Tuesday, October 31, 2017

Những người Thày thời đại học

Đáng lẽ, những mẫu chuyện này nên viết vào dịp ngày lễ Thày Cô 20/11, nhưng đang rãnh, viết sớm hơn một chút.
Năm nay, Bách Khoa (Phú Thọ xưa) kỹ niệm 60 năm thành lập, tôi không dự được, bận đi dạy kiếm cơm ở Mỹ Tho, mà cũng chả đứa nào mời, bọn nó chỉ mời toàn quan chức đương thời và những vị hảo tâm cho tiền, còn lại SV từng lớp tự lên mạng a lô í ới rủ nhau về trường cho vui. Cũng không trách bọn trẻ trâu hiệu trưởng khoa trưởng thời nay, năm mình vào trường, bọn hắn còn chưa đẻ, lại thắm đuộm mùi màu xã hội chủ nghĩa origin. Cũng nhờ vậy, ngày hôm sau, nhóm học trò khóa 77 mà mình có dịp dạy sau 75, rủ Thày uống cà phê... Lớp em có lớp trưởng THB về, tìm khắp không thấy Thày, tưởng đi theo Thày Quang... Té ra bọn nhỏ U60 tưởng tui chết mời uống cà phê để thăm dò. Cũng nhờ vậy biết tin Thày Quang chết được ba ngày thì trường kỹ niệm 60 năm.
Thày Trần Minh Quang người Phú Yên đi tập kết về dạy môn công trình Cảng. Các cảng của Bình Thuận, Thày đều tham gia nghiên cứu khảo sát thiết kế như cảng Phan Thiết, cảng Lagi, cảng Phú Quý... Công Thày rất lớn ít người biết, lúc Thày còn làm trưởng khoa thời u ám, Thày giúp rất nhiều giáo viên gốc trong Nam “lý lịch xấu” được đi học tiến sỹ, với cách làm hết sức “sáng tạo”, Thày gửi đề nghị lên nhà trường, đứa nào lý lịch tốt gửi học Liên Xô và mấy nước XHCN, còn mấy đứa lý lịch xấu cho đi mấy xứ Tư bản học cho biết mùi bóc lột. Thế là mấy ông bà lãnh đạo nhà trường mắc lởm.
Còn một Thày người Quãng Trị, giúp Thuận Hải (Bình Thuận và Ninh Thuận) quy hoạch khá nhiều công trình thủy lợi như hồ Sông Quao, hồ Sông Lòng sông, hồ Đại Ninh, hồ Nha Á... Thày tên Nguyễn Xuân Trường, một nhà khoa học thủy lợi đúng nghĩa, mất sớm. Ngày viếng tang Thày, một vòng hoa tươi của ban giám hiệu, ghi dòng chữ có câu... Đồng chí NXT, khoa trưởng khoa Công chánh, nguyên đối tượng đảng... Lúc Thày còn sống, có lần Thày tâm sự, gia đình ở lại trong Nam có mấy trăm mét vuông đất cát bạc màu mà cũng bị gán là địa chủ, phải còng lưng phấn đấu cho tụi nó suốt đời.
Thật ra sau này, tìm hiểu thêm, mới biết rất nhiều Thày, tập kết về không đảng không phó tiến sỹ không ngóc đầu lên nỗi chỉ vì mỗi một cái tội không có thật, gia đình thành phần ác ôn phú nông địa chủ. Mấy Thày về từ miền Bắc mà còn khốn khổ như vậy, huống chi mấy Thày trong Nam ở lại sau 75 và cả đám sinh viên gốc miền Nam thì chịu đời sao nỗi, dù muốn an phận thủ thường.
Những ngày Thày Lê văn Danh sắp vượt biên, Thày cứ lại gần chỗ tôi ngồi, muốn nói một cái gì đó, nhưng rồi cứ cười hỏi chuyện soạn giáo trình giáo án buâng quơ. Một buổi chiều, Thày ôm khệ nệ cả chồng sách trắc địa tiếng Anh, cả luận văn tiến sỹ, tôi còn nhớ tên đề tài, ứng dụng phương pháp phần tử hữu hạn (FEM) tính ổn định đập thủy điện Trị An, tại trường đại học Khoa học Sài Gòn (trước 75, Phú Thọ chưa đào tạo tiến sỹ), nhờ tôi “xem” giúp Thày. Mấy ngày sau không thấy Thày vào bộ môn nữa. Không may mắn như những người khác, Thày Danh không đi tới nơi. Tiếc cho một người Thày hiền từ, nhà nghèo xứ Cần Giuộc Long An, cần cù học lấy tiến sỹ trong nước, làm tới chức Thứ trưởng Bộ Công chánh trước 75.
Trừ Thày Danh và mấy Thày cùng đi trên chiếc tàu xấu số như Thày Thủy, Thày Danh con (để phân biệt với Danh cha), tất cả các Thày khác ra đi  đều thành công. Ở lại thì bị phân biệt đối xử, học chính trị mút mùa, tương lai không có. Nhưng khi qua đến xứ người, nhiều Thày vẫn nhớ về trường xưa. Có Thày Nguyễn Triệu Đồng, qua Pháp dạy trường Grenoble, tháng lương đầu tiên, mua ngay một chiếc máy tính gửi về cho khoa Công chánh, chiếc máy tính đầu tiên của trường Bách Khoa TpHCM, vì chiếc máy IBM 360 được Mỹ viện trợ năm 74 đã bị tháo gở đem ra ngoài Bắc từ những ngày đầu. Sau này, được biết Thày Đồng  còn nằm trong ban cố vấn cho Tổng thống Pháp  giúp cho rất nhiều thày cô BK qua Pháp lấy tiến sỹ, âm thầm không ai biết, như mối tình âm thầm của Thày với  cô giáo khoa Hóa  AT còn ở lại VN.
Còn một Thày cũng tốt như Thày Đồng, đó là Thày Trần Xuân Danh, từ Khoa Tạo Tác Đại học Huế chuyển vào Phú Thọ. Nhờ có người cha tập kết ngoài Bắc về, Thày Danh vẫn được làm Tổ trưởng bộ môn Sức chịu vật liệu. Nhưng oái ăm, Thày không bền như vật liệu, chịu không nỗi môi trường luôn bị theo dõi rình mò, Thày tìm cách  vượt biên qua Úc (nhớ Thày Lâm Lý Hùng ở đại học Khoa học cũng vượt biên qua Úc, không biết còn sống hay chết). Vậy mà sau này, vẫn khệ nệ ôm cả đống sách tiếng Anh về tặng bộ môn, dù chả ai thèm đọc, có hiểu đâu mà đọc.
Thày Danh cũng chưa “hay” bằng Thày Phan Việt Ái. Lấy TS môi trường ở Mỹ, về Phú Thọ 73, qua lại Mỹ 75, làm thêm một bằng TS kinh tế. Có tiền, về Trung Quốc giúp mở sàn chứng khoán, qua Hồng Kong đầu tư bất động sản. Cuối đời cũng lò dò về VN lên mạng lấy bút danh Alan Phan dạy mấy đứa nhỏ kinh tế ngân hàng làm giàu chân chính, hứng tình cải lộn đụng chạm mấy tay bá hộ cướp đất phá rừng cở như bầu Đức, chạy lại sang Mỹ đột quỵ mà chết.
Không phải Thày Bà ở đại học ai cũng tốt trơn tru hết đâu, cả Thày miền Nam lẫn Thày miền Bắc vào. Trước 75, năm thứ nhất học toán giải tích thày Võ Thế Hào. Thày lấy tiến sỹ ở Bỉ, về VN dạy đại học Khoa học, mấy Ông Đặng Đình Áng, Lâm Lý Hùng, Trần văn Tấn, Nguyễn Đình Ngọc... xem chẳng ra gì, Thày Hào phải về trường Phú Thọ dạy toán giải tích. Thày dạy rất hăng say nhưng ít đứa hiểu, may nhờ Thày Lê Kim Đính assistant. Hôm cuối khóa, chỉ mấy thằng đi học, Thày nói lấy vở ra ghi chép kỹ bài giải đề thi Thày cho, nhớ đừng để mấy đứa trốn học biết. Đề thi đúng y chang những bài Thày đã giải, cả lớp chép lia lịa. Ngày trả bài, rớt sạch. Thày cười ác độc, tôi biết thế nào các cô cậu cũng thương nhau.
Thày ngoài Bắc về có Thày Huỳnh Chánh Thiên, dạy môn kết cấu bê tông cốt thép, phong cách sư phạm quá tuyệt vời. Có lần, tính toán vết nứt một bể chứa nước BTCT bị rò rĩ, tôi xem lại tài liệu học Thày, không thấy một hệ số thực nghiệm để đưa vào công thức tính. Chắc là hôm đó ngũ gục, bèn điện thoại gấp cho Thày để hỏi. Thày trả lời nhanh, biết ngay thế nào mấy cậu ra đời cũng xin hệ số này, vì tôi có dạy đâu... Xin số liệu là tiền, không còn chỉ là tình thày trò đơn giản.
Kể vui vậy thôi, võ nghệ mấy Thày già sao bằng mấy Thày trẻ sau này, võ công còn độc chiêu hơn nhiều.

Sau 75, thời chưa “đổi mới”, đi các nước CS học lên phó tiến sỹ chỉ chọn con em CM, học để về làm lãnh đạo, thay thế dần nhóm cha anh a bờ cờ. Thời đổi mới, đi học nước ngoài đủ dạng đủ kiểu nhưng cũng 90% là hơi hớm con cháu phe ta, đi học bằng tiền hối lộ, tiền ngân sách nhà nước lấy từ tiền thuế. Dân thường, thường là nghèo, ở VN vài chục nghìn đô  một năm không nhỏ chút nào, tiền đâu mà cho đi học, cô giáo dạy 32 năm về hưu nhận đúng 1,3 triệu một tháng, ăn cơm còn không đủ. Thế mà, Tây Tàu Nga Mỹ Úc Phi Hàn Nhật U Ấn Thái Mã..., tiến sỹ đủ cở đủ kiểu. Ngày nay, mỗi trường đại học cở như Khoa học, Bách khoa có đến vài trăm tiến sỹ, không thằng nào nể thằng nào vì thật ra không thằng nào biết thằng nào. Thày chết còn không biết mà đi đám. Không như trước, chỉ vài Thày tiến sỹ, nhưng sinh viên suốt đời không quên ơn, dù xã hội thay đổi thế nào. Các Thày Phạm Hoàng Hộ, Trần văn Tấn, Lê văn Thới, Nguyễn Chung Tú, Lý Công Cẩn, Nguyễn Thanh Khuyến, Trần Kim Thạch, Đinh văn Hoàng, Mai Trần Ngọc Tiếng (cô), Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Doãn Phi, Phạm Trọng Qui..., mất ở xứ người hay trong nước, SV đầu bạc các khóa đều khen về đức độ lẫn kiến thức và ai cũng tiếc nuối. Đúng là kết quả của một nền giáo dục “nhân bản, dân tộc, khai phóng”, chỉ tồn tại 20 năm, nhưng so với nền giáo dục trên 60 năm hiện nay, ai cũng thấy rõ...
Nói vậy thôi, một giờ một đời cũng là Thày. Mà mình cũng đang là thày, nói xấu nhiều, không khéo nhân quả. Xã hội nào con người ấy, thày nào trò nấy. Nhiều khi đối xử Thày Trò đại học vẫn có quan hệ đồng nghiệp tương lai, khác với tình cảm Thày Trò trung học, gieo hạt trồng cây nhưng không hề mong hái quả. Như bạn đại học cũng không vô tư như bạn trung học.
Rất tiếc, bài viết vội, không kịp hỏi thăm Trần văn Hùng sức khỏe các Thày Cô bên đại học Kinh tế ( Luật khoa xưa) và cả Minh A về các Cô Thày bên Nông Lâm Súc.
Sắp tới ngày Thày giáo, chúc sức khỏe và mong những gì tốt đẹp nhất đến với các Thày Cô Phan Bội Châu năm xưa ngày nào. Cả luôn sức khỏe các bạn hiền, đặc biệt mấy ông bà 72 đã và đang là nhà giáo như TVH, NVT, TVB, TPS, NQT, DTTS, DVS, HVT, PĐ, NMM, HS, LTS, NTH, NTM, BTD, ĐTB, NDHD, NVT, VTT, NT, anh em H-C... (nhiều quá, nhớ không hết).

Phạm Sanh, 72PBC

Thursday, October 19, 2017

Đường Đinh Tiên Hoàng - Tín Nguyễn PBC72

Đỗ dốc cầu Quan từ bên vườn bông Lầu Nước qua phố, người lái xe đi sao cũng được  thoải mái xuống dốc. Ở đây không thấy có một tấm  bảng cấm hay chỉ đường giao thông nào. Nhưng cũng phải cẩn thận coi chừng, để ý những người đi xe đạp. Có người co giò ra phía sau hoặc có người đưa chân ra phía trước dùng chiếc dép kẹp bang cao su đang mang, đặt trên vỏ xe làm cục gôm thắng, ma sát để hãm tốc độ lúc lao xuống dốc. Những chiếc xe ngựa về Phú Long, Phú Hài, Phú Nhang, Đại Nẩm lên dốc ì ạch, người đánh xe nhảy xuống đường ghì cương ngựa mỗi lần đổ dốc. Con ngựa sùi bọt mép. 
Đường  bên phải là con  đường chính Lê văn Duyệt. Dài dài rẽ phải vô những con đường Bến Trưng Nhị, Phan huy Chú, Lê Lợi, Nguyễn trường Tộ và nối dài  đường Nguyễn tri Phương ra Ngã Tư Quốc Tế.   
Đường phố bên trái ,con đường chính là Nguyễn văn Thành. Dọc con đường này bên trái rẻ vô những con đường Bến Trưng Trắc, Duy Tân, Nguyễn thái Học, Tự Đức và chấm dứt ở đường Đinh tiên Hoàng hay tên thường gọi là đường Công Xi Rượu. 
 Góc đường ĐTH và Gia Long là tiệm nước Nam Nhất Viên. Chị Năm Lựu bán cháo và xôi vịt trước tiệm nước vào lúc xế chiều. Hôm nào bỏ cơm chiều ra đây ăn cháo. Một tô cháo nóng hổi lấy đùi vịt, có bỏ hành ngò, sang hơn thì thêm bộ đồ lòng. Gan, mề, tim, được bó chung lại bang ruột vịt cuốn tròn. Một đĩa rau sống ăn kèm có khế chua, chuối chát. Một chén nước mắm gừng màu đỏ của ớt  đẹp quá. Mỗi món ăn ở PT có một thứ nước mắm riêng để chấm hay chan vô. Nước chấm làm món ăn them đậm đà, cả hai hoà với nhau rất hợp và cân bằng như một bài nhạc giao hưởng. Và người Phan Thiết đi xa nhớ quê nhà cũng vì đây. Hàng cháo vịt bán hết nhanh lắm. Đài phát thanh lầu nước chấm dứt bản tin trong ngày hay một bài hát cuối cùng của ca sĩ địa phương Dân Mạnh Tân ở Cồn cỏ hát xong, là lúc chị Năm Lựu dọn dẹp về nhà. Người đi coi chiếu bóng về trễ tiếc vì không được thưởng thức một tô cháo vịt nóng dằn bụng làm êm giấc ngủ.
 Chị Mìn, con gái Bác chủ tiệm Nam Nhất Viên, coi trong coi ngoài. Ba chị dạy cho cách làm bánh nướng hạnh nhân, bánh cam và nhiều loại bánh khác. Trên mỗi bàn đều có một đĩa bánh để khách uống café ăn bánh. Hủ tiếu, xíu mại, bánh bao mặn, ngọt cũng do một tay chị làm. Tiệm không bị nắng chiều, ngồi đây gió hiu hiu từ sông Cà Ty thổi lên, uống ly cafe đá ăn cái bánh làm tỉnh người sau giấc ngủ trưa. Ciesta. 
Bước ra khỏi tiệm chỉ hai bậc tâng - cấp là xe bún long bò của vợ chồng chú Ba Điệu. Tô bún thoảng mùi thơm ngũ vị hương. Gắp một miếng lòng chấm tương ớt hoà với tương đen hoysin sauce kèm với một lá rau húng cây, ùm một miếng sao mà ngon quá ! Một vài anh, chú, "parking" chiếc xích lô hay xe lôi trước tiệm thuốc bắc Trường Thọ Đường hoặc  bên kia đường trước tiệm may Mai Xuân Trượng, kéo vào đây kêu tô lòng bò làm mồi lai rai vài sợi để thêm sức chạy những cuốc xe chiều tối. Vợ chồng chú Ba Điệu còn có hàng bánh mi xíu mại bán khuya trước phòng ngủ Anh Đào sau khi bán xong bún lòng bò. Viên xíu mại thơm mùi ngũ vị hương viên to đùng, khác với viên xíu mại thường thấy ở những hàng khác có to lắm cũng bằng trái banh đánh  golf.
Bên cạnh xe bún bò, có xe bán vịt quay xá xíu. Mua về ăn cơm. Thịt xá xíu chặt ra  từng miếng đủ lớn bỏ vừa vô miệng, gói lại bằng lá chuối, chan thêm tương tàu xì thêm bột năng sệt sệt. Mua năm cắc ổ bánh mi chan tương thôi, cũng  làm những đứa học trò trường Liên Hoa của thầy giáo Nhiều mê ly sau buổi học đi về đói bụng. Nhìn quanh  Phan thiết không có  xe vịt quay xá xỉu nào khác, ở đây độc quyền tôi đặt tên nơi bán là BBQ King. 
Bước tới là tiệm phở Tam Ích. Rồi nhà Anh Hai, anh của anh Tô chí Hoà tiệm sắt Tô Lâm, bán đồ điện và ống nước (hardware). 
Nhìn qua bên kia đầu đường là tiệm nước Tân Phương Viên. Ở đây bán đồ ăn sáng uống cafe như bên Nam nhất Viên nhưng đặc biệt trước tiệm có chiếc xe bán cơm gà rất ngon có tiếng. Lâu rồi không nhớ tên người bán chỉ nhớ chú có cái bớt đỏ trên mặt. Xe treo những con gà luộc da vàng tươm. Gà chạy bộ, đi bộ free range cho thịt săn chắt không như gà nuôi kỷ nghệ thịt mềm. Mấy con gà Mỹ lông trắng rất đẹp được người Phan thiết huấn luyện thành gà đi bộ, không còn phải song trong những ô chuồng chật hẹp, ăn thực phẩm chế biển sẵn suốt ngày đêm bị đánh lừa đêm ngày bang những bóng đèn tròn thắp sáng không bao giờ tắt. Những con gà này  có thói quen chỉ nằm chờ đồ ăn trộn sẵn. Để huấn luyện thành con gà đi bộ mà cũng không bị ốm thịt, cho nó đeo chiếc dép cao su vô chân . . Nằm xuống không được vì cấn chiếc dép nên phải đi cả ngày kiếm ăn. Nuôi cách này chắc là hội bảo vệ súc vật hài lòng vì rất nhân bản humanly ??.
Cơm gà chặt miếng chan thêm nước mắm tỏi ớt, ăn có thêm chút rau răm mới ngon. Không như cơm gà Hội An thịt gà được xé sợi. Nghe nói về sau chú dời về bán trong nhà, đối diện  nhà nghệ sĩ Mai Hiếu, cách vài căn nhà của  hoạ sĩ Chí Cường, ở ngã tư đường Nguyễn thái Học và Minh Mạng. Khách vẫn đông nếu đi chậm sẽ không còn. Chú qua đời, con gái chú tiếp nối. Khách cũng còn đông như ngày nào. Một thời gian quán cơm gà đổi thành quán bán cơm chay. Khách vẫn theo. Rồi có một ngày kia cô bỏ quán bỏ hàng bỏ nhà xuống tóc đi tu. 
Bên cạnh xe cơm gà là một hàng bánh căn. Kế đó là tiệm cắt tóc của anh Ngảnh. Người em trai  của anh Ngảnh, thợ cắt tóc trong tiệm, lưng gù, có mái tóc đợt sống mới. Tóc uốn dợn sóng, chải bồng trọn gói như tấm bảng bên ngoài ghi Cắt, Uốn, Ép, Gội, Sấy,   Nhuộm. 
Như tiệm uốn tóc Tân Mỹ Lan của anh Sồi trên đường Lê văn Duyệt và tiệm Hồng Kông ở Ngã Tư Quốc Tế, trước tiệm cũng có treo hai cây đèn hình ống. Cắm điện, cái rouleau có hình vẽ những đường xoắn ốc chung quanh, đặt bên trong, nó  quay làm có cảm tưởng như những sợi ribbon uốn éo lên xuống sẽ không bao giờ dừng. 
Đối diện là tiệm billard anh Buột có bán thêm xe đạp. Anh bị hư một con mắt và một thời là cơ thủ xuất sắc của Phan thiết. Tiệm tập trung thanh niên trẻ, mặc quần bó sát, áo chemise vạt bầu mang giày mũi nhọn. Nếu bỏ áo vô quần nhìn chiếc áo rộng như áo D'Artagnan trong  Ba chàng Ngự Lâm Pháo Thủ. Anh BaTy Trần duy Quang, anh Cấm, anh Hoàng Trắng, anh Hoàng Đen, anh Tư Nghĩa Đen, anh Vinh thầy Quang, anh Toản, anh Lê hoàng Thanh, anh Cao, anh Khói Hương, anh Hùng em anh Thạch Ù.... Billard Khánh Long cũng là nơi các anh thích tới. Một máy hát đĩa than pick up có chân đứng kê sát vách tường phát ra những bài nhạc Pháp hay của thập niên 60s như ToutL'Amour ,Bambino, La Plus Belle Pour Aller Danser, La Nuit, Tous les Garcons et Les Filles, Capri C'est Fini La Vie en Rose, Les Feuilles Mortes. .   etc...
Nhắc tới anh Buột cũng không quên nhắc tới Ông Thượng cũng là một cơ thủ có lần vô địch miền Nam. Ông về Sài Gòn mở một tiệm billard trên đường Nguyễn Trãi Q.5 đổi diện xéo ngang trường Bác Ái (Fraternité Collège) Tiệm sáng sủa  sạch sẽ, được nghe Ông giải thích vì sao những bang (bandes, cushions) cao su của bàn bi-da luôn luôn được hâm nóng bằng đèn bóng tròn để không bị cứng và có effet khi những trái banh đựng vào. 
Bây giờ người ta đánh billard 4 trái. Banh xếp "đùi gà "không dễ ăn, chỉ tính điểm khi trái banh đánh đi phải đụng đủ 3 hay 4 băng. Càng ngày người ta càng làm khó nhau với nhiều luật chơi cho vui. 
Hai bên đường Công Xi Rượu  có một vài cái sạp cao ráo, đa phần người ta trải những tấm bạt nylon trên mặt đường bán rau quả. Lần bước tới là tiệm thuốc sắc Quang Trung góc đường ĐTH và Minh Mạng. Bước qua đường là dãy nhà chị Hồng Kông đeo kính trắng, chị Thanh, chị Bạch. Đối diện là công xì rượu có nhà của Châu, kế bên là nhà HT Hoàng, HT Huy. Trong nhà treo trên vách mấy bộ găng boxing. Hoàng to con như" Mohamed Ali " tôi chẳng dại gì so gắng với Hoàng.
Đứng ở Ngã Tư Lý Thường Kiệt Công xì rượu bên góc đường có cây dừa, chợt  nhớ những đêm có tiếng rao hàng bánh mi  chả lụa cá  gói lá chuối ủ nóng độc đáo của Phan Thiết. Rồi những đường quyền Mai hoa, Phụng hoàng của Lộc È trong sân tập võ bên ty Thanh Niên. 
tng 

Saturday, October 14, 2017

Ngã Ba Cây Gòn, Ngã Tư Quốc Tế - Tín Nguyễn PBC72

Trong hình học, hai đường thẳng song song cắt bởi một cát tuyến tạo những điều lý thú mà hơn trăm năm vẫn còn hữu dụng. . 
Hai con  đường song song Gia Long và Nguyễn Tri Phương cắt bởi con đường Ngô Sĩ Liên tạo hai góc phổ ngã tư được người Phan thiết đặt tên Ngã Tư Quốc Tế. Không như những góc cắt trong hình học thuần lý trí, những góc cắt này tự nó mang tên những con đường, góc phố của tình cảm, kỷ niệm một thời  và tâm tư vương vấn. Nó có là trăm năm theo dòng lịch sử địa phương ? 
Mà sao là Quốc Tế? Trong một nghĩa hẹp, nơi đây người ở Đức nghĩa, Phú Trinh, Đức Thắng, Đức Long, Thanh Hải. .. tụ về đây  gặp nhau uống một ly café , ăn cái gì đó để bắt đầu một câu chuyện và cũng bắt đầu một ngày mới. 
Ở một nơi khác. Những người con Phan thiết xa xứ đi học, đi làm ăn , buôn bán ở Sài Gòn họ sống gần nhau ở khu Đề Thám hay còn gọi khu Ngã Tư Quốc Tế mà ngày nay có tên Khu phố Tây. Ai đó về quê ngồi đây uống ly xay chừng chợt nhớ nơi một thời mình đã sống xa xứ rồi đặt tên theo Ngã Tư Quốc Tế. Kỷ niệm chồng lên kỷ niệm.
Xin đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau, cha tôi ngồi xem báo, mẹ tôi ngồi đan áo  bên cây đèn dầu hao.... Ham chơi với bạn trong xóm, nghe có  tiếng còi tàu mà không nghe tiếng mẹ gọi về. .. .. Là kỷ niệm của Phạm Duy.
Đường Ngô Sĩ Liên bắt đầu ở ngã ba đường Võ Tánh và Phan bội Châu. Ngã ba cây gòn. Đầu đường là Hội thánh Tin lành không còn hoạt động, làm kho chứa hàng của chành Nam Phong. Chành là hệ thống chuyến hàng, thư tín của người Tàu có người đứng ra sắp xếp, coi sóc mọi hoạt động chở hàng đến và đi gọi là tài phú. Hoá đơn hàng gọi là toa. 
Một ông già người Tàu  dáng cao, ốm làm tiệm giặt ủi bên cạnh. Mỗi lần vô đây lấy đồ giặt ủi,  áo quần lính trận ủi hồ, thường thấy ông nằm trên bộ ván một, bên bàn đèn. Ngọn đèn yếu gần muốn tắt, ông nằm nghiêng, như đang chơi sáo flute, miệng ngậm cái dọc tẩu dài bang gỗ đã lên nước, đặt trên ngọn đèn. Nhả khói làm mấy con thằn lằn trên vách im tiếng tặc lưỡi, không còn muốn rượt đuổi  nhau trên vách, lâng lâng còn muốn té, chỉ  nghe nói vậy. Mọi việc trong nhà đều có cô con gái lo toan, Cô ít khi ra ngoài, hiền và dễ thương, có làn da trắng . 
Tiếng hàn xì, tiếng búa đập trên những thanh sắc, trên éteau nghe chát chúa. Bên cạnh tiệm giặt ủi,   tiệm làm cửa sắt của chú Cù Lủ rất bận rộn. Bên kia đường cũng có tiếng búa gỗ gõ trên những tấm thiếc để gò làm ra những sản phẩm từ thiếc như  thùng gánh nước hay thùng nước tưới cây. Và nhôm để làm soong. Theo trí nhớ, ở  Phan thiết chỉ có vài tiệm làm thùng thiếc. Một tiệm trên đường Nguyễn tri Phương, đường có lò bánh mì Trung Nam, là nhà của Đây, tai đeo khoen, nhà nuôi nhiều chim, là bạn học ở  trường Liên Hoa của thầy Giáo Thẹo hay còn gọi tên Thầy giáo Nhiều, một tiệm ở góc đường NSL và LTK, một tiệm ở đầu vô chợ Bình Hưng. 
 
Trong nước tin tức chính trị, chiến sự xảy ra dồn dập chừng nào thì  quán café Phú Ngữ càng đông. Chưa kể những lúc có đội banh ở Sài Gòn ra như đội Quan Thuế, Ngân Hàng, CSQG hay những đội banh có cầu thủ trẻ Phan Thiết được chọn trong đội banh đá quốc tế  như Kế Mập đá hàng thủ của đội Ngân Hàng, Tùng ba - đờ -ghe đá hàng công của đội Phan Thiết. Thầy Châu dạy Pháp văn nói tiếng Pháp không có chữ badoghe mà chỉ có chữ Croix de Guerre, Bắc đấu Bội tính. Người ta thấy những "soccer stars ngồi đây như Mỉn, Néo, Thơm, Duy Phối, Phát  (goalee) Chín K (goalee)...Trước trận đấu, sau giấc ngủ trưa,  người hâm mộ đá banh  ra đây  ngồi quanh bàn uống cafe đá,  "đá " trước  với nhau một trận cũng sôi nổi lắm trước khi dắt nhau qua sân vận động Quang Trung xem trận đá thiệt. Những lúc này đường HTLO vui lắm, người đông ơi là đông.
Có những bác lớn tuổi xem uống café là "đạo".Hàng ngày bận rộn với công việc chỉ cởi trần mặc quần đùi đi chân không. Vậy mà sáng sớm diện rất đàng hoàng mặc  bộ pyjama đen hay trắng, chân mang đôi guốc vong đến Phú Ngữ cho cử café sáng. 
Phú Ngữ là tên con trai lớn của chú Bảy Xin, Phạm Phú Ngữ. Café ở đây hấp dẫn hơn từ ngày chú Bảy cho thêm chút xíu bơ vào ly café vợt. Không nhiều. Café chế vô ly từ cái ấm siêu, một cây tăm cắm vô cái lon có  màu sơn  đỏ của hộp beurre Bretel rồi để vô ly. Màu vàng của bơ tan nhanh làm ly café nóng có mùi thơm ngon. Để theo  cho kịp chú Bảy, quán cà phê của chú Bảy Hố trên đường Võ Tánh và quán của chú Ba Bụng phía sau chùa Quãng Đông đều chế cà phê thêm bơ, mà phải đòi cho được beurre Bretel. Người Việt chuộng hàng Pháp có lẻ không có nhiều chọn lựa. Fromage phải là La Vache Qui Rit. Một cách quãng cáo sản phẩm có phải nhà sản xuất đã  lấy tên tác phẩm L'Homme Qui Rit của Victor Hugo để người tiêu dùng dễ nhớ. 
Chú Bảy trước đó làm giặt ủi. Đi ngang qua nhà Chú thấy những thỏi sắt nặng có hình cái bàn ủi, có quai cầm phía trên được nung nóng trên lò than cháy hồng. Đúng là những chữ  iron, pressing trong tiếng Anh rất tượng hình dành cho ủi. Chú mở thêm tiệm cho thuê sách mà nhiều người đến đây để mướn nào chuyện kiếm hiệp Kim Dung, Quỳnh Giao, Duyên Anh, Z28 có chàng Tống văn Bình đẹp trai không thua gì tài tử Roger Moore...
Từ ngày bỏ nghề giặt ủi và cho thuê sách để mở quán café, dì Bảy mở thêm một sạp bán báo bên cạnh. Đến lúc tình hình chiến sự gia tăng, có những sự thay đổi về chính trị chóng mặt  Nghề làm báo được dịp phát triển mạnh. 
Nhà tôi bỏ báo ngày của sạp báo Dì Bảy Phú Ngữ. Không ở đâu bán báo như ở PT. Mua một tờ báo đọc xong, đến đổi tờ báo khác đọc tiếp rồi đổi tờ báo khác, đọc mệt "xỉu " đọc mệt nghỉ. Một ngày tôi bị sai đi gặp Dì Bảy cũng hai ba lần. Đuốc Nhà Nam, Thần Chung, Tín Sáng, Chính Luận, Trắng Đen, Sóng Thần, Dân Ta, Lẽ Sống,Tiếng Chuông..còn nhiều tờ báo khác. Tờ báo này đóng cửa thì có tờ khác xuất bản. Tạp chí, báo tuần cũng nhiều.  
Phan Thiết có nhiều nơi bán báo như ở  nhà sách Vui Vui, nhà sách Minh Tấn, nhà sách Hiệp Thành và đắt và đông khách  nhất phải nói là  sạp báo Phú Ngữ . Có hôm người ta phải  đứng chờ báo ở SG ra. Điều này cho biết  người dân PT đọc báo rất nhiều cũng như thích theo dõi tin tức. Chú  Sáu và Bác PNK. đặt mua báo Paris Match ở nhà sách Vui Vui. Có lẽ còn lại hai người ở PT đọc báo Pháp. 
Sạp báo Phú Ngữ trên vỉa hè đường Gia Long gần tiệm bán guốc và tiệm vải Đắc Thuận, dời ra đây  sau khi sạp trong nhà không đủ chỗ chứa cho lượng số báo về càng ngày càng nhiều. Dì Bảy buôn bán nhanh nhẹn, lưng Dì càng ngày càng còng theo thời gian. Chú Bảy còn  là một đặc phái viên địa phương cho một tờ báo, Chú có dòng họ với Ông Phạm Phú Thứ và phi công Phạm Phú Quốc. 
Đầu ngã tư đường Gia Long có xe nuớc mía của anh Hiền. Xe đặt trước cửa hông của tiệm bánh anh Lầu. Ở đây có hồ xi măng dùng chứa nước đá có phủ trấu để bán. Mua một  đồng nước đá, người bán dùng cây dao bản to có răng cưa cưa, cây nước đá rồi dùng sợi dây chuối cột cục nước đá đưa cho khách hàng. Cột cục nước đá không phải dễ nếu không nó tuộc. Nhìn cây dao răng cưa giống cây dao của Khương đại Vệ trong phim võ hiệp. Chặt thì nhanh còn cứa cứa thấy muốn nối da gà. 
Bên cạnh, Di Chín bán bánh nghệ  buổi sáng. Bánh nghệ chỉ có hành mở bỏ lên trên có thêm viên xíu mại nếu kêu thêm. Nhìn thấu nước mắm có màu đỏ của ớt thật đẹp. Nhờ nước mắm này làm bánh nghệ của Di thành món ăn sáng độc đáo.
Buổi chiều Dì bán bì cuốn nem chua. Trên cái mâm nhôm có chùm nem chua, hột vịt và tỏi. Nhúng cái bánh tráng mềm mềm, để vô  rau thơm, dưa leo, cọng hẹ dài làm đuôi, bì trộn thính, lột nem cắt miếng trải dài theo bánh tráng, dao cắt nửa cái trứng vịt rồi cắt trứng còn  trong vỏ theo vầng trăng khuyết. Màu sắc đẹp quá. Dì cuốn rất nhanh và đều. Nhìn thẩu thủy tinh đựng nước mắm có màu đỏ tươi, trên mặt có những tép chanh thấy hài hoà đẹp quá. Đến lúc chấm cuốn bì vô, cắn một miếng oh là la thấy tuyệt vời như thế nào. Sau giấc ngủ trưa được ăn bì cuốn của Dì thì hết sảy. Lúc nào cũng có hai chị em. Dì chín bận cuốn thì người em mang đồ ăn cho khách. Má tôi gọi Dì là Chín. Dì kêu má tôi là Dì Ba. Tôi nghe thấy, phố chợ rất thân quen.
Hàng chả giò cuốn cũng tuyệt vời. Chả giò cá. Cá Tóp hay cá Mạo khứa, lạn xương, cắt miếng nhỏ, ướp . Bánh tráng cuốn củ sắn sắt sợi với cá đem chiên xù (deep fry). Bánh tráng cuốn rau thơm, hột vịt. Chấm nước mắm đậu phộng. Ăn sau giấc ngủ trưa tuyệt vời. Nam gọi Chả  giò Bắc gọi Nem. Tôi gọi chả giò là chả giò mà nem là nem. 
Chiếc  xe mì tàu ở đây có hủ mù tạt vàng để khách nêm thêm nếu thích. Chợt nghĩ đến phim 55 ngày Bắc Kinh. Thất cường xâu xẻ, biết đâu một chàng lính Anh lúc ăn mì, đang nhớ nhà nên thêm mù tạt. Lâu dần thành một cách ăn quen. 
Tình yêu nào cũng đi qua bao tử. 
tng

Friday, October 13, 2017

Đường Đồng Khánh - Tín Nguyễn PBC72

Đi thẳng. Qua khỏi nhà Thầy Hiệu trưởng, bên cạnh con hẻm nhà anh Tiến XDNT  là nhà in Nghĩa Thuận. Ông chủ tiệm in là một Phật tử và cũng là người yêu thích nghệ thuật  nhiếp ảnh. Cùng với những người đam mê nhiếp ảnh trong tỉnh  như ông Đình Cường, ông Đông Phương  (nhà cho thuê  sách trên đường Ngô Sĩ Liên, chùa Bà) đã có những lần tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật  bên ty Thanh Niên. Thường là những đồi cát ở Mũi Né được lấy làm đề tài nhiếp ảnh. Những cô thiếu nữ miền biển đầy sức sống,  mộc mạc, áo bà ba che  nón lá,  trên vai quang gánh, đôi chân mạnh mẻ sải bước trên  đồi cát lúc rạng đông. Màu của  cát thay đổi lúc trời chiều hay ảnh chụp gió qua đây để  lại những làn sóng cát lượn trên đồi Bức ảnh Lầu Nước của ông Đình Cường rất được người Phan thiết trân trọng Và Ông cũng mở lớp dạy chụp ảnh nghệ thuật cho lớp trẻ Phan Thiết ở ty Thanh niên. Trên vách tường trong nhà in Nghĩa Thuận là những bức ảnh trắng đen, một vị Sư già, một chú tiểu còn để  giá phía trước, giá  tóc dài giắt  qua tai và hình chiếc lá bồ đề, xương lá mục..
Tiệm thuốc bắc con ngựa . Bên kia đường là nhà bạn HTQ. với nhiều ký niệm những ngày ở trường PBC. Trên con đường này, những đêm giao thừa, bạn bè hẹn nhau ở nhà Thầy Vĩnh Giên, Cô Bạch Yến. Trong đêm người đi  trên đường, áo quần mới diện Tết,   đến chùa tỉnh hội Phật Học hay ngược về chùa Ông đông quá. Ngồi trước nhà Thầy và ngay trên lề đường, Sỹ, anh Thu, anh Ngữ hát những bài du ca với tiếng đệm đàn của anh Thu. Nói đến du ca, nhớ đến thầy Hiệu trưởng  Lê Khắc Anh Vũ đã  tổ chức cho học sinh những đêm lửa trại trong rừng dừa ở Rạng , chương trình CPS.
Những năm tháng mà thuốc Xuyên tâm liên chiếm độc tôn là thuốc thần trị bá bệnh. Thầy VG và anh Nguyễn bắc Sơn giúp những người nghèo trị bệnh theo khoa châm cứu. Hai người mở phòng châm cứu miễn phí  trên đường Ngô Sĩ Liên. Chuyện kể một người nghèo đến nhờ trị bệnh nấc cục. Phóng kim vô huyệt có tên gì đó trên ngón tay út, bệnh dứt ngay. Có người nói thầy VG mà bị nấc cục thì bó tay . Biết ra huyệt trên ngón tay út của Thầy không còn. Vì Thầy đã  mất một lóng tay của ngón tay út nên  còn huyệt nào mà châm để cứu. Thầy VG và anh Sơn đặt chuyện tếu.
  
Trước nhà Thầy là tiệm cơm chay Thanh Lạc Trai vậy mà vô chút rượu Xuân, sáng ý, có bạn đòi được cõng lên để  thêm một vạch dấu sắc trên chữ chay.
Thầy tặng cho quyển sách "Bàn tay và ánh sáng " trị bệnh theo nhân điện. Đó là lần cuối gặp thầy mà không biết Thầy đang mang bệnh nan y. 
Gần nhà Thầy là nhà của Bác Thanh Điều một phóng viên thế thao cùng thời với nhà tưởng thuật đá banh nổi tiếng của miền Nam, bác Huyền Vũ. Không xa là nhà cho thuê sách Trần Thanh Lê. Sách đọc xong đem trả, từng trang sách sẽ được kiểm soát nên sách ở đây cho thuê ,bìa cứng dán giấy dày xi măng, gáy khâu bằng dây nhợ, lúc nào trông cũng mới và sạch. 
Bên kia là  nhà của Nhuận, bên cạnh là hãng xì dầu con bồ câu trắng, nhà của Khưu chấn Quần học CTKD có lần gặp trên Đà Lạt. 
Mỗi buổi sáng chú Nhật học thêm với thầy Ân ở chùa Phật Học , thầy gọi ngày này là ngày tao ngộ còn hát thêm" Hôm nay ngày chủ nhật, vườn tao ngộ. ngừng, hình như kỵ không có câu tiếp "anh đến thăm em" Đi ngang qua  một nhóm học trò ngồi bên bờ hồ sen, thầy nói như hát  tụi mi hái trộm hoa chùa.... ngừng, câu tiếp ai cũng biết.... để trao một người mà tôi chưa quen biết. Những lúc rảnh, Thầy chỉ cho cách tập Yoga và ăn dưỡng sinh Oshawa. Thầy làm tư thế trồng chuối trên cái băng ghế dài bằng gỗ.
Cũng nói thêm ông Đoàn Tá là người có công sang lập Hội Phật Học của tỉnh Bình Thuận. Di ảnh của Ông được thờ trong chùa.
Còn nhớ ngày đi chôn cất ba tôi, quan tài được quàn trong chánh điện chùa. Thầy trụ trì  tụng kính làm lễ di quan. 
Đổi diện chùa là nhà anh Huy Em. Trước kia nhà đóng đồ gỗ nay là một quán mì có tiếng. Chắc chị Vui khi về nhà chồng được mang theo bí kiếp "my mother's secret recipe" của Bác Mười .
Nhà Kim Liên gần đó...  KL thường đi  chiếc xe đạp mini  rất mignonne. Xe xinh xinh để em đi học .. Còn có Thanh Tầm nữa. 
Trường Tiến Đức cũ, hãng nước đá Trung Nam nằm trên đường này.
Cuối đường là trung tâm hành chánh xã châu thành Phan thiết, băng qua  đường Trần quý Cáp, đường bên hông nhà thờ Lạc Đạo dẫn đến đường Ngư Ông là xóm người Quãng Bình của ca sĩ Tuấn Vũ. Hình như giọng nói  phát âm qua một vài thể hệ nghe dễ hiểu hơn. Người bạn QB năm lớp nhất nói  Tời nặng tan tan đi bắt tan tan nghĩa là Trời nắng chang chang đi bắt (con) chan chan .Hồng và Minh (đã mất ) hát rất hay những bài nhạc tiền chiến,cả hai là cậu của Tuấn Vũ . 
tng
Xuống Ngư Ông hay về Trần hưng Đạo. ..

Tuesday, October 10, 2017

Ngả Bảy Phan Thiết

Đứng ở đường Võ Tánh nhìn lại ngã 7. Có  Ông già bán sâm sữa trước nhà thuốc  tây Phan thiết vào ban đêm. Ông đeo kính cận, cột thắt một cái khăn ngang trán, nhìn ông mà nghĩ đến những Kamikaze người Nhật trong thế chiến thứ hai. Có khi một cái khăn màu đỏ ông  thay đổi buộc ngang làm nổi bật trong đêm. Chúng tôi đặt cho ông cái tên Chiến sĩ Phù Tang. Chiếc xe đẩy  bán sữa đậu nành nóng nhìn sạch sẽ, nồi sữa bốc khói. Một tô đựng đầy trứng gà đặt gần đó và một thố đường cát trắng. Một ly sữa đậu nành nóng đập thêm cái trứng gà bỏ vô nhìn thôi cũng cho một cảm giác bổ dưỡng, chưa uống mà nội lực đã tăng. Cũng còn có nồi nước xâm. Một ly trắng đen, sữa đậu nành pha nước xâm, làm ấm lòng một giấc ngủ đêm. Những chiếc ghế xếp bằng sắt có mặt ghế bằng gỗ tốt đặt chung quanh xe có lúc khách đông phải xếp thêm những chiếc ghế nhựa nhìn không đồng bộ và không được đẹp. 

Bên kia đường là tiệm hớt tóc Ánh Sáng, bên cạnh đó là một cặp vợ chồng già bán phở Bắc. Một hình ảnh của phố đêm khi không còn khách, hai vợ chồng già cùng đấy chiếc xe có chiếc đèn bão treo lắc lư trên đường vắng. Đường về canh khuya. ..
Cũng phải nói đến hàng cháo khuya Sáu Chu nơi đây. Ban đầu chỉ bán cháo lá dứa ăn với tôm khô củ kiệu hay hột vịt muối, hột vịt Bắc thảo. Người ta kể là một nông dân ở Trung Quốc đã tìm thấy một quả trứng bị chôn vùi dưới lớp tro hơn trăm năm vì một nguyên do gì đó. Nhưng khi đập trứng  ra trứng có đổi màu mà   ăn vẫn còn  được, Hột vịt bắc thảo có  tên "one thousand year old egg" Trứng vịt bắc thảo làm phải bao xung quanh trái trứng một  lớp trấu hay tro của trấu màu đen. Chú Sáu sau bán thêm mì quãng và cũng rất xuất sắc. Cháo Sáu Chu mi quãng sáu chu rất quen thuộc trong giới thích ăn khuya. Nước giếng Phan thiết nấu cháo rất ngon nên cháo lá dứa Sáu Chu ngon là nhờ nấu bằng nước giếng. 


Nhà Bác Ban Hạp, tiệm giày Bata đối diện tiệm cháo chú Sáu . Đầu đường Nguyễn Du có  tiệm may Tấn Tấn, tiệm bán xe cũng cùng tên. Tấn là tên con trai của chú Bảy. Tiệm hớt tóc Bình Minh phía bên trong có cho thuê bàn ping pong. Tiệm sửa xe gắn máy Tấn Tấn, tiệm billard Hoàng Hương, tiệm vàng Đức Chính. Cuối dãy nhưng đâu đường Đồng Khánh là nhà thầy Hiệu trưởng Nguyễn thanh Tùng và Cô Lệ.
Không biết người ta xây cái "cù lao" giữa ngã bảy để làm gì. Nếu là vòng xoáy thì chẳng có chút nào hiệu quả. Nghe nói ngày xưa Pháp xử tử bắn ở đây một số người đi kháng chiến .
Từ đường Võ Tánh, theo chiều kim đồng hồ là đường Nhà Cò, đầu đường là rạp hát Bình thuận, thỉnh thoáng những đoàn cải lương ra đây hát. Nhớ  bà già dẫn đi xem tuồng Thuyền ra cửa biển, Mắt em là bể oan cừu. Trong rạp có nhiều tiếng  khóc sụt sịt buồn chịu không nổi. Tiệm billard Anh Đào nhà anh Sử. Nghĩa, em anh học cùng lớp tử trận trên Kontum. Chùa  Liên Trì có Cô Thuận trụ trì, Cô Năm Gạo, Bác Mười Hợi Nam Thạnh Lầu, Thày Giáo Nhiều trong ban trị sự. Nhà anh Nguyễn Bắc Sơn, nhà Trường Thanh làm lịch TTM, quán Lòng Tong. Vì có đồn cảnh sát ở đây nên có tên đường Nhà Cò, tên đường cũ thời Pháp cũng vậy  (La rue des gendarmes? ???)
Kể là đường Thái Phiên trên đường này có chùa Phước Kiến. Đầu đường trước kia là bến xe ngựa đi vô Phú Lâm, Hàm Thuận. 
Đường Đồng Khánh, đường Nguyễn Du, đường Lý thường Kiệt, rồi đường Gia Long.
Tín Nguyễn PBC72

Lang thang trên những con đường xưa - Tín Nguyễn PBC72

Tiếng sấm sét nổ lớn  theo sau một cơn mưa. Mùa Xuân năm nay ở Nam bán cầu không như mọi năm. Cái lành lạnh hụt hơi của mùa Đông vẫn còn đó. Mặt trời xuất hiện mang chút nắng làm ấm không gian chẳng được lâu. Mưa đổ xuống đường nhanh nhưng nặng hạt rồi ngừng. Đủ để nghe tiếng giòng  nước chảy hai bên đường. Nhân viên bảo trì của chánh quyền địa phương vừa cắt tỉa hai hàng cây bên đường tuần trước sau mùa Đông để tránh chạm hàng dây điện đường, nhìn gọn gàng và hình như con đường trước nhà rộng ra thêm. Bông phấn bay nhìn thấy trong ánh nắng rồi rớt lại đầy trên kính xe. Mùa tissues, mùa "hay fever" .

Chợt nhớ về nhà xưa. Theo con đường Hải Thượng Lãn Ông hay còn gọi đường" nhà thương" rồi  đi miết  đến ngã ba đường Lương Ngọc Quyến. Ngập ngừng ở ngã ba đường  biết đi hướng nào?. Mà đi đâu mới được. Đi thẳng. Ngang qua nhà thương, phố 30 căn,  ở đây có tiệm hớt tóc Ánh Vàng, có nhà của Hồng em chị Sen thích qua phố chơi chung, nhà của Sáng thường cùng với Hiệp em anh AK, cả hai song ca, cùng hát bè rất hay. Qua sân vận động Quang Trung, trường Bạch Vân, nhà máy nước, Khu này có tên Tỉnh cũ. Như vậy ngày xưa trung tâm hành chánh của Phan thiết đặt ở đây trước khi dời về tỉnh mới bên mạn Bắc sông Cà Ty. Hay khu này khi xưa  là trung tâm của làng Thành Đức thời triều Nguyễn sau này đổi thành Phú Trinh. Con gái Tỉnh cũ có tiếng là đẹp . Những cô gái đẹp biết đâu là hậu duệ của những gia đình quyền quí, quan lại trong tỉnh ?. Đại Tài, Đại Nẩm, Phú Hội, Phú Nhan, những tên làng vừa  ra khỏi tỉnh cũ. Nghe qua những địa danh này nhưng người thành phố có người chưa một lần đặt chân đến đây dù đường đi không xa mấy. Đợi đến chợ đêm những ngày sắp Tết, thôn nữ miền quê với áo hoa, nón lá,  quần sa tanh đen Mỹ A ủi láng cóng bằng bàn ủi than con gà, chân mang dép kẹp xuất hiện dưới ánh sáng thành thị. Trên vai nặng trĩu những gánh hoa Trường sanh, Mồng gà, Cam, Bưởi. Chuối. Vượt đường xa, đôi quang gánh nhịp nhàng theo bước chân. Có tiếng ai đó Hai đi đâu đó Hai? Con trai thành phố bông đùa, thôn nữ vẫn giữ đều bước chân, vin vành nón và cười rất nhẹ.  
Trở lại ngã ba đường. Theo đường Lương Ngọc Quyến, Thu Sơn tiệm may đầu đường có  người bạn Thu Lâm cùng học trường tiểu học Thành Đức trong con hẻm phòng ngủ Trần Nam Hương. Bên kia đường là căn nhà theo kiến trúc của Pháp với nhiều cây cao trong sân rộng. Có một  thời một người bạn tôi nói có những lúc khi đèn đường vừa lên, bạn tôi dừng xe bên đường  chỉ để chờ nghe tiếng dương cầm thánh thót qua đôi bàn tay của ai đó lướt trên phím ngà. Lên chút nữa là hãng gạch bông Công Tín nhà của T. Bác Năm ba của T. là anh em của Ông LCN. Nhớ và cảm ơn Bác Năm nhiều lắm. Qua đây nhớ Thầy Hổ, một huynh trưởng gia đình Phật từ, cùng  thấy Ba dạy trường tiểu học Thành Đức. Các thầy hát cho nghe những bài như  Quê em nắng nhạt vàng cô thôn. hay bài Trường làng tôi.
Căn cứ hoả lực Đồn Trinh Tường, tôi nhớ trò chơi hoả tiễn bằng thuốc bồi của đạn đại bác pháo binh. Càng lên xa con đường càng vắng. Đi qua cây Dúi, cây Trôm để đến Thiện Giáo. Sau này đi qua vùng này là một "sa mạc "thắp sáng bởi "mặt trời đêm" tạo phản ứng lục diệp tổ cho ruộng xương rồng Thanh Long mau đơm trái trái mùa. 
Thôi về lại ngã ba đường không ra cầu Sở Muối, để về lại bên phố. Con đường nhỏ có tiệm thuốc Bắc Quãng Đắc đầu đường, gần đâu đây còn có nhà những bạn mình. Hữu nhà may bên cạnh nhà Vạn, LVT đã  mất, LNNP, NN đã mất, TL. gần nhà NTKH, PCL mất oan ức vì nhà bị  trúng đạn pháo kích, khi tuổi còn trẻ. Người ta gọi suốt  con đường đất không bằng phẳng với hai dẫy nhà có nhiều tiệm buôn bán nhỏ, những sạp gỗ rất ọp ẹp hai bên đường bán rau là chợ Gò. Giữa những tiệm trong chợ có tiệm của nhà  bạn ĐTB mà hơn 40 năm chưa gặp lại. Con đường nhỏ này có biết bao lần cùng bạn trong xóm qua đây để xem những trận banh rất  hay giữa các đội banh Quan Thuế, Ngân Hàng, CSQG đá với đội tuyển Phan Thiết trên sân vận động  Quang Trung. 
Cuối đường nhỏ này là đường Trần cao Vân, có trụ sở ấp Phú Trinh. Không quên trên con đường này có nhà Thầy Kiều trưởng ty Thanh niên và Thầy giảm thị Trác. Để lại sau lưng cuối đường Trần Cao Vân là kho xăng dầu của quân đội. Gần đó là  nhà của Thầy Bảo. Các chị con của thầy đều có tên Lan nhưng khác chữ lót. Nhớ anh Bs D. rất hiền và tình cảm, làm việc trên nhà thương Đoàn Mạnh Hoạch anh cho  tôi cái nickname  "công tử". QA chụp hình rất hay, cho nhiều ảnh đẹp, Bước theo chân Thầy theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh như một sở thích riêng những lúc rảnh rỗi.
Đứng ngã tư đường chưa vội qua cầu về phố. Đường Bà Triệu dọc sông Cà Ty. Bên trái có trường Nữ tiểu học. Những em học sinh vừa đậu  vào lớp đệ thất bước vào bậc trung học, gương mặt  hồn nhiên chơi rượt bắt trong sân PBC, nhí nhất nên bị các đàn anh trêu là đi lộn trường. Bên phải đi lên cầu Bà Bác Xì hay thường gọi Bà Bác. Dư, học ĐHSP, Ngự học cán sự CC, đã mất, nhà có trại cưa cây. Tuấn "cọt" lâu rồi không nghe nói đến.   
Thong thả bước qua cầu gỗ. Cuối con dốc là ngã ba đường Võ Tánh và Bến Trưng Nhị. Chữ Bến được Việt hoá, người Pháp đặt tên Quai De Saumure  cho con đường Trưng Nhị và Trưng Trắc. Bến Bà Triệu, Bến Trưng Trắc, Bến Trưng Nhị là tên đường hai bên bờ sông Cà Ty. 
Chiếc cầu gỗ  do lính công binh Mỹ xây dựng nhằm mục đích mở con đường chiến lược về hướng Bắc. Tiếng nện, đóng  những cây thông ngâm dầu làm cột bằng những cây "búa tạ" điều khiến bằng sức hơi nén còn vang vọng đâu đây. Những chiếc xe tăng có trọng lượng lớn, từ căn cứ Mỹ  trên Căn hay núi Tà Dôn không thế đi trên cầu Quan hay cầu Trần Hưng Đạo .
Từ khi trên sông Cà Ty đếm đủ ba chiếc cầu, người Phan thiết có câu. Bao giờ Phan thiết ba cầu, Thì dân Phan thiết làm giàu làm quan. Xưa hơn người Phan thiết cũng đã nói: Bao giờ Phan thiết ba Tà, thì dân Phan thiết làm giàu làm quan. Ba tà là Tà Dôn, Tà cú (Trà cú), Tà Bao. Làm giàu, làm quan? Mỗi người xin tự tìm lấy. 
Cũng ngã ba này, chiếc cầu này ,nhớ đến anh Hải, có những buổi sáng nhìn anh tấm thân gầy, Nguyễn Bắc Sơn, bạn của anh tôi đi qua sông. Ngã ba đường làm anh có chút ngập ngừng có nên qua bên kia  ghé thăm người" em gái". Sông nước làm phát triển đời sống và cũng mang một triết lý trong dòng suy tưởng bên lỡ bên bồi.  
 
Qua Sông
Một sáng phiêu bồng qua bên sông
Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng
Phật cũng khổ như người khốn khổ
Cúi đầu quay lại bên này sông

Con đường Võ Tánh những ngày Thanh Minh nghe mùi thơm của heo quay trong gió. Lò heo quay của Dì Hai Mít rất nổi tiếng. Thêm một  thìa mở heo quay sẽ làm nồi cá kho Nục Mộng, cá De hay một tô bánh căn xoài sống bằm, có hương vị thêm hấp dẫn. 
Đi ngang trường Tàu, một tên khác là  trường Kiến Anh, hai giãy đèn spot light có còn chiếu sáng sân bóng rổ trong những trận đánh giao hữu ban đêm ?. Đội bóng rổ Les Diables của trường PBC đi vào quá khứ .
Trường Tàu nằm trong phạm vi của chùa Ông. Nhớ những đêm Giao thừa, người xuất hành hái lộc  lấy hên đến chùa rất đông. Áo dài đủ màu, khăn đóng, tạo đêm lễ hội thêm sắc màu. Nhang khói làm cay mắt. Vui, cười muốn đứt "duột "là nghe những ông thầy bói "giả "coi bói, đoán xâm như anh Bá Long, anh Hải Lửa. Trong chùa có con rồng màu xanh, Thanh Long chỉ xuất hiện khi thỉnh Ông đi chơi. Múa rồng phải cần hơn mười người có sức khỏe. Rồng ăn trái châu, người nhữ cho rồng múa lộn thêm sống động. Rồng rớt vẩy. Vẩy rồng là những chiếc kính tròn nhỏ những  ngươi phụ nữ hay dùng soi lại màu son trên môi. Vảy rồng lấp lánh trong nắng Rằm tháng bảy, cúng thí cô hồn có tục lệ xô cộ. Ba cái cộ rất lớn và cao  đính đầy bánh trái. Thầy đăng đàn bắt ấn chủ lễ  phải là vị sư tu theo phái Mật Tông. Nghe nói nếu nhà sư không đủ tài cao, đức rộng, cô hồn âm linh nó dật là chết chắc, có người thêm, học máu chết. Vì vậy mà chùa Ông cũng là nơi nếu có hai người tranh cải, sẽ  làm "người" Phán xét
Nghe một người phân bua để bảo đẫm phần đúng về mình thách thức người kia, lên chùa Ông thề không, nếu tao nói xạo cho tao học máu chết. còn nhấn mạnh thêm. cho  học máu chết tại chỗ. Nghe ớn quá mà lại nhát gan có khi lại thôi không thèm cãi nữa   Trong mùa cúng thí, ba ngày ba đêm người ta  được xem đoàn hát  hồ quãng từ trong Chợ lớn ra, mấy cô đào hát môi son má phấn làm người dân tỉnh mến mộ. Họ trình diễn những  tuồng như Hồng hài Na tra, Ngọc nữ tiên đồng hoàn toàn không có  thuyết minh tiếng Việt. Xem mà đoán, Na tra là người nhỏ nhỏ mà có lửa, chân phát ra tiếng lục lạc chạy lăng xăng. 
Ở đây cũng là ngã ba đường Võ Tánh, Phan bội Châu và Ngô Sĩ Liên. Góc đường PBC có cây gòn cao. trái gòn rụng xuống nhặt về xe bông gòn trong ruột làm tim hộp quẹt máy cháy  rất nhạy. Chỉ cần dùng dầu lửa không cần xăng zippo. Cây gòn này có ma. Tín vậy đi vì cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận mà. Đầu đường NSL có một hội quán Tín Lành không biết có từ thời nào mà cổ lắm không có kiến trúc hiện đại như nhà thờ TL bên đường HTLO.  
Bỏ chùa Ông đi tiếp đến ngã ba Võ Tánh, Nguyễn tri Phương. Nhiều nhà ở đây chuyên bán hòm. Qua đây thoảng nghe mùi sơn, verni từ những chiếc hòm mới toanh. Dĩ nhiên không ai bán hòm đã xài rồi, second hand. Qua khỏi đường Nguyễn trường Tộ, trụ sở ấp Đức Nghĩa, ngã sáu bồn binh rạp Bình thuận đây rồi. 
Ghé vào quán kem 3 màu đầu đường Võ Tánh. Kem có rắt đậu phộng giả dợm,uống thêm ly nước bạc hà. Tiệm  kem Tự Do, ông chủ quán mập mập. Hay là ghé bên cạnh kêu thêm ly sinh tổ sa -cô -chê để câu giờ tìm đường nào đi tiếp. ... Ngã Sáu.
tng

Thursday, October 5, 2017

Mường Giang Lời Tự Tình Của Giòng Sông - Cát Biển

Mường Giang Lời Tự Tình Của Giòng Sông

Cát Biển
Nếu nói kỷ niệm một thời, kỷ niệm một đời, thì trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết phải là quãng đời đã hun đúc nuôi dưỡng cho dòng suối lệ của nhà văn nhà thơ nhà biên khảo Mường Giang với dấu ấn không thể nào lẫn lộn.

Nhắc đến địa danh Phan Thiết Bình Thuận người ta không thể quên các nghệ sĩ được nhiều người mến mộ như Trần Thiện Thanh, Thanh Thuý, Anh Khoa, Mỹ Thể, Phương Đại, Tuấn Vũ, Việt Hùng, Thanh Thuỷ, Trang Mỹ Dung, Nguyễn Hữu Thiết (song ca với Ngọc Cẩm), Hồng Phúc (Đài Pháp Á), Huyền Vũ (thể thao bóng tròn), Ngọc Cảnh, Trường Thanh, Thái Tài, Đức Phương, Bảo Phương v.v...

Đất Phan Thành đã đào tạo rất nhiều nhân sĩ, nhưng một trong những người xứng đáng nhất với danh nghĩa người con yêu của Bình Thuận phải nói là Mường Giang. Con yêu, không phải vì người đó lắm tài nhiều đình đám, một ngôi sao hào nhoáng khiến mọi người ngưỡng mộ. Mà con yêu, vì người ấy đã làm vinh danh xứ sở mình. Con yêu, vì người con ấy biết kính thầy thương bạn, quý trọng công lao tiền nhân, và đốt ngọn đuốc nêu sáng gương cứu nước và giữ nước của cha ông nòi giống. Những người tài hoa đến rồi đi biền biệt, nhưng con yêu sẽ ở lại mãi trong lòng của quê hương, và trong lòng những người yêu quý tha thiết về quê hương.

Bút hiệu Mường Giang đã nói lên tất cả. Nhà văn Hồ Đinh chọn tên con sông Mường Giang ở Phan Thiết để gửi gấm những lời viết đẩm lệ yêu dấu của anh về một quê hương đã mất. Giữa những nghệ danh quen thuộc với chúng ta như Cung Trầm Tưởng, Trầm Tử Thiêng, Hàn Mặc Tử khiến người nghe cố suy tư tìm hiểu, cái tên Mường Giang có một âm vang hiền hoà thân mến êm đềm như số phận dòng sông dịu hiền chảy ngang qua tỉnh lỵ.

Như vậy những bài viết của Mường Giang về những món ăn quê hương, về những kỷ niệm vui buồn tình bạn, về tinh hoa phong tục tập quán, về nổi đau của người lính QLVNCH, về trường Phan Bội Châu đầy ân nghĩa ân tình cùng tình cảm man mác thời áo trắng, và lời thơ đầy huyết lệ của Mường Giang, có phải chăng chính là lời tự tình của một giòng sông. Giòng sông ấy là hình ảnh thân quý nhất cho con người Bình Thuận. Giòng sông chảy qua cây cầu mang bao tâm tình thương mến của con người Bình Thuận về con phố từng cưu mang un đúc mình. Giòng sông ru lời của những lá vông bên công viên Tháp Nước. Giòng sông mang đầy những kỷ niệm yêu dấu một thời, một kiếp người. Mường Giang, từ những ngày mới lớn cắp sách đến trường cho tới cả quãng đời lang bạt làm lính và xa quê, bút hiệu ấy đủ nói lên bao nhiêu lời trìu mến dành cho quê hương.

Phan Thiết Bình Thuận với bao thay đổi từ một tỉnh cuối của miền Trung, thành tỉnh đầu của miền Nam, rồi trở lại là miền Trung, với cát gió với Tháp Chàm với Lầu Ông Hoàng với cánh đồng muối trắng thênh thang với mùa Chà rộ cá và biển xanh sóng vỗ dạt dào lại giàu những chân tình. Bình Thuận có vị Tuần Vũ trẻ tuổi tên Ngô Đình Diệm ra nhậm chức lúc mới 24 tuổi. Bình Thuận là thềm vựa cá kèm với tài nguyên muối trắng vô tận khai thác từ nước biển khiến cho kỹ thuật nước mắm ngày một tinh vi, cung cấp toàn quốc. Bình Thuận có Núi Tà Cú từng được vua ngự và phong là kỳ tích. Ngày nay Bình Thuận sản xuất trái Thanh Long nhiều nhất nước.

Người ta đến với những bài biên khảo phong phú và sâu sắc của Mường Giang (tức Hồ Đinh) với nhiều chi tiết hay ho thi vị, và cuối cùng khép trang sách ngậm ngùi với tấm lòng chung thuỷ của người con Bình Thuận tiếc thương cho một quê hương bị cưỡng chiếm. Tình cảm sâu đậm trong văn phong của anh như chiều cao của ngọn tre đứng thẳng, thiết tha như khói mây chiều, và dạt dào như lá thu rơi theo từng ngọn gió.

Sau buổi tổ chức “Đêm Nhạc Hội 20 Năm Viễn Xứ” thành công ngoài sức mong đợi của Hội Thân Hữu Bình Thuận năm 1995, với sự dìu dắt của anh trưởng ban Tổ Chức Trương Tiến Huân và cô Hội Trưởng Thu Nhi, quỷ của hội THBT từ con số không đã tăng lên thành 8 ngàn đô, hứa hẹn cho những công tác ý nghĩa kế tiếp. Tất cả mọi người trong Ban Chấp Hành và Ban Cố Vấn đều sung sướng và mãn nguyện với những thành quả và hi sinh chung. Những buổi họp của BCH luôn có mặt đông đủ hơn 30 người con tâm huyết của Hội TH BT cùng vui vẻ nhận trách nhiệm thừa hành các công tác. Người ta có thể cảm nhận tình thương và niềm vui chung của Hội với các tiếng cười vang to và lời chào hỏi nhộn nhịp trong các buổi ăn bánh căn nhà Phạm Mừng hoặc mỳ quảng nhà chị Minh Khanh và tiệc thân hữu nhà anh Nguyễn Văn Sâm. Các Đặc San Bình Thuận được thực hiện với nhiều bài vở rất giá trị. Sau những tán thưởng về nhạc cảnh Tiếng Dân Chài, với nhiệt tình đóng góp của Thượng Toạ Thích Quảng Thanh tại chùa Bảo Quang, mọi người náo nức xem một nhạc cảnh nào khác sẽ được Hội thực hiện kế tiếp. Đây cũng là một đòi hỏi càng lúc càng cao cho Hội, nhất là cho người sẽ đạo diễn thực hiện nhạc cảnh đó.

Một trong những bài thơ thi vị nhất của Mường Giang phải nói là bài Phan Thiết Ơi, Phan Thiết đã được nhạc sĩ Nguyên Chi phổ nhạc. Lời ca khúc ray rứt ấy đã vang vọng trong hồn người nghe và thúc đẩy nên sự hình thành của đêm nhạc hội tại vũ trường Majestic năm 1998. Nhạc cảnh Phan Thiết Ơi Phan Thiết với khoảng 20 diễn viên, được nhiều lời khen ngợi như là một điểm son. Nhạc sĩ Nguyên Chi đã hoà lời thơ sâu đậm của Mường Giang vào dòng nhạc tuyệt vời của ông ta.

Một buổi chiều nọ nhạc sĩ Nguyên Chi (tức bác sĩ Nguyễn Lương Chỉ) gọi điện thoại cho tôi hay là ông vừa phổ nhạc xong bài thơ Phan Thiết Ơi, Phan Thiết của anh Mường Giang, và ông kể tôi nghe hôm đọc được bài thơ đó ông đã tràn đầy thi hứng và tạo ngay ý nhạc. Tôi thấy náo nức vì cảm nhân đựợc niềm hạnh phúc của Bs Chỉ khi ông say sưa hát qua điện thoại cho tôi nghe. Những lời thơ của Mường Giang như tiếng chuông ngân của một tấm lòng yêu quê hương chân thành:

Cho ta về bên bờ sông Mường Mán
Gục đầu uống từng ngụm quê hương
Xuôi tay nằm dài trên bãi cạn
Lắng nghe tiếng chim hót kêu sương

Ðể sống lại những ngày còn Phan Thiết
Lầu Ông Hoàng lặng lẽ nhớ người xưa
Ôi nhớ sao tình quê nghe tha thiết
Cho ta đam mê quá khứ phạt phờ

Cho ta về với xóm phường Phan Thiết
Cùng đất trời cuồng loạn những cơn say
Bãi Thương Chánh không còn ai vẫy biệt
Không còn nghe gào thét nổi hờn cay

Cho ta về Bình Hưng xóm chài cô lẻ
Phan bội Châu thời áo trắng học trò
Trong biển mắt chứa chan trời diễm lệ
Trong tim ta réo rắt cả hồn thơ

Hỡi ơi ta đã điên cuồng nhớ
Mơ mộng nên quên nổi đau thương
Ðào khối sầu chôn trong đáy mộ
Phan Thiết ơi còn đó quê hương

(Phan Thiết Ơi, Phan Thiết, thơ Mường Giang, nhạc Nguyên Chi)


Nghe xong ca khúc đó tôi biết mình vừa bắt gặp món ngọc quý đang đi tìm. Thế là tôi bắt tay viết thêm các lời rao đầu, các câu vè, câu hò, lắp vào bài ca phần cuối. Sau 2 tháng tập dượt, cuối cùng nhạc cảnh được hoàn thành. “Phan Thiết Ơi, Phan Thiết” là nhạc cảnh khá công phu, là tiếng yêu tha thiết vang lên tự đáy lòng của người Bình Thuận. Nó là lời đáp đền chung của các người con cùng mang những liên hệ chôn nhao cắt rún với địa danh này. Với sự hỗ trợ và tham dự của nhiều hội đoàn Nam Cali, báo chí và văn nghệ sĩ, Hội TH Bình Thuận đã cống hiến một chương trình văn nghệ mang tính cách văn hoá đặc thù đậm tình quê hương. Các địa danh thân yêu như Hải Long, Thiện Giáo, Hoà Đa, Phan Lý Chàm, Tuy Phong, Phan Rí, Phú Long, Đức Thắng, Đức Nghỉa cùng các món ăn đặc sản địa phương như gỏi cá mai, bánh căn, mì quảng PT, bánh hỏi Phú Long, sò Hải Long, mực Long Hương trong các câu vè được ca tụng như gói ghém các tâm tình và niềm hãnh diện của những người con Bình Thuận. Nhạc cảnh có những lời đặc biệt qua giọng hò Bảo Phương:

Hò ơi...ai về Phan Thiết quê tôi
Nhắn sông Mường Mán chiều ôi nhớ cùng
Hò ơi...mộng về Thương Chánh gió luồn
Gió kia ai ướp để hồn tôi say
Hò ơi...người đi lạc xứ vấn vương
Nhớ về Phan Thiết đôi dòng lệ tuôn

Các hình ảnh kéo lưới, gánh cá, đẩy mái chèo của các ngư phủ mùa Chà trong quần áo nâu đen, khăn rằng quấn cổ, xuyên qua lời ngâm chân tình mát dịu ghi lại được những hình ảnh tuy cực nhọc nhưng đầy sung sướng và hạnh phúc của con người miền biển. Nhắc đến Phan Thiết không thể thiếu màu xanh biển cả và màu cát trắng mịn màng. Các người đẹp của hội TH Bình Thuận thướt tha trong tà áo dài xanh quyến rũ theo các điệu nhạc đã tô điểm cảm giác tươi mát thân yêu cho nhạc cảnh. Ngoài tiết mục chánh đó, đêm nhạc hội còn có sự đóng góp phong phú của Nhật Trường, Mỹ Lan, Mỹ thuý, Thái Tài, Anh Dũng, Bảo Phương v.v...

Nếu nhạc cảnh Tiếng Dân Chài thành công qua tiếng hát của các ca sĩ nổi danh, thì nhạc cảnh Phan Thiết Thiết Ơi Phan Thiết khi được trình diễn tại vũ trường Majestic Nam Cali vào năm 1998 do tiếng hát cây nhà lá vườn như Nguyễn Tư, Mai Minh, Cát Biển, Nguyễn Hưng v.v.. đã được tán thưởng nồng nhiệt của các đồng hương BT đêm đó một cách không ngờ. Đêm đã khuya, màn đã hạ, mọi người khách khác đã rời vũ trường mà các đồng hương vẫn quyến luyến bùi ngùi nắm lấy tay tôi ngỏ lời cảm ơn. Một yếu tố lớn của sự thành công đêm nhạc hội chính là do hứng khởi từ nhạc phẩm “Phan Thiết Thiết Ơi, Phan Thiết”, thơ Mường Giang, nhạc Nguyên Chi.

Mường Giang đã viết, viết rất nhiều. Anh viết như để đền đáp tấm chân tình với quê hương. Từ miền Hạ Uy Di xa xôi bên kia bờ Thái Bình Dương anh luôn góp con tim khối óc bàn tay mình, trong các sinh hoạt văn hoá báo chí của Công Đồng VN hải ngoại. Anh thở theo cùng nhịp đập với con tim của Little Saigon. Anh trọng thầy quý bạn nên mỗi khi thăm viếng bạn bè luôn là cơ hội với những món quà biểu tượng tấm chân tình.

Là một người cùng quê và cùng ý niệm hướng về quê hương, xin gửi lời tri ân với tác giả Mường Giang, một người anh và một người bạn dâng hiến quả tim mình làm đẹp quê hương. Những tác phẩm của Mường Giang, phong phú với nhiều đề tài thể loại khiến cho mọi người không thể nào không thấy ánh sáng chân tình đang chiếu tỏa ra từ một tấm lòng son.




Cát Biển