Lần này đi Nha Trang dạy, chốn
xưa ngày nào của gia đình ND sau khi rời PT. Tàu lửa chạy ban đêm, không thấy
được đám rừng thanh long xanh mơn mởn. Trời tối đen, chỉ nghe âm thanh xình xịch
đều đặn, tiếng gió rít mỗi khi đoàn tàu tăng tốc, tiếng còi tàu hét lên đánh thức
sân ga vắng người, ai cũng ngũ chỉ mình không sao ngũ được. Hừng đông mờ sáng,
thấy đàn cò trắng ốm nhom trên ruộng lúa, biết đến Phan Rang, thấy mấy ngọn dừa
cao vút biết đến Ba Ngòi, thấy vườn xoài lấm tấm trái xanh đoán tới Cam Ranh
Cam Lâm...
Ngang Diên Khánh, sắp đến ga NT,
lại nhớ về Yersin. Năm lớp tư tiểu học, ở nhà Cậu, trốn đi chơi lên tận Thành,
vào Suối Dầu, xem rừng cao su, ghé mộ ông Yersin. Hoa cỏ dại um tùm, nhỏ nhoi phất
phơ khoe sắc, giản dị âm thầm như cuộc đời Ông Năm. Sinh ra Thụy Sỹ, lớn lên ở
Pháp, bỏ Paris hoa lệ, bỏ nghề bác sỹ trên bờ để rong ruỗi trên những chuyến hải
hành xa tận các xứ thuộc địa phương Đông. Các chuyến tàu Sài Gòn - Hải Phòng,
Yersin đều ghé lại Nha Trang, cảnh vật con người núi xa biển gần khiến ông quyết
định ở lại với người dân xóm Cồn. Nghe nói, Yersin đã từng vào Phan Rí tìm ra Di Linh rồi về lại Phan
Thiết, từ Biên Hòa lên Di Linh tìm ra cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt), từ Ninh Hòa
lên Đắc Lắc vượt dòng Sêrêpok sang tận Kampuchia.... Yersin còn có công đẩy lùi
bệnh dịch hạch tại Hồng Kong, mở ra viện Pasteur Nha Trang, được mời làm hiệu
trưởng đầu tiên trường Y Đông dương Hà nội.
Khi dừng bước “giang hồ”, khai phá vùng Suối Dầu và Hòn Bà để thực nghiệm chăn
nuôi lấy huyết thanh, mở đồn điền cao su, coca, cà phê... Sắp chết, ông Năm vẫn
muốn chôn tại Nha Trang, muốn nằm sấp để được ôm lấy mảnh đất in dấu chuỗi ngày
vượt suối băng rừng, tìm cách đẩy lùi căn bệnh sốt rét ác tính cứu người.... Mảnh
đất mang nặng tình người, theo suốt cuộc đời đơn độc của ông. Những người như bác
sỹ Yersin, bác sỹ Calmette, linh mục Alexandre de Rhodes..., chắc không hề tính
toán cá nhân, kiêu ngạo tham vọng, giả nhân giả nghĩa như một nhóm người Việt hợm
hỉnh ngày nay.
Cứ mỗi lần nhắc chuyện Yersin,
tôi vẫn thấy có những con người quá hay, thầm lặng hy sinh, nhưng hơi thoáng buồn.
Giống như mỗi lần nghe ai hát bài Chị tôi, lại thấy tội nghiệp thương cho mảnh
đời mấy người con gái lưng ong. Cái tốt cái xấu, người thiện người ác, vẫn xen
kẽ phức tạp trong cỏi ta bà.
Ra Nha Trang, buổi chiều đi dọc bờ
kè, ngắm biển ngắm người, Nga Tàu Tây Nhật đủ thứ, xe tứ xứ đậu ngổn ngang.
Nhìn hàng dừa xanh rợp bóng, nhớ mấy kiosque năm nào nay không còn. Nhớ đám bạn
trai thi đậu tú tài, lần đầu rủ nhau ra chợ Đầm ở nhà dì VTN, leo cầu thang gỗ thăm
ND, ra đường phố lạ ham nhìn đủ thứ, ra biển Nha Trang lén nhìn bọn con gái bận
bikini không giống xứ mình. Nay đứa mất đứa còn, đứa ở Úc, đứa ở Mỹ, đứa ở
VN..., tuy xa mà gần tuy gần mà xa. Không biết cô em họ VTN có còn kiêu sa như
ngày nào, có khi đang ở nước ngoài với một chàng phi công nào đó. Nha Trang
ngày về, Nhà thờ đá-Cầu xóm Bống-Tháp Bà-Hòn Chồng... vẫn còn, chỉ có xóm Cồn
là biến mất, nhường chỗ cho khách sạn nhà giàu Mường Thanh chọc trời thách đố
thiên hạ. Lối cũ vẫn vậy, chỉ có cảnh cũ người xưa biến mất, thay vào bằng các
khách sạn cao vút của những ông chủ đến từ phương Bắc. Nha Trang dạo này, người
Bắc (mới) nhiều. Người ta nhiều tiền lắm, giá bao nhiêu cũng mua hết, cái gì
cũng mua tất..., mua để có cớ đưa người thân hàng xóm vào. Lịch sử lật ngược số
phận nhiều con người, có khi cả dân tộc, lại thêm một đợt Nam tiến, không biết
có đến cuối cùng chưa. Đêm giả từ NT, ngồi bookcafe PNC nghe nhạc không lời uống
cà phê một mình chờ tàu, gửi lại nỗi nhớ nỗi thương y như ngày nào.
Chuyến về, cũng tàu khuya. Vào
Tuy Phong trời tối như đêm 30 không thấy được cột khói nhà máy điện Vĩnh Tân, chỉ
thấy ánh đèn câu mực thoáng hiện trên biển. Biết đến Ma Lâm khi các bóng đèn
vàng heo hắt thắp sáng các vườn thanh long chi chít giữa đồng, y như ánh sao trên
trời. Qua rừng lá thấp Sông Phan Suối Kiết, lập lòe vài ánh đom đóm sống về đêm,
rừng xưa đã khép .
Vừa về tới thành phố, lại réo rắc
chuyện ông Cai Lậy xứ Tiền Giang. Người ta đặt một trạm thu phí trên quê ông.
Ai đi ngang đoạn đường làm tận từ thời Tây, nay cũng phải nộp mãi lộ. Cánh tài
xế, sẳn tháng 7 cô hồn, đem heo quay cúng, nộp toàn tiền lẻ. Quê ông Cai sắp đổi
tên thành tỉnh Tiền “lẻ”, cả tên ông cũng nên sửa lại thành “Lạy” Cai. Lúc này
sao mà, bọn quan lại, bọn ngoài ấy ăn ác lắm. Vay ngân hàng 1.300 tỷ (trên 50
triệu đô), cũng là tiền của dân gửi, làm thêm 12 km đường tránh qua Cai Lậy.
Sáu năm sau, lấy lại người dân miền Nam 7.000 tỷ (gần 300 triệu đô). Tổ cha bọn
chúng, tham gì tham dữ. Ác quá, thất đức quá. Hèn chi, lúc này, mấy ảnh dính
ung thư lai rai nhiều lắm.
Ngày trước ông Cai Lậy (Cai cơ
Ngô Tấn Lễ, tướng của Nguyễn Ánh) một thời oanh liệt mở cỏi vùng đất Mỹ Tho Định
Tường... Cuối thế kỹ 19, đẻ ra tới bốn ông Cai Lậy, hay Tứ Kiệt, nổi tiếng đánh
Tây, chết hóa Thần. Vậy mà, bọn chúng không đọc sử sách Cha Ông sao ấy, nhè
vùng đất này mà gian.
BOT (Build-Operate-Transfer) là một
hình thức cộng tác “làm ăn” giữa chính quyền và tư nhân. Khi chính quyền muốn
tiết kiệm ngân sách và giảm bớt cái cảnh công chức quen tật sáng cắp ô đi tối
xách về, sẽ kêu gọi tư nhân tham gia xây dựng, khai thác quản lý các công trình
công cộng như đường xá cầu cống... Các nước đã làm thành công từ những năm 1970
và VN cũng bắt chước, hy vọng kéo vốn nước ngoài vào. Rất tiếc, bọn ngoại quốc
không ngu như ta tưởng, rủi ro nhiều quá khi bỏ ra hàng tỷ đô la để thu lại
trong vài ba chục năm sau. Thôi đành, phe ta phải chơi theo kiểu phe mình, lấy
nó ráng nó (kiểu nói ngoài bắc). Đếch có tiền, nhưng có thằng họ hàng thân quen
bày vẽ, vay ngân hàng làm dự án BOT, lãi vay có nhà nước chịu, ăn đầu ăn đuôi, lời
từ A tới Z, bọn tài xế chắc cũng ngu như ai, cứ qua trạm là nộp phí, về nhà xe
chịu, hành khách chịu, người buôn bán thậm chí mấy ông bà nông dân chân lấm tay
bùn chịu, biết gì lũ dân ngu cu đen. Đường dây tham nhũng BOT lòng lòng cả chục
năm nay, tiền thu bẩn bọn nó ăn 10 đời chưa hết, chắc phải dính cả “mối chúa”.
Nghe nói, ở Phan Thiết, ngành
giáo dục cũng đang muốn làm BOT xây bể bơi cho bọn nhỏ học để thi môn bơi có trong chương trình phải học. Nghĩ
mà ham, trước muốn biết bơi chỉ ra biển Thương Chánh, nhìn GH, ĐH bơi, xung
phong xuống uống nước biển vài lần là bơi như chó (có kiểu bơi chó là vậy).
Nhưng mà nghĩ lại bọn trẻ thời nay, có cái gì ngu ngu, có biển sát bên mà xây hồ
bơi. Cách đây mấy năm, Cần Thơ cũng làm một công viên nước có hồ bơi cho thiếu
niên, nay đã dẹp, vì người Cần Thơ gần sông nước dại gì mua vé vô hồ bơi cho tốn
tiền...
Thích làm BOT mà không chịu học
kiểu làm BOT phục vụ cho người dân hết mình như nhà văn Sơn Nam mô tả trong mẫu
truyện “Cầu tiêu trên sông” năm 1958 trên báo Nhân Loại... Người đi
tìm sự thơ thới phải trả cho chủ nhơn hai cắc một lượt. Năm, bảy tháng sau chủ
nhân tuyên bố là đã thu được đủ vốn rồi, tuyên bố hiến cái cầu cho mọi người,
dù không có “đạn dược” vẫn có thể oanh kích tự do nếu như chỗ ngồi còn trống...
Nói chuyện BOT nhức đầu lắm, cầu nào
cũng là cầu, cầu đường hay cầu tiêu. Thôi, sắp rằm tháng 8, nói qua chuyện Tết
Trung thu xách đèn đi chơi cho đở thèm bánh.... Nhớ hồi nhỏ, cả tiểu học và
trung học, cứ tới tháng tám âm lịch là lo chuyện làm lồng đèn để thi giữa các
trường vào đúng đêm rằm Trung thu. Các trường không được giống nhau, cả đèn cầm
tay lẫn đèn xe hoa dẩn đoàn. Đi lòng vòng mấy đường, rồi cùng về vườn hoa chấm
điểm. Lên trường đi cả đêm từ chạng vạng đến khuya, phải đi theo hàng theo hướng
dẩn của Thày Cô, thỉnh thoảng ca hát, thường xuyên đối phó đám đông hai bên đường
sẳn sàng giật và ném đá cho lồng đèn bị cháy. Mà sao, đêm Trung thu năm nào
cũng mưa, lủi thủi về nhà ướt như chuột lột, chắc là chú Cuội nhớ nhà nhớ người
vợ tiểu bậy hay Hằng Nga luyến tiếc chàng Hậu Nghệ tốt bụng ngày nào chăng.
Phan Thiết hiện nay vẫn còn lệ rước đèn
Trung thu rằm tháng 8 lớn nhất cả nước. Lâu quá không nhìn tận mắt cảnh tượng
các đoàn em nhỏ xách lồng đèn hớn hở
trên đường phố ước ao trường mình năm nay được giải. Cũng có người nói, chuyện
rước đèn Trung thu cũng như lệ thỉnh Ông đi chơi tại Phan Thiết đã bị thương mại
hóa. Tôi lại nghĩ, thời này có cái gì là không mua bán, miển sao đừng mua bán
Thánh Thần Tổ Tiên Ông Bà, bỏ đi các tục lệ truyền thống, cố chịu đấm ăn xôi
duy trì các thói quen xấu (chọi trâu chém lợn giết chó...) là được.
Trung thu năm nào, tôi cũng đi trên đường
Triệu Quang Phục Q5, nhìn xe nhìn người, xem các em nhỏ hớn hở xách chiếc lồng
đèn tân thời đủ kiểu. Nhớ về cảnh xúm nhau che gió đốt đèn cầy, xúm nhau chia từng
chiếc bánh dẽo..., nhớ một thời thơ ấu, tỉnh lẻ trường xưa bạn cũ, đứa còn đứa
mất đứa xa vời vợi.
Phạm Sanh, PBC72
Chỉ là “Sắp Rằm Tháng 8” mà lan man nỗi niềm, chuyện xưa chuyện bây giờ, luôn cả chuyện tàu đêm năm nay và tàu đêm năm... cũ. Nhưng “chuyện” của PS đan bện vào nhau như những sợi nan mỏng manh của một chiếc rổ tre ký ức, đong đựng vài mảnh kỷ niệm ngày thơ tình thơ nho nhỏ vui vui tưởng đã rớt rơi mất mác từ lâu, chen lẫn với mấy mảng vỡ hiện thực ngậm ngùi buồn. Viết như nói, nói như viết, mà sâu lắm, thấm lắm... Merci PS, cho dầu “rừng xưa đã khép”, vẫn mong sẽ có lần gặp lại...
ReplyDeleteND