã 3 Tân Minh (căn cứ 6) vào Suối Kiết Lạc Tánh  Võ Xu, nỗi tiếng là con đường đau khổ của dân Bình Thuận, một ngày xe đò chỉ chạy được khoảng 50 cây số là hạnh phúc lắm rồi. Một lần đang mùa mưa, đi trên con đường này, tôi được nghe câu chuyện tiếu lâm “con c… Bắc Ruộng”. Ai đó kể, trên một chuyến xe than bão táp nhét đầy hàng đầy người từ Bắc Ruộng về Phan Thiết, một anh bộ đội bỗng hét lên, …chị đè con c…, chết con c… của tôi rồi, và hậu quả là những cái tát nhá lửa của một bà buôn chuyến mập bự vào mặt anh chàng mất lịch sự. Oan cho anh chàng, ráng mang một lồng chim cu gáy từ Bắc Ruộng về PT làm quà cho người thân, bị sức nặng cô nàng đè lên mỗi khi chiếc xe kẻo kẹt bang qua những  hố nước sâu. Nghe chuyện tếu thật, nhưng Trời vẫn mưa mịt mù, mặt đường đất đỏ toàn ao vũng, nhiều chỗ nước chảy xiết, ngập tràn qua đường. Tôi lại nghĩ đến nghề lục lộ thời Pháp. Sau đó, về lại PT, tôi bày chuyện giao cho mỗi gia đình công nhân quản lý con đường “chịu” 2 cây số, giao luôn vật liệu đá sỏi cuốc xẻng cả chỗ ở phương tiện xe cộ đầy đủ, muốn làm gì thì làm nhưng đường không được có ổ gà, không bị ngập nước ngay cả khi trời mưa. Làm theo kiểu lục lộ thời Pháp mà lại thành công không ngờ. Tôi copy qua đường Mủi Né, không còn cảnh trượt cát té xe xẹp mủi gảy răng cái thời học sinh đi picnic vườn dừa nhà KLoan thì phải.

Bây giờ, thời chuẩn bị lên sao Hỏa, người ta quản lý đường xá không còn theo lương tâm nghề lục lộ thuở nào. Trời mưa, ngồi phòng máy lạnh chơi game online. Ổ gà không vá, chờ ổ voi tanh bành hư hết con đường, xin dự án làm mới luôn thể, nhiều tiền cho sướng. Công chức lúc nào cũng than thở thiếu người thiếu tiền, đôi lúc cả gan, quơ đại đổi thừa do Ông trời làm hư đường, cả trời mưa lẫn trời nắng. Vừa rồi, Trời giận, hết hạn hán xâm nhập mặn lại đến giông lốc bão lũ, dân ngu cu đen lại khổ. Cả sân bay Tân Sơn Nhất Sài Gòn vừa rồi cũng bị “Ổng” sai Thiên lôi đánh lần thứ hai là vậy.
Nói gì nói, làm gì cũng phải có cái tâm, chứ không phải chỉ có nghề lục lộ. Nhiều bạn 72 của tôi có tâm rất tốt, không biết có phải là về già, con người trở về đúng với chính mình hay không. Như TVH về VN, gặp người bạn xa lơ xa lắc gặp nạn, vậy mà dân 72PBC mọi nơi trên thế giới vội vả góp tay vào để người bạn này ra đi thanh thản. Chuyện GH, trồng được cây gì cũng cho mấy bạn xem… Hay chuyện đau tim “bất tử”  mới đây của mấy bạn già.
Hôm đi dạy VT, ghé thăm ĐT, thấy bạn vui mà lo, chỉ qua một chuyến đi xa mà người xộc xệch ốm yếu hẳn, y như Từ Thức già húm chống gậy từ cỏi Tiên trở về, chỉ khuyên ráng đừng thèm bận tâm suy nghĩ điều gì nữa. Vậy mà mấy hôm sau, lại nghe ĐT lên SG cùng MQ thăm NMT, xúm nhau vui vẻ bàn chuyện mổ tim. Ông trời hơi kỳ, người tâm tốt thường tim không tốt. Mà cũng đúng thôi, yêu hoặc lo nhiều đều khổ, ít ra là khổ tâm.
Chắc là tạm dừng viết, mong mấy bạn 72 ở xa, tim còn tốt mau trở về gặp nhau, hàn huyên tán dóc. Mong mấy Thày Cô PBC, ai cũng trăm tuổi sống dai.
Phạm Sanh, 72PBC

No comments:

Post a Comment