Thursday, January 14, 2016

Tản mạn về hoa mai ngày Tết. / Phạm Sanh PBC72



Mấy hôm nay, trời Sài Gòn se se lạnh, không khí Tết bắt đầu, cuối năm ngồi nhâm nhi bên tách cà phê nóng, lại thư thả nghĩ về bạn bè. Thời tiết năm nay cũng hơi ngồ ngộ, mùa mưa lại nắng ráo, tháng 12 lại đổ mưa tầm tã. Khóa 72 cũng dồn dập đủ tin. Tin vui Q. về, HT. sắp về. Tin không vui, cháu V., mẹ D., mẹ P. ra đi. Dẫu biết chuyện nắng-mưa, đi-về… cũng chỉ là cái lý âm dương, cái lẽ vô thường vô định của tự nhiên vạn vật đất trời, nhưng sao vẫn thấy “ông Trời” bất công nghiệt ngã. Chợt ngẩm triết lý vĩnh hằng bài thơ Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác, 

Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận, 
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai…”, 

tạm dịch 

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, 
ngoài sân đêm trước một cành mai”,  

lại muốn kể chuyện mấy bạn 72 về ngày xuân, về hoa mai.
Năm nào như năm nấy, khoảng 28 – 29 tháng chạp âm lịch, lại chạy Honda về Phan Thiết. Đi “phượt” kiểu này cũng vui, gặp nhiều vợ chồng bè bạn trai gái đèo nhau trên yên ngựa sắt lũ lượt về quê, ba lô túi xách nhét đầy đồ cúng rượu trà bánh mứt, vừa chạy xe vừa  quê ăn Tết đầy quà T chở nhau aihà Lý, "ấy bất công nghiệt ngãra đi.mưanhìn nhà cửa thiên hạ hai bên đường, ai ai cũng bàn thờ Thiên đỏ chói chuẩn bị đón rước Ông Bà, ngắm đủ loại hoa vạn thọ mẫu đơn hồng cúc hải đường trạng nguyên mồng gà… thi nhau khoe sắc trong ánh nắng xuân, chiêm ngưỡng các chậu bonsai uốn éo cùng các gốc mai vàng cổ thụ thân bám rong rêu cành đầy nụ xanh chuẩn bị bung hoa mừng Tết.
Càng xa Sài Gòn, phố xá nhà cửa càng thưa thớt, sinh hoạt càng vắng vẻ im ắng. Qua các nhà thờ xứ đạo Hố Nai, các dãy rừng cao su Hưng Lộc Trảng Bom Dầu Giây, vượt đèo Mẹ bồng Con là đến các vườn chôm chôm sầu riêng Long Khánh, rồi cứ thẳng đường Bảo Hòa, Ông Đồn, các căn cứ 3, 4…, ló dạng rặng núi Bể Mây Tào là sắp qua tỉnh Đồng Nai. Bắt đầu vào địa phận Bình Thuận, vượt qua vài xóm nhà khu vực trại giam Thủ Đức (địa danh rừng lá, nổi tiếng một thời), là tha hồ ngắm cảnh đồi núi chập chùng của Tân Minh. Con đường tiếp tục uốn lượn ngoằn nghoèo, qua dốc Nhà lá là đến ngã ba Bốn Sáu vào Lagi (xứ của P., HB., Đ., HĐ…), nghỉ chân ăn tô mỳ quãng hay bún bò gì đó, trò chuyện lấy sức.
Tiếp tục qua ngả ba Tà Mon, xóm lò gạch Km37, cầu Ông Hạnh… đã thấy xa xa rặng núi Tà Cú trong mây. Ráng vượt qua đám “rừng” thanh long trùng trùng điệp điệp của Tân Lập, Hàm Cường, Hàm Kiệm, nhìn hướng biển thấy dãy núi Ba Hòn là sắp đến Phan Thiết, thở phào nhẹ nhỏm, lại ngừng xe uống nước chụp hình nghỉ một chút…  Ba ngày gần Tết, nuânthỉnh thỏangn phảo nhẹ nhỏm.ậnàng nghèoắng sáng rát mặt, gió bụi đông bắc thổi rít từng cơn, đường quốc lộ 1 vắng lặng yên tĩnh hơn ngày thường, chỉ còn nghe tiếng gầm rú đuổi nhau của các chuyến xe đò cuối năm đưa người xa xứ về quê ăn Tết cổ truyền xum họp gia đình. Chợt nghĩ về câu thơ Quê hương là chùm khế ngọt của Đỗ Trung Quân mà nhói cả người, mấy chục năm quê nghèo vẫn nghèo, xứ giàu cứ giàu.
Ngày Ba tôi còn khỏe, năm nào cứ 30 Tết là tôi cùng ông đi chợ Tết xem bông hoa cây kiểng, vừa xem vừa mua để chuẩn bị cúng Tết đón rước Ông Bà. Trước 75, chợ Tết ở  khu vực đường Gia Long, sau 75 đổi là đường Nguyễn Huệ, những năm gần đây, chợ hoa dời qua đường mới Nguyễn Tất Thành, nghe nói năm nay còn dời xa hơn nữa về phía Bắc Phan Thiết. Ba tôi rất thích hoa mai, năm nào cũng ngắm nghía các gốc mai cổ thụ chở từ Bình Định vào, sợ các con nói tốn kém, ông chờ đến giờ cuối khi những người công nhân vệ sinh chuẩn bị dọn chợ đón giao thừa, lẳng lặng đi mua một hai gốc mai đẹp, rẻ thật nhưng có phần tàn tạ, về trồng ra đất sân nhà. Khi còn sống, Ba thường nói, Ông Bà gốc người Trung vào Phan Thiết lập nghiệp, nên Ba thích mai vàng 5 cánh miền Trung, mảnh mai nhưng lâu tàn, khẳng khiu nhưng hoa thơm thoang thoảng, cây dễ sống dễ trồng. Ân hận nhất, đến nay tôi vẫn không biết Ông Bà ở dãi đất miền Trung nào, nhưng chắc nơi đó cũng có gió cát sóng biển rì rào, có rặng dừa cao, có các bụi gai lưỡi long mọc xen dứa dại bìm bìm rau muống biển, có những người dân hiền lành cộc tính âm thầm chịu đựng cả đời.

 Người miền Trung thường thích cây mai, nhà nào cũng trồng mai trước sân, vì cây mai tượng trưng cho may mắn, cho ý chí vươn lên và cốt cách hơn người, cho niềm hy vọng khởi đầu một năm mới. Giống cụ Nguyễn Du, luôn coi mai là người bạn quý trọng thân thiết, "Nghêu ngao vui thú yên hà - Mai là bạn cũ hạc là người quen". Cây mai thích hợp nhất với thời tiết khí hậu miền Trung, đặc biệt từ Huế vào Bình Thuận. Thật ra cây mai cũng sống được ở miền Bắc, như rừng mai Yên Tử nỗi tiếng trồng từ thời các vua Trần. Cây mai cũng phát triển tốt ở vùng núi Tây Nguyên, các Tỉnh miền Đông như Tây Ninh Bình Dương Bình Phước…, miền Tây như Bến Tre, Đồng Tháp, Hà Tiên, An Giang… Cây mai dễ sống, dễ chăm sóc, chỉ cần đất trồng thoát nước tốt, chịu được nắng gió, hột lại dễ mọc thành cây con (trừ bạch mai mù u), dễ lai ghép tạo dáng, sống thọ cả trăm năm. Hoa mai nguyên thủy 5 cánh màu vàng, số 5 là thổ, màu vàng cũng là thổ, thổ là đất là trung tâm ngũ hành. Cho nên từ xa xưa, trong văn hóa Trung Hoa, cây mai tượng trưng cho sự chính trực, cho người quân tử. Cây mai miền Trung, do đặc điểm thời tiết khí hậu phù hợp, nở hoa đúng vào các ngày Tết, chứ không nở chậm như mai ngoài Bắc và nở sớm như trong Nam; cây mai gốc miền Trung lại mọc trong rừng trên các đồi núi đá nên chịu được thời tiết khắc nghiệt và dáng cây tự nhiên rất đẹp rất có hồn, thậm chí cây mai sống được ở các khu rừng thưa trên các động cát hoang hóa bán sa mạc ven biển, cánh hoa mai vàng phơn phớt mỏng manh đẹp thu hút lạ kỳ, vừa dân giả vừa quý phái. 

Việt Nam có rất nhiều loại mai như mai tứ quý (mai đỏ, nhị độ mai), mai chiếu thủy, nhất chi mai, mai trắng, mai vàng, mai hồng, … Mai vàng cũng có nhiều loại như mai rừng, mai động, mai sẻ, mai chủy, mai chùm gửi (mai vương, mai tỳ bà), mai ngự, mai giảo, mai thơm, mai châu (mai trâu), mai liễu (liễu hồng), mai huỳnh tỷ, mai cúc… Riêng vùng đất Bình Thuận thì có thêm 3 loại mai nổi tiếng, đó là mai Cà Ná, mai Vĩnh Hảo và mai núi Cố (núi Ngọc Sơn) Phú Hài.
Mai rừng Cà Ná là loại mai đặc trưng mọc tại khu vực núi đá Cà Ná. Loài mai này có thân nhỏ, èo uột, cành giòn dễ gẫy, lá hình bầu dục trơn láng và có răng cưa. Mai Vĩnh Hảo ở khu vực rừng núi Tuy Phong, tên Vĩnh Hảo gợi nhớ nguồn nước khoáng thiên nhiên nổi tiếng nhất Việt Nam. So với mai Cà Ná, mai Vĩnh Hảo cũng có thân cứng, lá nhỏ, hoa to phẳng rất lâu tàn, đặc biệt cây mai có trọng lượng nặng hơn cây mai thường, dân địa phương và người chơi mai quen gọi là mai đá.
Mai núi Cố ở khu vực núi Cố Phú Hài Phan Thiết, là loại mai thơm đặc hữu, gốc cành rất đẹp vì bộ rễ phải bám vào khe đá chót vót trên sườn núi cao, hoa màu vàng 5 cánh rất thơm, thơm đến nỗi nhà hàng xóm không trồng vẫn nghe thơm. Hiện nay rất ít người biết loại mai này vì không còn nhiều và chưa được nhân bản lấy giống. Nói Phú Hài, nhớ Lầu Ông Hoàng với câu chuyện tình Hàn Mặc Tử. Nói núi Cố, nhớ mộ Nguyễn Thông, một nhà khoa bảng trí thức cả đời yêu nước thương dân đã chọn Phan Thiết làm quê hương thứ hai.
Gần ngày Tết, người dân Bình Thuận thường có phong tục rủ nhau đi chặt vài cành mai rừng về ăn Tết, các vùng núi đá còn rừng thưa ven sông suối đều có mai vàng, từ Cà Ná Vĩnh Hảo Sông Lòng sông Phan Dũng, đến Phan Sơn Phan Lâm Sông Lũy Đông Tiến Sông Quao Ma Lâm, tận Ba Bầu Tà Cú Tân Minh hoặc Sơn Mỹ Cô Kiều Suối Kiết Lạc Tánh…, đâu đâu cũng kiếm được vài nhánh mai rừng đẹp, đem về thui gốc, lặt lá đúng ngày tùy thời tiết từng năm, chờ xem bao nhiêu hoa mai nở, lấy hên những ngày đầu năm mới.
Cách đây hơn 20 năm, lúc đó HNL. còn sống, hai thằng cứ vào tháng 2 tháng 3 sau Tết rủ nhau đi đào mai núi Cố về trồng. Gửi xe tại xóm dân biển gần chợ Phú Hài, mang cần câu cá, xà beng, bao nilon lớn (bao đựng gạo), lon guigo cơm nước, đi dọc theo bờ biển hướng về mủi đá Ông Địa, vừa đi vừa thả cần câu đám cá căn cá đục vào bờ ăn mồi biển êm buổi sáng. Đến gần núi Cố thì dừng lại, buông câu, chờ đến trưa, nước ương gió thổi mạnh cá hết ăn, dấu cá câu được dấu đồ nghề câu, leo núi đào mai. Mai núi Cố thường mọc nhiều các sườn núi phía Nam và phía Đông. Cứ đi theo đường mòn của người dân lên núi kiếm củi, bám rễ cây hốc đá leo lên đến lưng sườn núi khoảng nửa tiếng đồng hồ là đến nơi mai mọc nhiều, tìm bóng cây lùm bụi ngồi uống nước thở lấy sức, sau đó chia nhau các hướng tìm cây mai vừa ý để đào. Muốn bứng cây mai về trồng, phải đi vào mùa này, các tháng khô nhất trong năm, cây mai trụi gần hết lá thấy thương, rễ cây đang chờ các giọt mưa đầu mùa thấm đất tạo chất dinh dưỡng để bung chồi lá non, bứng nguyên bầu rễ về trồng sống là chắc.
Nói dễ nhưng đào mai núi Cố cực lắm, phải dùng xà ben nhọn xắn xung quanh gốc mai thật chậm, moi từng cục đá hết sức cẩn thận, vì bể bầu là coi như bỏ cây, trở về số “0” làm lại từ đầu. Đào mai mùa khô, đất núi lẫn đá dăm ôm chặt rễ các loại cây rừng, rễ cái cây mai lại ăn sâu ngoằn nghoèo, nắng gắt mệt mõi dễ nóng tính hấp tấp, xác suất không bể bầu chỉ 30% là mừng. Tìm được cây mai để đào đã khó, đào xong đưa vào bịch nylon sao cho không bể bầu còn khó hơn, nhưng chán nhất là khi đem cây mai xuống núi bị trợt chân té ngã, xem như công sức cả ngày trời công cốc một khi “bầu đã bể”. Cây mai về nhà được cho vào chậu hoặc trồng ngay trong sân đất, dáng đã đẹp nên cũng không cần uốn sữa làm gì. Các cây mai đào núi Cố đem về, tôi trồng vẫn còn sống, không nhiều hoa như các cây mai bán chợ Tết nhưng vẫn cho hoa thơm phức đều đặn từng năm. Không biết nhạc sỹ TCS có đi lên núi đào mai chưa mà Ông lại sáng tác mấy câu “Hòn đá lăn trên đồi, hòn đá rớt xuống cành mai…” hết sức ngộ nghĩnh, đúng tâm trạng.

Chuyện “thất bại” về mai với tôi cũng nhiều lắm, như chuyện phát hiện cả rừng mai rừng cổ thụ cao hàng chục mét mọc dày đặc ven sông La Ngà khi đi khảo sát thủy điện Đan Sách những năm 80, vội nhờ người dân tộc chặt cành đem các nhánh mai đường kính bắp chân chở đầy xe Ouat, vượt núi rừng cả trăm cây số từ Đông Giang về Phan Thiết chơi Tết, rốt cuộc không nhánh nào trổ hoa, năm này tôi xui tận mạng, mai không nở hoa cũng là điềm xấu. Hay Tết cách đây vài năm, khi lên chùa Gò (chùa cây Mai) Phú Lâm vái Phật xin xăm Ông, thấy các hột cây bạch mai của chùa rơi đầy mặt đất, tôi xin các Sư đem về trồng, các Sư không cản nhưng nói khéo, khó trồng. Về nhà, theo dõi chăm sóc cả năm, không thấy hột mai nào động tĩnh nẩy mầm, lên mạng internet mới biết loại mai trắng (mai mù u hay nam mai) này “tự sinh tự diệt’, chỉ mọc được ở một ít đình chùa có duyên, mình lại không có duyên. Trong phong thủy, trồng mai trong nhà là tốt, nhưng hết sức cẩn thận khi chăm sóc, vì sự phát triển sống còn của cây mai có mối quan hệ chặt chẽ với sức khỏe, hạnh thông của gia đình, chưa giải thích được. Giá được như ca sỹ NT/TTT, đóng đồn ở gần rừng mai thì khỏi chặt khỏi bứng khỏi trồng khỏi hồi hộp lo sợ chi cho mệt.
Lại hết năm, nhái bài lý cây mai, xin gửi đến người bạn thân xa xứ biền biệt lâu nay vẫn chưa thấy về…

Bông mai vàng tiễn nàng xa xứ 

Anh ở quê nhà anh cứ đợi trông 

Mai vàng nở rộ mùa bông 

Em xa mà chẳng.. trông mong ngày về.

Sắp qua năm con Khỉ, xin được chúc các Thày Cô, mấy bạn 72 (đặc biệt bạn PVM, Phú Hài, từ lâu không nghe tin tức) và các anh chị đã từng ngồi ghế PBC, dù đường trường xa trong khó khăn không ngại gì, cứ thẳng đường mà tiến, leo nhanh càng cao càng tốt (nhớ, phải có đường và còn rừng để leo).

Phạm Sanh, 72PBC


No comments:

Post a Comment