Nơi sinh hoạt và gặp gỡ của các bạn CHS/PBC liên lớp 65-72
Tuesday, November 29, 2011
THANH HÙNG : Tiếng hát thác lũ sóng gầm.
Các bạn hãy cùng tôi trở về thời gian cuối thập niên 50, có một chàng thư sinh gầy gầy, tóc chải thấm nước,hóa trang vụng về xuất hiên trên sân khấu Đại nhạc hội do ban Dân Nam của Anh Lân và Tuý Hoa tổ chức.Chàng hát bản "Vọng Ngày Xanh" của Khánh Băng có nhiều chỗ lên cao, nhất là ở đoạn cuối.Bài đó chỉ có giọng soprano của Ánh Tuyết và giọng tenor của Hùng Cường mới dám diễn tả nổi.Nhưng chàng thư sinh ấy vẫn hát tỉnh bơ,không chút nao núng,không hề khớp dưới ánh đèn rọi,trước hàng trăm cặp mắt khán giả trong hí viện Aristo nằm trên đường Lê Lai.Khuôn mặt chàng lạnh như tiền,nhưng đôi tay chàng cử động hơi nhiều.Thật sự chàng chưa thạo cách diễn xuất, cách ra điệu bộ trong lúc hát.Cho nên khán thính giả chỉ lắng nghe chàng hát, gạt bỏ qua một bên cử chỉ và cách diễn tả nét mặt của chàng lúc chàng hát.Giọng hát chàng sao mà dũng mãnh, sao mà chắc nịch.Chàng hát sao mà dễ dàng, khoẻ khoắn và điêu luyện hơn tiếng Hoàng Cầm, khi lên cao sang sảng hơn tiếng Duy Khánh.Nghe chàng thư sinh hát, tôi nghĩ rằng bài "Vọng Ngày Xanh" chưa thể để chàng biểu diển giọng tenor cực kỳ phong phú của chàng.
Quả vậy, về sau chàng hát bản "Mexico", bản ruột của danh ca Luis Mariano, hát hay một tám một mười với Luis Mariano và không chênh lệch với nam danh ca Cao Thái bao nhiêu.Chàng thư sinh bắt đầu dấn thân vào nghiệp cầm ca ấy có caí nghệ danh là Thanh Hùng.
Thanh Hùng đến ca trường nhạc giới đã có một giọng hát thiên phú cực kỳ quý giá với cái âm vực rộng.Đó là giọng tenor bao trùm qua lãnh vực giữa giọng baritone và giọng bass.Cho nên khi xuống trầm,dù có hát khá trơn, nhưng giọng Hùng Cường không rền,trái lại khi xuống hơi trầm là giọng Thanh Hùng khá rền và khá dội sâu.Tuy nhiên khi nghe Thanh Hùng hát,khán thính giả chỉ đợi lúc anh hát vọt lên cao như suối phun nước,như ngọn pháo bông, chứ ít chịu lắng nghe khi tiếng hát anh xuống trầm dầy cộm như tảng bánh đúc và ấm áp như hương thơm khói trà.
Giọng tenor của Thanh Hùng thật ra không ăn khách.Ở xứ mình,ai hát có kỷ thuật thâm hậu thì khó mà chinh phục được khán thính giả.Giải Huy Chương Vàng dành cho Thanh Hùng vào năm 1965 làm tôi ngơ ngẩn, không hiểu tại sao.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment