Sunday, January 31, 2016

Hoa sứ, mùa Xuân.TNT PBC72

Cây trứng cá không cao lắm. Tàng xòe lưa thưa nhánh nhỏ  nhưng khá dẻo dai. Cành lá non xum xuê nứt những quả chín đỏ ối. Trái mọng, vỏ mỏng au xuyên qua ngọn  nắng có thể nhìn thấy bọc trứng cá li ti đu đưa ngộ nghĩnh. Từ hôm về nhà bạn, trưa nào cô và Ngọc cũng trèo lên cây trứng cá, mỗi đứa chọn một nhánh vừa vặn có thể gác lưng, bám chân, và câu chuyện nhặt nhạnh đâu đó nhón theo từng quả trứng cá vơi dần túi đựng.
Thành phố của Ngọc nhỏ xíu. Ngày đầu tiên khi xe vào bến, cô không thể  chịu  được mùi nước mắm nồng nặc tỏa hết cỡ trong không gian. Nó trộn lẫn với  hơi nước biển, hơi muối mặn, thêm  cái nóng làm cho người ta có cảm giác râm ran ngứa ngáy. Ngọc nói.
” Rồi có lúc bồ sẽ ghiền đó. Phan Thiết mà.. Như mình vậy, đi đâu xa cũng nhớ “
Qua vài ngày sau , hình như cô đã quen dần với không khí đặc biệt của nó. Nó đậm đà như hơi thở biển mang trong không khí chan hòa nắng gió. Chẳng hiểu có lúc sẽ ghiền như Ngọc nói hay không, nhưng cô thật dễ chịu khi ở nhà bạn. Ba má của Ngọc rất hiền và tử tế . Ngay cả đám em nghịch ngợm chạy nhảy suốt ngày kia cũng  mang lại cho cô cảm giác thoải mái.. Và cô như cuốn  theo gia đình bạn trong không khí rộn ràng của những ngày trước tết.
Hai buổi chiều cùng Ngọc đạp xe loanh quanh thành phố. Từ đường Nguyễn Hoàng qua chợ Phường, xuôi  vườn bông. với tháp lầu cao thấp thoáng  bóng cây xanh, từ đó phát đi tin tức  với những bài hát mà đi xa âm thanh vẫn không ngừng bám theo từng vòng bánh xe. Qua cây cầu ghép ván nằm trên giòng sông Mường Mán, hai đứa đánh một vòng rơi vào con đường Gia Long  mà Ngọc  nói là con đường chính của thị xã. Từ đầu cầu xa lộ Trần Hưng Đạo, hai đứa  theo con đường Huyền Trân công chúa chạy dài  xuống biển Thương Chánh. Hai bên đường, nhà cửa san sát không đều như hàm răng của trẻ con đang thời kỳ thay cái mới. Lạ và ngộ nghĩnh.. Nhiều căn nhà xưa, mái ngói xanh rêu nằm khép nép dưới bóng râm xanh um trồng vô số loại cây kiểng lẫn cây ăn trái. Những ngày cận tết bận rộn nên cô và Ngọc không có dịp ra thăm biển. “. Lần sau nếu bồ ra chơi lâu hơn. Tụi mình sẽ ở một ngày ngoài đó cho bồ tha hồ ngắm biển. Mùa Hè biển đông vui lắm. Người ta đi cả gia đình, đi nhóm hay  đèo nhau trên những chiếc xe đạp, xe gắn máy, xe ba gác, con nít người lớn đổ ra biển tắm, tìm gió dập sóng. Tắm cả ngày mệt đừ , chiều còn nấn ná. Khi nào bồ rơi vào vùng biển sóng đó, bồ mới cảm nhận rõ, biển bao la và hấp dẫn đến chừng nào.”

  Hai đứa trở lại đường cũ, qua cầu. Rồi thả xe xuống dốc cặp bờ sông ra cồn Chà... Cá tươi mang từ bến sông nhảy  roi rói xếp đầy ụ trên những cần xế, vảy lấp lánh tráng bạc. Người gánh cá lên bờ, người chọn, mặc cả từng cần xế cá..  tạo nên một bức tranh chợ cá sống động mà ta chỉ có thể bắt gặp tại những vùng biền, ngay bến sông. Ngọc chỉ  mớ cá còn nhảy loi choi ,lấp lánh vảy.
“ Mua mớ cá mai về làm gỏi ăn chơi..”
 “ Gỏi cá sống hả, ngon không.”
 “ Ngon lắm.. ngon như vầy vầy nè..” Ngọc làm điệu bộ
“Làm gỏi cá mất công lắm.. thôi đi. “.
“Gì mà mất công. Bà chỉ ăn thôi mà. Cá mai lấy xương rửa sạch, để ráo nước rồi ngâm với phèn chua cho chín cá. Rồi vắt ráo nước.  Ngon là nhờ nước mắm đó. Bí quyết nghe bồ. nước mắm ngoài tỏi, ớt, phải có chuối sứ chín giã nhuyễn, me chín giã nhuyễn.. Ăn với bún, rau sống, chuối chát, Bồ ăn một lần là nhớ đời..”
 Nhớ đời thì phải kể thêm món bắp nướng, bánh căn.  Cô thích gặm trái  bắp nướng rưới hành mỡ, bánh căn nóng hổi, được nạy ăn liền với nước mắm tỏi ớt hay cá nục kho. Bánh canh chả cá rắc thiệt nhiều tiêu vừa ăn vừa hít hà. Hình như ngày nào Ngọc cũng kiếm món ngon vật lạ  để giới thiệu cho cô, chưa kể buổi tối, Ngọc rủ cô ra lò bánh mì Nghi Hưng ở dốc cầu đi xuống, cạnh cây xăng. Bánh mì nóng, giòn rụm  không thua gì bánh mì Sài gòn vừa ra lò. Các món ăn ở Phan thiết mang một hương vị đặc biệt đậm đà, mỗi loại mang một sắc thái khác nhau. Như món Mì Quảng, sợi mì vàng mềm, rau sống đủ loại, đậu phụng, ớt băm, thịt tôm.. bày trên mặt. Chan vừa xâm xấp nước lèo ăn cho đến sạch muỗng nước cuối cùng.. Cá nục tươi  hấp cuốn bánh tráng ăn kèm rau thơm, dưa leo. Cô học đuợc cách kho cá nục và làm nước mắm. Tô nước mắm đỏ au, tỏi giả nhỏ nổi trên mặt, vừa ngọt vừa chua chấm hết cả rổ rau vẫn chưa muốn buông đũa. Và, cô phải thú nhận, cô thật ghiền món nước mắm tỏi ớt với  cách làm đặc biệt của người Phan Thiết.
Nhà của Ngọc cất theo lối xưa gồm ba gian. Gian giữa để tiếp khách. Đối diện bàn thờ lớn bằng cẩm lai kê sát  tường là tấm phản gõ, dành cho ba Ngọc ngồi đánh cờ hoặc nhâm nhi trà tàu mỗi sớm. Cận tết, ông có thêm công việc mới: Viết câu đối. Ông  trải lên mặt phản giấy thếp loại đặc biệt và dùng mực Tàu để vẽ.. Chữ viết của ông nét hất lên nét kéo ngang trông rất lả lướt. Vừa viết ông vừa ngâm thơ. Giọng ngâm sang sảng thổi  qua nhà ngang, len tận bếp và lòng vòng quanh sân  vườn nghe rõ mồn một. Má của Ngọc thì bận rộn hơn, bà chỉ huy đám nhỏ lo dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bánh mứt cho ba ngày tết.
Hai gian bên cạnh  chia thành những phòng nhỏ. Phía gian trái,  được nối thêm một phòng khác dùng làm nhà ăn. Lúc nào trong lồng bàn cũng chật ních thức ăn, la liệt chén bát. Đám em nhỏ của Ngọc chạy ra vào tấp tới, miệng  nhai nhem nhẻm suốt ngày. Không biết tụi nhỏ ăn gì, và bụng đâu mà chứa cho hết với chừng đó món ăn chơi lẫn ăn thiệt ? Ngọc  than thở
”Mỗi lần về nhà, đánh vật với đám chén bát nầy muốn khùng luôn.”
“ Vui mà. Còn hơn nhà mình, buồn thấy mồ. Cả ngày không nghe tiếng con nít.”
 Ngọc  ghé tai cô  “ Vui nỗi gì.. Ai tới coi mắt mình, thấy đám lu bu nầy cũng chạy văng luôn.”
Phòng riêng của Ngọc nằm gian bên phải. Vừa gọn và rất xinh. Rất đặc biệt con gái. Ngọc thích mầu hồng nên rèm cửa , gối thêu giấy hoa dán tường tuyền một mầu hồng, đôi chỗ dậm thêm mầu tím hoa cà mang dáng vẻ thơ mộng.. Cô thích căn phòng đó vì suốt ngày hoa sứ  thơm dịu dàng đưa hương qua cửa sổ. Cánh hoa trắng , nhụy phơn phớt vàng hình như lúc nào cũng quanh quẩn trong phòng khi cô bước vào thế  giới của bạn. Không như  căn phòng nhỏ của cô nhìn ra góc chợ, mới mờ sáng đã nhộn nhịp quang gánh rau cá được bạn hàng mang lên từ các vùng ngoại ô. Cô có thể phân biệt tiếng dọn hàng, mở sạp, tiếng xe lam, xe xích lô máy nổ xình xịch, tiếng rao hàng buổi sớm lảnh lót từ đầu hẻm nầy len qua góc chợ nọ..Hình như mọi tiếng động đã lấy hết vẻ yên tỉnh của không gian, chiếm cứ và tước đoạt hơi thở trong lành của buổi sớm, nhiều đến nỗi, đôi khi cô thật khao khát một khoảng trời trong veo cho riêng mình, một bóng cây xanh ngoài khung cửa sổ để dịu lòng mỗi khi ném bâng quơ tầm mắt ngoài kia. Nhiều ngày, cô và Ngọc phải rủ nhau ra thư viện học bài. Ngọc nhận xét “ Phòng bồ dễ thương, tiện nghi , nhưng giống như cái hộp vậy.. Bí rị hà..”
Thuần, anh của Ngọc  ghé qua nhà hôm hai mươi tám tết. Má của Ngọc hối tuị nhỏ dọn dẹp phòng ốc  đón anh Hai. Từ buổi sớm, trong đôi mắt của bà thắp sáng ngọn lửa chờ đợi lẫn yêu thương, ngọn lửa ấy cũng vô tình bùng thổi qua cô, bởi, lâu lắm, cô chưa gặp lại anh. Trong ký ức của cô vẫn y hệt hình ảnh một anh chàng cao cao, gầy nhom, tóc lười chải thường dẫn bọn cô đi ăn chè, uống nước mía, la cà khắp những con đường hẻm lớn nhỏ , ngày mưa rủ nhau đi lội nước hay phóng xe ào ào vượt ổ gà . Anh chàng làm  thơ  tình không dám tặng ai, nhờ bọn cô  chờ nàng trước cổng trường đưa thư, sau khi phải hối lộ, đầu tháng tiền giấy, cuối tháng lục tung túi trên túi dưới tìm  tiền cắc, có khi gãi đầu cười trừ, có khi năn nỉ.

Có lẽ bộ đồ lính làm anh già dặn, chững chạc hơn. Hoặc giọng nói của anh, qua thời gian trở nên trầm tĩnh hơn. Cô không rõ cảm giác của mình khi thấy anh xuất hiện ngay thềm cửa. Nó ngỡ ngàng, mơ hồ chênh vênh như người say sóng, vì anh quá khác so với sự tưởng tượng của cô. Anh cao lớn, mạnh mẽ. Cái anh chàng ốm o ngày xưa trong trí nhớ của cô hình như đã bốc hơi, mất tích.
Gặp cô, dù chưa hết vẻ vui mừng lẫn ngạc nhiên,  anh cũng không quên thói quen, dí ngón tay vào trán cô:
“Ha.ha..Nhỏ lớn bộn rồi ha..”
“Lớn gì..Em cũng vậy thôi.”
“Ra dáng thiếu nữ rồi đó. Nhỏ ơi. Có người yêu chưa.?”
Cô định đùa “ Đợi anh.. làm mai” như  bao câu nói  vô tội vạ hồi xưa  thường đùa giỡn với nhau, nhưng cô làm thinh  khi chạm phải  ánh mắt của anh, đâu như có chút dịu dàng, chút ngọt ngào trong đôi đồng tử đen nâu kia.. Cô không hiểu tại sao mình lại mất tự nhiên khi gặp lại anh. Hình như sóng biển đang vỗ từng chập trong trái tim cô. Sao không như hồi xưa.  Thưở ấy hồn nhiên và vô tư làm sao. Hồi đó bọn cô thường sốt ruột,  luôn hỏi khi nào anh làm xong bài thơ, bây giờ tặng cô nào, nhà xa hay gần, cô đó đẹp không, tóc dài hay ngắn để.. ước tính  khoảng đường dài ngắn, tùy theo đối tượng mà lãnh tiền công đưa thơ. Không biết  anh có còn nhớ những ngày vui ấy, nhớ những lá thư tình anh cặm cụi viết nơi bàn học cạnh cửa sổ, hay ngày vui như cánh diều bọc gió đầy, lạc bay mất về phương nào.
Cả nhà bày ra nấu bánh tét sớm hơn dự định, vì ngay ngày hôm sau anh phải trở lại đơn vị.
Anh thì thầm với Ngọc và cô
“Đừng nói với Má anh đi lính gì nghe, má tưởng anh làm văn phòng “
“Sao anh biết.”
“Hôm qua má khoe với bác hai, nói anh giỏi lắm, thì đậu vào.. chức văn phòng nên được  đóng ở thành phố, má nói không ra trận là má yên tâm rồi “
Lá chuối phơi vừa héo lớp áo được mang vàp sắp đều  trên chiếu. Từ sớm, cô và Ngọc đãi vỏ đậu xanh. Ngó vậy mà không dễ. Hai đứa hì hục nhặt mày đậu, lường nước hớt vỏ cả buổi sáng  mới đãi xong thau đậu xanh vàng ươm. Ngọc càu nhàu “Tết nhất gì mệt thấy mồ. Làm nhiều chớ ăn đâu bao nhiêu.”
Anh ngồi đối diện cô, phụ lau lá chuối. Nhìn  tay anh cầm miếng khăn miết qua lại trên mặt lá, cô nhớ từng phiếm đàn theo ngón tay anh thưở đó. Trên căn gác nhỏ  nằm sâu trong con hẻm Bàn cờ, những ngày mưa đường lầy lội, nước chưa kịp thoát từ những cống rảnh, tụ thành từng vũng biến thành chỗ nghịch nước của lũ trẻ hàng xóm. Ở căn gác đó, anh thường ngồi trên thành cửa sổ, đàn hát những bài tình ca mà người thiếu nữ được vẽ bởi âm nhạc là hình ảnh thật quyến rũ dưới mắt  bọn cô buổi ấy. Hình như ngày ấy anh tương tư cô bé hàng xóm..Phải không nhỉ.. Lâu quá, ký ức trở nên mờ nhạt mù mờ  đến nỗi, khi gặp lại anh, đôi lần cô tự hỏi. Anh có lúc nào  nhớ về cô trong  những khoảng thời gian xa lắc kia..
“ Nghĩ gì vậy nhỏ. .nhớ Sài gòn hả..”
“ Đâu có..Chỉ là không biết, anh có còn nhớ tụi em và căn gác ở Bàn cờ không thôi..”
“ Anh đang bắt những hàng mưa, lần ra trường học đón nhỏ. Có hôm  anh đang chờ  trước cổng trường thì gặp cô bạn cũ. Vừa nói chuyện mấy câu  thì nhỏ từ lớp học chạy ra. .Nhỏ qua mặt anh. mắt ngó lơ  làm bộ không quen, đi một mạch mặc kệ trời mưa. Hôm đó anh về, giận nhỏ quá trời.. Vậy là.. anh và em, ký ức ai tốt hơn.”
“ Nhưng anh không hỏi em, tại sao làm bộ ngó lơ..anh đâu hỏi..”
Anh nhìn cô, ánh mắt dịu dàng lẫn đằm thắm:
“ Anh sẽ không bao giờ hỏi em tại sao. Trước và sau. Bây giờ cũng vậy.”
 Anh không muốn nói cho cô nghe. Đôi lần về thành phố, anh chờ  cô từ cổng trường.. Ở bên nầy đường,  cô đi giữa bạn bè, cặp sách ôm ngực, nói cười tíu tít.. Đôi lần ghé ngang nhà, cô đi đâu vắng chỉ trơ trọi trên thềm, chiếc xích đu nằm co sưởi nắng. Và anh, chiến tranh mang anh đi nhiều nơi, và cũng vô tình, mang cô dần xa anh.
Cả nhà xúm xít quanh chiếc chiếu chuẩn bị gói bánh. Ba lớp lá chuối áo được xếp trên mâm, ở dưới gài sẵn ba sợi lạt cột bánh, Mẹ của Ngọc múc khoảng nửa chén gạo nếp đổ đều lên mặt lá chuối. Sau đó, bà rải đậu xanh, thịt ba rọi ướp tiêu hành gia vị, rồi lớp đậu xanh . Nếp được rải thêm lần nữa  nằm  vừa vặn giữa lớp lá chuối. Anh khỏe và khéo tay nên làm công việc cột đòn bánh tét. Đầu tiên anh kéo mí lớp lá, dùng sợi dây lạt cột xoắn lại và nhanh chóng bẻ gấp một đầu  dựng đòn bánh lên. Sau khi cắt bằng đầu lá, anh bỏ thêm chút nếp cho đòn bánh đều đặn  và dùng lá chuối bịt lại. Bên kia cũng vậy. Mười sợi lạt nằm cách  nhau mí dây xoắn về một chỗ đều đặn tựa ai đó dùng thước để ướm.. Đòn bánh tròn đầy đặn cứ y như những chú heo con cùng lứa nằm xếp chồng nhau trong thúng. Ba của Ngọc  kê  gạch, xếp củi chuẩn bị nấu bánh. Còn một ít nếp và nhân, anh nói với cô ” Bánh ú nầy là phần cho em nè.. Ăn bánh thì nghĩ đến anh. Đậu thơm gạo nếp lá xanh..nhớ người. “” Sao gọi là bánh ú hở anh? “” Ờ, chắc là tại cái bánh mũm mĩm ú nu ú nần.. Anh không biết đâu nghen, để anh hỏi má” ” Và anh rủ rê “Đi chợ tết với anh đi. Nhanh lên không thôi con bé Ngọc  kèo nài đòi đi theo.”
& & &

Qua hết dốc cầu, ngay bùng binh, chợ hoa tết rực rỡ trải ra trước mắt  cô. Ôi  thôi, cơ man là hoa. Hoa mai cành to cành nhỏ đầy nụ xanh, nụ nào cũng bóng mở vừa đốt ngón tay. Từng chậu cúc xếp chen nhau nở bung vàng tươi rực thắm. Hoa mồng gà đỏ au, ngọn vươn thẳng chắc chắn khỏe mạnh. Nhiều nhất là Vạn Thọ. Mầu vàng, mầu cam bung xòe tròn trịa  như bông phấn. Cô tưởng như mình vừa tình cờ đi lạc vào một khu vườn hoa rực rỡ chỉ có trong tranh vẽ. Một bức tranh Tết chộn rộn mầu sắc. Anh nắm tay cô len qua dòng người đông đảo lên xuống. Từ bùng binh xuôi theo dọc con phố Gia Long không dài lắm mà đi hoài ngó hoài vẫn mang cảm giác mới mẻ.. Từng sạp trái cây bày bán ngoài đường, đủ loại đủ mùa no tròn mơm mởn dậy thì. Nhiều chỗ bán bánh cúng, bánh dài khoảng một gang tay, mỗi xâu cột mười cái, trong chỉ thuần là nếp,  để cúng trong ba ngày tết. Bánh cốm gói bằng giấy thủ công đủ mầu,   hai đầu hộc rực rỡ  hình hoa lá, hình bươm bướm xung quanh tỉa hoa văn tinh xảo. Cô như trôi trong không khí nhộn nhịp của chợ tết, giữa những tiếng cười nói, tiếng chân người lao xao. Không như cảnh chợ tết chen lấn ở Sài Gòn, mọi người ở đây khi mua cũng như lúc trả giá, họ có cái bình dị, chất phác của những người cùng quê, không ai muốn hơn thua ai và cũng không sợ  bị mua lầm  hoặc trả hớ giá. Một vài người bạn  đi ngược đường níu anh trò chuyện. Không biết anh nói gì mà họ cứ nhìn cô cười tủm tỉm. Khi qua phía bồn binh bên kia chọn hoa, anh nhắc về bạn bè với chút  bùi ngùi:
“ Sau nầy những khi ghé thăm nhà, chẳng còn gặp được bạn bè cũ. Cuộc chiến đã đẩy bọn anh đi khắp nơi. Mọi thứ như lớp sương của kỷ niệm, mù mờ lắm, xa xôi lắm  nhưng thành phố bé nhỏ nầy  vẫn là nơi chốn ấm áp của một khoảng trời, một chỗ trú ẩn bình yên tựa tấm thảm thơm dịu dàng cho mình ngã lưng những khi mệt mỏi, một chiếc võng êm ái đón ngọn gió mát thổi qua từ biển..nên dù đi đâu, bất cứ lúc nào có thể anh vẫn tìm cách ghé qua  nhà, dù chỉ là đôi phút ngắn ngủi”
“ Bao lâu rồi anh mới về lại ?”
“Khoảng hai năm.. Bọn anh thường nói với nhau. Phan Thiết là cái tổ ấm cưu mang  tụi anh thời tuổi trẻ hạnh phúc. Con chim mới ra ràng lìa tổ, bay bao xa vẫn nhớ đường về, vẫn nghĩ rằng đâu đó, mình còn có một nơi chốn để trở về những khi mỏi cánh.. Và Phan thiết, trong lòng tụi anh là vậy đó. Thương lắm, khi xa thì buồn, nhớ nhà. Kỳ nầy anh ráng về cũng vì sợ má buồn. Thấy má khóc là anh không chịu nỗi “
Anh lựa mua hai chậu cúc vàng và một cặp dưa hấu “ Em biết dưa hấu lựa sao mà vỏ mỏng ruột đỏ không ?” “ Em nghĩ, chỉ may rủi thôi” “ Coi anh  nè.” Anh chọn cặp dưa tròn đều, đầu dưa vừa bằng cái tô úp ngược, vỏ xanh đậm, và để trong lòng bàn tay ướm thử. “Cũng có thể may mắn. Nhưng em biết không, dưa hấu mà bón phân dơi, phân tép, ruột dưa nhiều cát và chín ngọt. Quê anh thì thường bón phân cá, xác mắm nên dưa ngọt đậm đà, nhiều nước hơn. Dưa anh  lựa lúc nào cũng đỏ au hà. Ba nói, anh mát tay”
“Đàn ông mà khéo tay, biết nhiều,coi chừng khó lấy vợ”
 Anh quay nhìn cô, định nói “Anh đợi nhỏ lớn.....” nhưng làm thinh. Đã qua mất rồi thời tuổi nhỏ, thưở cô theo anh đi khắp những con đường thành phố, thuở anh có thể cầm tay cô rất tự nhiên, có thể ôm gương mặt ai kia ép vào lồng ngực  dỗ dành những lúc cô  giận hờn. Hình như, trong đôi mắt nâu hạt dẻ  ngọt ngào mầu nắng  ngày xưa đã bâng khuâng, chút mưa thu ngày sắp tới. Mưa giăng hàng  từ sợi buồn qua sợi nhớ... Và anh bâng khuâng không biết, có nên giữ lại khoảng  cách như đã  từng hay  chìm tan trong mầu nắng mật ong ấy... Anh xiết nhẹ những ngón tay của cô , vẫn yên ắng mềm mại trong tay anh. Có thể nào giữ nó lâu hơn, có thể nối kết lại những kỷ niệm từ quá khứ đến hiện tại, để anh có thể âu yếm đăt nó một tên gọi khác. Xa cô một khoảng thời gian khá dài, anh không nghĩ rằng khi gặp lại, cô đã gợi trong anh cả một chuỗi những tháng ngày tươi đẹp nhất  đời người. Từ quá khứ bước vào hiện tại, vẫn mắt cười đó, vẫn giọng nói chút phân vân chút liếng thoáng..nhưng khi cô xuất hiện gõ cửa chính hiện tại của anh, anh mới nhận ra rằng….. Cô và khoảng trời thành phố cũ quyện với nhau luôn nằm đâu đó , buồn vui đâu đó và hình như chưa hề rời khỏi  ký ức của anh.
Anh và cô ngồi bên bếp lửa. Củi nổ tí tách, thỉnh thoảng lóe xẹt  tia sáng nhỏ ngộ nghĩnh những ngọn pháo bông.. Hai tay cô vòng trước đầu gối, một nửa khuôn mặt dấu trong bóng tối. Nửa sáng bên nầy ánh lửa soi bập bùng ve vuốt trên nhánh tóc. Những sợi tóc ngày xưa anh đã  đôi lần giúp cô thắt bím hoặc chải theo từng lọn tóc rối. Ngày ấy dưới mắt anh cô thật trẻ con, trẻ con lắm. Chẳng lẽ thời gian nâng cô lớn lên từng ngày và anh thì dừng lại ? Hay mình đã chớm già mất rồi. Không phải già từ thể xác mà ngay  chính ở tâm hồn của mình.
Hình như đêm còn dài  nên chưa ai mở đầu câu chuyện dù có lẽ, họ có vô vàn điều muốn chia xẻ. Cô rơi vào thế giới âm thanh trong  tiếng guitar từ giọng hát anh mà lâu lắm cô mới nghe lại. Căn gác Bàn cờ những chiều mưa, những tối bên thềm nhà anh và một chỗ ngồi dưới giàn hoa thiên lý. Tiếng đàn đưa cô theo chân anh bắt đầu từ những năm tháng xa. Từ buổi sáng, anh bước ra khỏi  cánh cửa  giảng đường với bộ đồ lính. Anh như ở một nơi chốn khác mịt mù lắm, xa xôi lắm mà bọn cô không hình dung nỗi. Trong trí tưởng của cô vẫn là anh của ngày tháng cũ , vẫn những ngày êm ả thành phố rộn rã nhịp guốc khua , xe cộ nhộn nhịp phố phường. Và cô ngỡ ngàng khi nhận ra.. dù anh thay đổi bao nhiêu ở nhân dáng đó, sự ấm áp , những che chở ân cần mà cô nhận từ anh hồi còn nhỏ xíu vẫn giữ bình yên trong ngăn kéo đời sống, không hề suy giảm. Tại sao lại như thế.. Chịu. Ngay lúc nầy, cô không thể tìm cho mình một câu trả lời nào khác, dù chỉ là một lời giải thích bối rối. Cô nhìn  gương mặt anh khi cúi xuống. Một khoảng tóc che vầng trán rộng, thỉnh thoảng gấp vài nếp nhăn sớm. Làm sao anh có thể trải qua và chịu đựng được những  gian khổ, hiểm nguy của đời lính. Những sáng mở đường, những đêm đi kích. Và nỗi bất trắc thì có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Không chừa một ai.
“Kể cho em nghe về anh đi..”
“Về anh,có gì đâu. Chỉ là thay đổi giai đoạn thôi, buông bút cầm súng. Anh yêu đời lính và rất thương bạn bè đồng đội của anh. Vì một lẽ, trái tim tuổi trẻ và lý tưởng đã gắn bó bọn anh lại với nhau. Khi đã ở trong hoàn cảnh phải đối diện với cái chết hàng ngày, hàng giờ, bọn anh cảm thấy, cái chết thật ra, nó cũng bình thường thôi. Chỉ là anh thương má. Anh chưa làm gì cho má vui, chưa một ngày trọn vẹn kề cận, an ủi bà. Hồi anh về phép lần đầu, cả đêm má ngồi cạnh anh, cầm tay anh mà khóc. Nước mắt rơi lạnh cả tay anh..Khi nghĩ tới điều đó, đôi khi anh thấy mình thiệt bất hiếu đó em”
Tiếng đàn của anh, từng nốt, từng nốt chơi vơi trong bầu không khí mát lạnh giữa đêm, trong tiếng củi lách cách và tiếng đập cánh của loài chim đêm “Mùa xuân yêu em đồi núi thênh thang. Hồ nước long lanh ngàn cánh vàng. Ngày ta yêu em mầu lá thanh xuân. Người ngồi trên bến nhớ mênh mông…(*) ”Cô nhắm mắt, thả trí tưởng trôi bồng bềnh theo giọng hát anh như lời thì thầm của biển đêm, của ngàn sóng lao xao... Người về bỗng nhớ…Chỉ “ bỗng “ chỉ bất chợt thôi mà  trái tim như vừa vấp phải cánh cửa chưa sẵn sàng hé mở. Anh ngày xưa, thành phố những chiều mưa, nhiều kỷ niệm cô đã có cùng anh hình như cùng lúc trở về, để cô chợt nhận ra..Anh và phiến ký ức ngọt ngào kia vẫn luôn chập chờn đâu đó, chưa bao giờ rời khỏi dù quá khứ và hiện tại là khoảng cách xa diệu vợi..
“Mai anh về đơn vị. Mùng hai nhỏ lên với anh nghe..”
“Lên đơn vị với anh ?” Mắt cô tròn xoe kinh ngạc
“Anh chỉ đường em đi. Dễ ợt.Từ Sài gòn em ra bến xe Nguyễn cư Trinh, đón xe đò về Phước Long. Anh chờ và đón em ở ngã ba thị xã.”
“Nhưng mà…”
Đề nghị của anh quá bất ngờ nên giọng cô, vừa hồi hộp vừa phân vân như thể cô phải quyết định ngay tức khắc một việc gì ngoài sức tưởng tượng.
“Em chưa bao giờ đi xa, và chưa..”. Cô ngập ngừng  
“Em đi sáng sớm là có thể về trong ngày mà. Anh sẽ chở em đi một vòng quanh chợ nhỏ, chỉ  muốn cùng chia xẻ với em không khí tết ở tiền đồn. Em  có thể hình dung đời lính bọn anh những ngày tết xa nhà cô đơn và buồn bã ra sao, cũng có thể thấy, ở một nơi nào đó, chiến tranh hiện diện khắp mọi chỗ. Phan Thiết là một trong hiếm hoi những thành phố còn giữ tương đối  mùa xuân với những hơi thở bình yên”
“ Nếu muộn thì em ở lại ăn tết tiền đồn với tụi anh” Mắt anh lấp lánh những ngọn lửa  chờ đợi.
Cô không dám hứa với anh  và cũng không nghĩ rằng, có lúc, sẽ tìm thăm anh tại đơn vi. Một điều gì ,vừa đến bất chợt.... Hoang mang lẫn hạnh phúc, ngờ vực lẫn mơ mộng. Cô không dám nhìn thẳng vào mắt anh, cũng không dám cựa quậy cho đến khi tiếng Ngọc  gọi cô đi ngủ.
Và ngó anh kìa, anh chỉ cười, làm như vừa kể cho cô nghe, một câu chuyện vui.  
Cô không nói với Ngọc lời rủ rê của anh dù thật lòng, muốn chia xẻ cùng bạn, một lời hẹn. Có thể gọi đó là lời hẹn không. Có phải bắt đầu từ anh một tình cảm nào đó, hoàn toàn khác hẳn ngày xưa. Cô thấy anh lớn quá, chững chạc quá và cũng khó hiểu nữa. Cô cảm thấy mình thật không bình thường khi đứng cạnh anh. Sao mình không hỏi thẳng anh điều đó. Tại sao không.. Cô nhớ lúc anh trở lại đơn vị. Anh giữa bộn bề quà bánh mang theo, giữa tiếng cười đám trẻ và đôi mắt lo lắng của bà mẹ, hình như cô cũng là một thành viên trong gia đình đó, mang đầy đủ nỗi buồn lẫn nhớ nhung của người ở lại. Khi  cùng anh bước qua thềm nhà, anh dúi vào tay cô, ngộ chưa, cánh hoa sứ mới hái còn đẫm sương đêm. Anh thì thầm “ để nhớ anh.”.. rồi thôi. Khi bóng anh khuất xa sau hàng rào dâm bụt kia, khi không gian chỗ anh vừa đứng khi nãy tĩnh lặng nỗi buồn, mấy lời thì thầm của anh như vẫn còn quấn quít bên cô, theo từng  lần chải tóc , theo chân cô vào phòng, buổi tối thơm mùi hoa sứ.

Ngày mai cô về lại thành phố. Thật quá ngắn ngủi thời gian ở đây.. Những con đường phố nhỏ, bậc thềm cửa chậu cúc vàng, chỗ anh ngồi bên nồi  nấu bánh còn nguyên lớp tro âm ỉ,  mùi hương sứ sau vườn ..hình như anh đã mang đi  hết, mọi thứ.
Cô yêu thành phố của anh, yêu những con người hiền lành chân thật mà cô đã gặp gỡ trong một chuyến đi vội vàng. Cô yêu bước chân chạy nhảy cười đùa của trẻ nhỏ,yêu dáng dấp chịu đựng nhẫn nại của má anh khi bà bịn rịn cầm tay con trai, khi vòng tay anh quàng qua bờ vai già run run. Cô nghĩ, bà đang khóc. Cô yêu cả giọng nói trong trẻo pha tiếng  miền ngoài, hơi nằng nặng nhưng lại ngọt mềm như miếng cơm dừa vừa ngậm mà đã nghe tan qua đầu lưỡi.. 
“ Ngọc nè..Mùng hai..”
“ Sao. Mùng sáu chứ.. Không phải mùng sáu mới trở lại trường sao..”
“ Ờ.”
“Bồ làm gì mà lơ lửng vậy…”
 “Gì đâu..”
“ Anh hai nói gì hả “
Cô nằm xoay nghiêng, mặc kệ tiếng cười khúc khích của Ngọc.(Trời, có thiệt  mình đã bắt đầu mơ mộng không đây ?) Mùi hương đêm nhẹ nhàng ghé qua của sổ, mang theo tiếng khẽ cựa mình của lá, tiếng nhón ngập ngừng  bước chân của gió. Cũng như cô, khi rời khỏi thành phố nhỏ bé nầy cũng sẽ mang theo nhiều thứ. Những con đường phố biển, giòng sông hiền hòa chảy xuôi qua thành phố, những giây phút ngắn ngủi ở cạnh anh, đêm ngồi bên bếp lửa nghe củi nổ tí tách và cô nhớ làm sao đôi mắt anh nhìn cô lúc đó. Cái dịu dàng không phải từ không gian xung quanh mà từ đôi mắt ai nhóm lên nghìn tia lửa ấm. Không bởi từ ngọn lửa bập bùng kia hay gom từ những kỷ niệm cũ được khơi  lại , được thắp sáng mà bởi.. cô thấy mình trong đôi mắt của anh, lạ quá. Vừa đằm thắm vừa nồng nàn tựa hồ như , có nhiều điều anh dấu kín đằng sau nụ cười quen thuộc đó. Có nhiều điều còn yên ắng trong bầu trời riêng mà chỉ duy mình cô mới cảm nhận được.

 Có lẽ lâu lắm cô mới trở lại thành phố biển..Trở lại nơi chốn mà..Căn nhà thơm mùi hoa sứ và những kỷ niệm dịu dàng của nó vẫn hoài xúm xít gót chân cô. Vẫn hoài theo cô ngày tháng tới, hình như vừa chớm lật sang trang..Và, lạ lùng chưa..Ngay cánh cửa mới  mở, ở đôi phút chợp mắt ngắn ngủi, cô thấy cô đang ngồi trong chiếc xe đò, nhịp lắc lư lắc lư.. Bên ngoài trời  hâm hấp nắng va chạm  với  không khí ngột ngạt chuyến xe đầy người, cô ngã đầu trên vai anh. Là anh. Không ai khác. Chính là anh. Khi mái tóc cô nằm xuôi  êm ả,  cô còn nghe thoáng qua hơi thở, vai áo lính như chở đầy từ vườn nhà, từ căn phòng của Ngọc thơm ngát mùi hoa sứ mới, mùa xuân.
 
( *) Người về bỗng nhớ. Nhạc TCS

Friday, January 29, 2016

Làm Sao Biết Được / Huy Văn

Nhà Thờ Giáo Xứ Đông Hải - Hưng Long
trước nhà Hồng Thúy ngày xưa 
 
LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC
Không có mai vàng trong sân nắng
Không có hoa thơm gọi bướm về
Mây che khuất nẻo đường quê
Làm sao biết được Xuân về hay chưa!?
Cây đứng trơ cành. Sương tuyết phủ
Lạnh buốt hoàng hôn. Gió não nề
Xám trời giăng mắc sơn khê
Làm sao biết được Xuân về hay chưa?!
Nâng sầu viễn xứ lên môi đắng
Dáng Xuân biền biệt tận chốn nào!
Nắng còn ngủ muộn trên cao
Làm sao biết được khi nào Xuân sang!?
Không có mây trời xanh mắt biếc
Chẳng thấy nụ hồng trên áo hoa
và Em ở cuối trời xa
Làm sao biết được Xuân qua chốn này?!
Gom hết cô liêu vào nhật ký
cho buồn, vui lắng với đêm đông
Ngoài hiên tuyết trắng mênh mông
Làm sao biết được Xuân hồng sắp sang!?
Ước gì nắng cuốn trôi băng giá
cho đất trời vui nhịp hồi sinh
Bao năm Xuân nặng u tình
Còn bao lâu nữa bình minh sáng trời?!

HUY VĂN

Wednesday, January 27, 2016

Xuân Họp Mặt PBC72 / Xuân 2016


Video Xuân Họp Mặt

Năm Mới Xin Chúc Bạn 72 Được Tâm An Lành Hạnh Phúc


 Năm Thân lại trở về đây
Mới hay Mùi đã vội vàng ra đi
Xin cho nhắn gởi đôi lời
Chúc cho các bạn luôn nhiều bình an
Bạn bè dù ở nơi nao
72 Liên Lớp mình luôn gắn liền
Được nhiều may mắn năm nay
Tâm luôn đồng nhất gia đình yên vui
An khang thịnh vượng vun đầy
Lành luôn đến với bạn bè khắp nơi
Hạnh thông mọi sự trước sau
Phúc theo ngày tháng trải dài suốt năm

PBC 72

Chuyến về của Hồng Thúy và Giáng Hương / Chuyện dài nhiều kỳ / Phần 1 / Phạm Sanh



Đố mấy bạn ngày 25/1/2016 là ngày gì?
Đừng ráng suy đoán nhiều cho mệt, cũng một ngày như mọi ngày mà thôi. Nhưng với tôi, đó là ngày các lý thuyết của Albert Einstein và Stephen Hawking trật lất. Tất cả hình ảnh kỹ niệm quá khứ về bạn bè thời học trò đã mấy mươi năm, đang lờ mờ nhạt dần theo dòng chảy đời sống thường ngày, nay bỗng trở lại thấy lại, y chang như một thời trung học PBC Phan Thiết ngày nào.
Sáng sớm, Sài Gòn trở lạnh chuẩn bị đón Tết, thời tiết năm nay hơi muộn và lạ, nghe nói đến cả Nghệ An Thanh Hóa cũng có tuyết, người già tuyết bám đầy râu, trâu bò rũ nhau nằm la liệt. Đêm hôm trước, lớn tuổi có chuyện là khó ngũ, tôi thức giấc từ 4 giờ, mở hết Google đến Google Earth tìm xem cà phê Highland Diamont Plaza nằm ở chỗ nào, để sáng đi gặp HT. Sáu giờ, nhóm sinh viên xây dựng vừa bảo vệ đồ án tốt nghiệp, chờ qua Tết đi làm, nằn nì mời thày ăn sáng uống cà phê sớm, 8 giờ tụi em trả thày cho “cô”, tụi nhỏ tưởng tượng thày gặp lại người xưa khi thấy tôi cứ lo lắng ăn uống không được. Nghe điện thoại MQ nhắc, bỏ bọn nhỏ, đi tìm bọn lớn.

Đến nơi, đã thấy gần đủ nhóm bạn 72 tại SG, vợ chồng son Thức-Minh A (nhà chỉ có 2 người), cặp đôi xuất sắc 2015 Tường-Vân (mới được bình bầu khẩn cấp vào đầu năm 2016), tam ca Sơn quậy-Đặng Tỵ-Mộng Quyên (tam ca giải tán thành song ca khi có mặt bà xã TPS., cô này thích và ca hay lắm), đạo diễn KĐ Pháp, người đẹp Xóm Lụa Dũng Yamaha, Chef Golf  Thắng, ca sỹ giọng khàn CN Sơn. Lại có Xuân Hồng, người đẹp một thời ưa đi cặp với Xuân Liên. Thêm cả bà chủ hãng tôm cá mực nghêu sò ốc giác… Hồng Ba, lặn lội từ cảng cá Lagi vào gặp bạn.
Gặp lại Hồng Thúy, quá ngở ngàng, trẻ- xinh- có duyên… đẹp còn hơn xa hình thấy trên trang PBChoingo, nói chung lực hấp dẩn còn lớn. Mà quên, tất cả mấy bà bạn gái 72, hình như đều có lực hút ngang ngữa với HT. May mà buổi gặp này quên mất HB, nếu không hắn lại nặn ra mấy chục bài thơ như cái thời “em tan trường về” thì khổ. Hồng Thúy nói, về chuyến này vì các bạn, vì một bài viết cá voi của PS. Tôi không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt HT, mắt hơi cay cay, phải giữ thể diện bản lĩnh nam nhi chi chí trước đám bạn bè con gái, dù ai cũng già hết rồi, nước mắt tiếng cười khen chê là chuyện qua ngày. Thế giới hay Việt Nam, đều có các ngày ca tụng về Mẹ, về Cha, thậm chí về Bà về Ông về Thày về Tổ…, thậm chí còn vượt ra khỏi lũy tre làng như ngày phụ nữ, ngày phòng chống HIV, ngày môi trường, ngày nhân quyền quốc tế.., nhưng sao vẫn chưa có ngày tôn vinh về Bạn, về tình bạn.

   ngở ngàng, đẹp còn hơn hình trên trang PBChoingo
Chuyện trò, hình chụp chưa được bao nhiêu thì kịch bản bất ngờ có bổ sung, tiểu thư Giáng Hương “lù lù” xuất hiện từ bên hông quán, theo sau là “garde corp” đẹp trai cao ráo. Vui không thể tả, nhưng buồn thì cũng ngang ngữa, tả cũng không nỗi luôn. PS xin chia bớt buồn với mấy bạn mình, cả đời, cứ gặp GH là gặp bảo vệ, ngay từ học đệ thất, tinh thần đâu mà còn ham xách dép giùm. Nói vậy đó chứ điểm danh lại, chỉ khối 72 của “ta” chưa kể “địch”, phải cả tiểu đội bám sát GH trên từng centimètre, đã từng mơ mộng  “anh vẫn được nhìn mây trắng bay”. Trên bốn chục năm tình … cũ, quên, tình bạn cũ, gặp lại, GH vẫn kiêu sa, nét mặt giọng nói vóc dáng bước đi vẫn nhí nhảnh xinh đẹp như ngày nào, hơi mập hơn và “quậy” hơn. Đang trò chuyện, GH ngước mặt nhìn, hỏi về chuyện “thích nhau thời con nít” giữa tôi và một người bạn của hắn, ngắn gọn xúc tích nói thẳng vào vấn đề, làm tôi thật sự bất ngờ lúng túng, …PS có “yêu”… không? Sáu mươi ba năm, đây là câu hỏi hay nhất, khó nhất, câu hỏi đầu tiên và chắc cũng là cuối cùng của người bạn về từ Rouen. Hẹn với GH, cố gắng trả lời qua mail. Có lần tôi viết… le temp d’aimer, c’est le temp de mourir.
Khối 72 PBC, hiếm có dịp gặp nhau 3 “địch thủ” năm nào cũng lãnh phần thưởng chung ở rạp Ngọc Thúy, GH lớp A1, PS lớp B2 và Thức lớp B3. Giáng Hương học giỏi lắm, con gái lại xinh hiền, nhiều người thích, Thày Cô mến, danh dự toàn trường liên tục. Tôi thì “may mắn” học nhầm các lớp dương thịnh âm suy, chỉ được cái quậy phá chọc ghẹo bạn bè Thày Cô toàn trường là khá, không bị đuổi học là may lắm rồi. Nhưng trong cái xui có cái hên, nhờ thiếu vắng hơi hớm tà áo mấy bóng hồng, lớp học tập trung hơn, nhất là vào năm cuối thi tú tài hai, ám ảnh câu… rớt tú tài anh đi trung sỹ, ai cũng lo học gần chết, lớp vào đại học nhiều, hay không bằng hên. Những năm sau này, nói về học với con, tôi vẫn nhắc về GH, Thức… Tất nhiên, 72 còn nhiều bạn học giỏi lắm, như ND, Minh A, KH, VVB, HB, HVT, HS, BVS, HNL, TPS, HHT, HTQ… Kính thưa mấy bạn tôi lỡ quên hay lỡ quên tôi, xin thứ lỗi nếu trong các cái tên nêu trên, không thấy tên mình. Theo kinh nghiệm bản thân, học càng giỏi tính tình càng khó chịu, càng bị “đì”, đương nhiên càng nghèo. Không nên ham có tên trong danh sách PS ái mộ. Cho tôi gửi lời cầu chúc sức khỏe đến Huệ Lan, mong sao một mai qua cơn mê, bạn tôi có lúc về. 

Cả nhóm 72 đi chụp hình để mấy bà mấy ông, một số đã là bà nội bà ngoại, khoe dáng đẹp lão, mà đẹp thiệt, đứng chụp sau lưng là hình nền một cô người mẫu trẻ chừng 20 tuổi, thấy các bạn gái 72 còn đẹp và trẻ hơn. Uống cà phê xong, lại rủ nhau đi ăn trưa buffet tại nhà hàng Hoàng Yến Melinh Point Ngô Đức Kế, gần vòng xoay tượng Đức Trần Hưng Đạo bến Bạch Đằng. Đến nơi lại có thêm hai nhân vật mới, VT.Mỹ và TT.Ngọc Hoa, toàn là mấy người đẹp ngũ trong “mùng”, ít khi đi ra ngoài gặp bạn bè. Người có số, cùng đi nhưng ND sẽ về, TS đi về với hộ chiếu Mỹ, còn VTM thì…, quá yêu nước hay còn quyến luyến mái trường PBC, chưa dứt. Ngọc Hoa thì khác, quyết tâm tử thủ, chưa chịu lấy chồng, làm nghề y giúp người, thấy của người ta hoài cũng chán, chắc NH phải nhờ MQ tư vấn thêm. 

Họp mặt, vẫn còn mấy bà bạn không chịu lấy chồng như ĐT, NH, KL (bà này phải kiểm tra lại). Về lứa tuổi 72 mạng nữ, tuổi Ngọ có chồng sớm nhưng khổ suốt đời vì chồng con, tuổi Tỵ lận đận đường tình, hiền nhất cũng hai mối tình vắt vai, tuổi Thìn ít chịu nói ra nên cao số, nhưng vẫn có chồng. Sao ông Trời lại bắt bạn tôi U70 rồi phải chịu cảnh không chồng, chắc là chưa gặp thôi, vì bà nào cũng nhờ tôi giới thiệu, lại còn đưa ra đủ tiêu chuẩn như thời gái lớp 11, 12 còn sung sức.
Tranh ăn đồ ngon, nói chuyện chưa đã, hẹn nhau tối đi uống nước ca hát tại quán Kim đường Lam Sơn. Mọi người đến đủ quân số buổi sáng, cả CNS. gần chết ngộp trong toilet buổi trưa cũng đi taxi đến. Riêng GH, nghe nói không đến vì phải quản lý hay bị quản lý gì đó, tại duyên số. Có thêm vợ TPS, chồng XH, đi cặp giống gia đình HHT, cũng là duyên số. Đông, vui thiệt. Phòng nhạc này như là “quán ruột” của ĐT, trang trí đẹp, dàn nhạc quá good. Cả nhóm gia đình 72 lên hết sân khấu hợp ca bài về Xuân, mấy ca sỹ rống lớn như TPS, HHT, ĐTT được ưu tiên hát micro, các bạn khác (trong đó có tôi) đứng sau hát nhép, anh Chánh chồng XH được phân công ngồi dưới làm khán giả vỗ tay. Hay dở gì không cần biết, chỉ thấy cùng tự vui tự sướng tự khen là được. Nghe CNS ca, y như ca sỹ thứ thiệt, chỉ sợ rớt hàm răng giả khó gắn lại. Nghe HB ca bài không tên số 1, hồi hộp, chỉ sợ bả đứt hơi thì mình đứng tim, về sau không còn nghe được bài không tên cuối cùng. Nghe gia đình HHT ca, đúng ra là chị Vân hát chính giúp Tường chỉ hát bè, quá tình tứ, không thua gì Lê Uyên-Phương. Nghe Minh A hát, Thức lên tặng một nhánh hoa hồng cho bạn, ụa quên, cho vợ, quá cảm động. Rồi MQ hát bài Tous les …, hứa trong lòng lần sau không để MQ hát một mình, nhưng phải cố gắng nhiều lắm, khả năng hát và sức người có hạn. Rồi ĐT, giọng ca quá giống một giọng ca liêu trai dĩ vảng nào đó mình đã nghe, quên mất. 

Cảm động nhất, Hồng Thúy cùng các bạn nữ cùng ca bài Em tan trường về trời mưa nho nhỏ… của Phạm Duy. Chắc mấy bà muốn nhớ lại một thời huy hoàng thời con gái tuổi con ngựa. Nghe mà buồn rười rượi, không phải các bạn nữ ca không hay, mà do PS, cứ mỗi lần nghe ai ca bài này đều buồn. Tên má của PS trùng với tên người con gái trong bài thơ của Phạm Thiên Thư. Cứ nghe ca có tên Mẹ là nghĩ thương về Ba Má, không biết ba mình trước đây có thích bài này không, có tán má theo kiểu này không, chỉ biết Ông Bà mến nhau cũng qua âm nhạc tại khu rừng dầu gần bàu Trắng.
Khuya, cứ muốn ngồi lại, HB, VTM, NH nhắc khéo, phải về. Hẹn tiếp sáng mai, có vợ chồng GH, uống cà phê gần hồ Kỳ Hòa…

(Còn tiếp)
Phạm Sanh,    72PBC
 o đầu năm 2016)ại SG, vợ chồng Thức-Minh A, cặp đôi Tường-Vânật lất, tất cả hình ảnh kỹ niệm thời trẻ quya














Saturday, January 23, 2016

"TẾT " NGUYÊN ĐÁN " CỦA VIỆT TỘC

"TẾT " NGUYÊN ĐÁN " CỦA VIỆT TỘC - Đế Chuyên Húc thời cổ đại gọi: Tháng Giêng là NGUYÊN, Mồng Một là ĐÁN
Phổ biến về CỘI NGUỒN VIỆT TỘC chỉ mong sao khơi dậy lòng tự trọng và quật cường dân tộc của chúng ta để giữ vũng lãnh thổ còn lại- Chi tộc cuối cùng của Bách Việt sau 10 lần bị xâm chiếm và 6 lần bị đô hộ bởi Hán tộc mà giờ đây vẫn còn. Đó là LẠC VIỆT !
Để giữ vũng lãnh thổ còn lại này.... vòng cong chữ S này
Trung Hoa thật sự lập quốc từ đời nhà Thương, bắt đầu từ khoảng năm 1766 (Trước Dương Lịch) khi Thành Thang - lãnh đạo của bộ tộc du mục Hồi Mông (tức Thổ Nhĩ Kỳ Mông Cổ) diệt nhà Hạ của Việt tộc, mà vị vua cuối cùng là vua Kiệt.
Nhà Thương truyền đến thời Bàn Canh thì suy yếu dần dời kinh đô về Ân Khư, đổi tên nước là Ân Khư (Ân). Hán tộc vượt Hoàng Hà xâm chiếm Trung Nguyên, nơi cư dân Bách Việt đang sống văn minh và no ấm, vì biết trồng lúa, đánh cá và đúc đồng. Khu vực nước Thương thoạt đầu, nằm giữa các quốc thổ 4 phương nên Hán tộc tự gọi là Trung Quốc, từ đó gọi bốn phương là chư hầu, man di...
Sơ lược để chúng ta nhận ra ngay, con cháu Thần Nông chính là người Bách Việt. Tộc Hán là người du mục đồng cỏ bát ngát bao la, chỉ biết chăn nuôi và trồng lúa mạch trên đồng khô, sống chết trên vó ngựa, chém giết như là con đường cùng để xâm chiếm đất đai thì làm sao mà tự nhận là con cháu của Thần Nông.

Khổng Tử (Năm 551 trước Công nguyên) “Vạn thế Sư biểu” của Hán tộc có viết truyền lại rằng :
“ Đã phải đem những nghiên cứu, sưu tập, học hỏi của nền văn minh Bách Việt phương Nam đặt để thành những quy luật, trật tự cho xã hội phương Bắc. "
Tất cả những “Tứ thư, ngũ kinh” được xem như tinh hoa của Hán tộc đã được chính Khổng Tử xác nhận là ông chỉ kể lại “Thuật nhi bất tác”, sao chép lại của tiền nhân chứ không phải do ông sáng tác ra. Ngày nay, sự thật lịch sử đã được phục hồi khi giới nghiên cứu đều xác nhận hầu hết các phát minh gọi là văn minh Trung Quốc từ nền văn minh nông nghiệp đến văn minh kim loại, kỹ thuật đúc đồng, cách làm giấy, cách nấu thủy tinh, cách làm thuốc súng, kiến trúc nóc oằn mái và đầu dao cong vút … tất cả đều là của nền văn minh Bách Việt.

Chính một vị vua của Hán tộc, Hán Hiến Đế đã phải thừa nhận như sau:
“Giao Chỉ là đất văn hiến, núi sông un đúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất ..!”.

Khi một môn đồ xuôi Nam đến đất Việt, xin Ðức Khổng-Tử chỉ dạy, ngài nói "... người Bách-Việt miền nam (phía nam Dương-Tử-Giang) có lối sống, tiếng nói, luật lệ, phong tục, tập quán, thức ăn uống riêng..." ,... "... dân Bách-Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước bằng thứ lá cây hái trong rừng gọi là trà." Một lần khác Ðức Khổng Tử xác nhận: "Những đạo lý (ngài) viết ra điều là những điều đã có sẵn trong dân gian (dân chúng gốc Bách-Việt)". Chính những đạo lý đó Mông-Cổ hoàn toàn không có vì với Mông-Cổ chỉ có đạo lý của sức mạnh. Vì thế Ðức Khổng-Tử mới lấy đạo lý từ dân gian, viết ra để dạy cho vua quan là giòng giỏi Hán tộc Mông-Cổ.

Ðức Khổng-Tử còn nói rằng: "Dân Bách-Việt rất thích ca múa, vừa làm việc vừa ca vè, hát đối, nói vận (vè, thơ, ca dao), lấy lá cây mang vào người, trá hình múa hát...
Các sách cổ khác của Trung-quốc như Giao-Châu Ký, Tam Ðô Phủ, Ngô Lục Ðịa Lý Chí, Nam Phương Thảo Mộc Trạng, v.v... đều chép đại lược rằng: "Dân Lạc-Việt trồng lúa mà ăn, dùng lá trà mà uống..." ;... "... họ biết uống nước bằng lổ mũi..." ;... "... nuôi tằm mà dệt vải..." ;... "... dùng đất sét đào sâu trong đất, thái mỏng phơi khô làm thức ăn quí, dùng làm quà quí để đi hỏi vợ..." ;... "... dùng đá màu làm men gốm..." ; "... dùng mu rùa mà bói việc tương lai..." ;... "... họ dùng một khúc tre dài chừng 1 thước hơn, một dầu có trụ cao làm tay cầm, có giây buộc vào trụ nối lại đằng kia mà làm đàn gọi là độc huyền cầm...". "... họ đem tính tình các con vật mà so sánh với người, rồi họ truyền tụng rằng ngày thứ nhất trời sinh con chuột, ngày thứ hai sinh con trâu, ngày thứ ba trời sinh con cọp ... (chuyện thần thoại của người Dao: gốc tích của 12 con giáp của tử vi ngày nay). Họ biết tìm hiểu các thức ăn nóng mát (tức thuyết âm dương) để trị bệnh, dùng kim đâm vào da thịt lấy máu để trị bệnh (lễ giác bầu), lấy đá hơ nóng áp vào da thịt để trị bệnh..."; "... Họ rất quí các loài chim, biết tập chim biết nói... họ có nuôi nhiều chim trỉ sống trên núi rất đẹp (mà sau nầy Tàu gọi là phụng hoàng)."

TẾT NGUYÊN ĐÁN là ngày đầu tiên của tiết đầu năm mới. Từ cổ đại đến nhà Hạ (Còn là Việt tộc, con cháu Thần Nông) vẫn lấy ngày Mồng 1 Tháng Giêng theo lịch trăng mùa nước mà tính.
Nhà Hạ ăn tết nhằm cung Dần, dựa theo " nông lịch " lúc khởi đầu có sấm chớp.
Khi nhà Thương chiếm đất nhà Hạ của Việt tộc thì chọn ngày mồng 1 tháng 12 lịch trăng làm tết Nguyên Đán
Đến triều Chu, chọn Mồng 1 Tháng 11 lịch trăng, Tần chọn ngày 1 tháng 10.
Mãi đến đời Hán Vũ Đế, chịu ảnh hưởng của con dân Bách Việt phương Nam nên đã chọn lại ngày Mồng 1 Tháng Giêng ăn mừng Tết Nguyên Đán cho đến nay.

Duy chỉ có Lạc Việt ta, Việt Nam ta là vẫn giữ trước sau như một truyền thống " Nông Lịch " của người Việt cổ lấy ngày Mồng 1 Tháng Giêng lịch trăng để tổ chức " Giao Thừa " .

Giờ phút giao thừa là mùa xuân có trăm hoa ruộng ngàn thi nhau vươn mầm trẩy hạt, bao nhiêu gian khó đã qua để mong mùa sau tốt đẹp.

Nền văn minh lúa nước phồn thịnh đã un đúc cho tình khí ôn hoà, văn minh lễ nghĩa của Việt Tộc. Phương Bắc Hán tộc chỉ biết cưởi ngựa chém giết cướp đất...nên " Làm gì có chuyện dạy dân Việt trồng trọt, chăn tơ dệt vải " như sách sử xưa viết lại theo ý đồ của Trung quốc rằng - "Tích Quang và Nhâm Diên sang làm thái thú tại Giao-Chỉ và Cửu-Chân (2 quận lớn nhất được coi là kinh đô của Việt Nam cổ), dạy dân điều lễ nghĩa, cưới vợ hỏi chồng, dùng cày bừa mà cày cấy ruộng...."

Qua những tài liệu trên làm sao tin được sự kiện lịch sử nầy chứ?
Theo nhà nghiên cứu Đỗ Thành thì chữ Tết ngày xưa khoảng 2000 năm trước phát âm là " Tết ", chớ không đọc là " Tiết " như tiếng Trung Quốc bây giờ. Hán Cao Tổ chịu ảnh hưởng của văn hoá Việt nên cũng phát âm là "Tết ".
TẾT - Khổng tử viết giải thích cho học trò:
" Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là ngày lễ hội lớn của bọn người Man. Họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó, Họ gọi đó là Tế Sạ "
(Đồng bào Thái trong chi Âu Việt cũng gọi Tết là " Thê - Sa " như lời Khổng Tử viết)

Giờ xin giới thiệu cùng quý vị những tiếng " Tết " mà các dân tộc Việt và các nước khác viết và đọc như thế nào, để chúng ta có thể tưởng tượng ra Bách Việt xưa gồm rất nhiều chi tộc, họ vẫn còn giữ gìn tiếng vọng ngàn năm của hồn Việt.
. Đồng bào Thái: gọi " Tết " là - Thết / Thrếts
. Đồng bào Zhuang ( Choang ) gọi là " Xit / sit
. Đồng bào Mường : gọi là Thết
. Chàm gọi là: Tít / Ktêh
. Đồng bào Mon gọi là: Kteh
. Khmer gọi là: Chêtr
. India gọi là: Chetr là thời điễm giao mùa nắng mưa của Ấn Độ
. Nepal gọi lễ đầu năm là: Teej
. Mustang gọi là: Tidj

TÓM LẠI :
Tết là ngày lễ ăn mừng của nhiều dân tộc và sắc dân ở khắp miền Đông Nam Á.
Ngày nay, các công trình nghiên cứu khoa học về " Chỉ số Sọ " đã xác định - Cư dân Đông Nam Á cùng chung chỉ số sọ, hình dáng sọ, cùng mã di truyền DNA. Khoa khảo cổ học cũng đã dùng phương pháp C14 để định tuổi và niên đại của các cổ vật tìm thấy ở vùng đất Trung Nguyên, có nhiều nét khắc họa có chữ Việt cổ.
Điều đó soi sáng huyền sử Bách Việt từ cổ đại ẩn hiện trong huyền tích Rồng Tiên, Thánh Gióng, Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Ngưu Lang Chức Nữ, Chuyện tích Trầu Cau,Tương Giang và cầu Ô Thước v..v...

================================
Đã cố gắng soạn ngắn gọn cô đọng để bài không dài quá ! Mong rằng chúng ta giữ vững lập trường, ăn tết của ta mà tự hào về nền văn hoá của Tổ Tiên để lại.
Đã đến lúc ta nhận lại gia tài của ta, một gia tài đồ sộ mà Hán tộc đã trót cướp đi nên chúng quyết tâm giết người diệt khẩu.
May sao, khoa học đã vén bức màn huyền ảo từ rừng thư cổ lục để tìm kiếm sự thật mà Trung quốc hết đường chối cải.
(Nguồn tư liệu tham khảo của Nhân sĩ - Nhà biên khảo Lịch sử -
Phạm Trần Anh và các trang Khoa học Duy Lý Đông Phương, Doremon ....). Đọc và nghe đi đi nghe lại nhiều lần, HKbay mới có thể tổng hợp theo từng chủ đề muốn trình bày.

Chúc mọi người ăn Tết vui vẽ, tràn đầy niềm tin, lấy lại sinh lực để chiến đấu giữ vững Lạc Việt.

Hình ảnh nhiều nhưng để lại cho những bài đăng khác"

Hoàng Kỳ Bay