Sunday, March 19, 2023

Có một phụ nữ Việt ở Dharamsala - Phúc An - 3/2023

Một buổi giảng pháp của Đức Dalai Lama với các Phật tử Việt Nam

Dharamsala là một thị trấn nhỏ thuộc quận Kangra của bang Himachal Pradesh, nằm ở miền Bắc Ấn Độ. Dharamsala cách New Delhi 485km vốn là một thị trấn lặng lẽ, bình yên và ít ai biết đến trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.

        • Nhưng từ năm 1959, nơi này trở thành một địa điểm mà thế giới quan tâm: Đức Dalai Lama thứ XIV, người đứng đầu Phật giáo Tây Tạng đã lưu vong ở đây sau khi chính quyền Trung Quốc xua quân chiếm Tây Tạng.

        • Kim Ngọc – cô gái Việt hiếm hoi trên đất Phật Dharamsala

          Ngày nay Dharamsala được mệnh danh là Lhasa thu nhỏ (Lhasa là thủ phủ của Tây Tạng) với khoảng 120,000 người Tây Tạng sinh sống và cũng là trụ sở của chính quyền lưu vong Tây Tạng và Hội đồng Dân cử Tây Tạng (tương đương với Quốc hội). Dharamsala trở thành nơi mà nhiều người tìm đến định cư sau khi họ bỏ trốn khỏi vùng đất Tây Tạng vì chính sách đàn áp của chính quyền Trung Quốc.

        • Ngày nay nhiều tín đồ Phật giáo tại Việt Nam đã quen thuộc với Dharamsala bởi những buổi giảng pháp của Đức Dalai Lama XIV. Không ít Phật tử Việt đã đến đây trực tiếp dự những pháp hội hàng năm. Tuy nhiên Dharamsala đối với phần đông người Việt ở khắp năm châu vẫn là nơi ẩn chứa nhiều huyền thoại kỳ bí. Nhưng Dharamsala, với một phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn, dễ mến, thì không phải là vùng đất bí ẩn. Với Nguyễn Kim Ngọc, đây là quê hương thứ hai, là ngôi nhà thân yêu, nơi gia đình cô sinh sống.

          Câu chuyện bắt đầu từ mười năm trước, khi Nguyễn Kim Ngọc làm luận án tiến sĩ với đề tài Phật giáo. Cô sinh năm 1987, sống ở Hà Nội trong một gia đình trí thức, và lẽ ra cô sẽ bảo vệ luận án, sau đó tiếp tục nghiên cứu hoặc đi dạy. Nhưng có hai sự kiện khiến cuộc đời cô rẽ sang một bước ngoặt hoàn toàn khác.

        • Kim Ngọc cùng con trai và con dê cưng

        • Sự kiện thứ nhất là chuyến du lịch một mình đến Ấn Độ. Chuyến đi kéo dài gần hai tháng, lãng du qua nhiều vùng đất, đắm mình trong bầu không khí của một đất nước duy linh, khiến cô gái trẻ Kim Ngọc hiểu được rằng nghiên cứu Phật giáo không đơn thuần là trở thành một tín đồ thành kính; nghiên cứu Phật giáo cũng không chỉ là tìm hiểu kinh điển hay khảo sát, chiêm bái chùa chiền. Nghiên cứu Phật giáo còn là sống, hít thở, trải nghiệm với những hoạt động tôn giáo, là tự mình thực hành nghi lễ và sống với niềm tin. Sau chuyến đi đó, khi trở về Việt Nam, một cơ duyên đã khiến cho Kim Ngọc giành được một học bổng học tiếng Tạng ở Dharamsala năm 2015. 

          Tạm gác chuyện học hành và làm luận án tiến sĩ, Kim Ngọc sang Dharamsala với mong muốn không chỉ học tiếng Tạng mà còn học đạo. Chuyến du học ban đầu dự tính hai năm nhưng cuối cùng kéo dài vô thời hạn. Tại Dharamsala, Kim Ngọc đã gặp tình yêu của đời mình là một chàng trai Tây Tạng, sinh ra trong một gia đình lưu vong trên đất Ấn. Kim Ngọc ở lại Dharamsala, lập gia đình, sinh cậu bé trai đặt tên là Nordup. 

          Cộng đồng người Việt ở Dharamsala rất ít ỏi, thường chỉ vài chục người, chủ yếu là các nhà sư đi tu học. Không ai định cư ở Dharamsala lâu dài và lập gia đình với người bản địa như Kim Ngọc. Nếu gặp Kim Ngọc ngoài đời, không nghe cô nói tiếng Việt, mà chỉ nghe nói tiếng Tạng, cùng với trang phục, cử chỉ, có lẽ mọi người đều lầm tưởng cô là một phụ nữ Tạng chính cống. Tuy nhiên, khi đặt chân đến ngôi nhà ấm cúng có tuổi đời đã một trăm năm, ở ngay trung tâm thị trấn Dharamsala, với lối bài trí đặc thù kiểu Tây Tạng, khách khứa sẽ thấy bầu không khí quê hương Việt Nam vẫn phảng phất.


        • Kim Ngọc chuẩn bị một chuyến đi phát quà từ thiện

        • Kim Ngọc là một phụ nữ khéo tay. Ngoài việc nấu những món ăn kiểu Tây Tạng và Ấn, Kim Ngọc còn có thể chiêu đãi khách những món như phở Bắc hoặc gỏi cuốn kiểu miền Nam. Dịp Tết Âm lịch truyền thống của người Việt, Kim Ngọc gói bánh chưng, làm dưa món. Rằm Tháng Tám thì cô làm bánh trung thu. Cô còn làm tré Huế, bún bò; làm tương, chao… Dharamsala nằm ngay trên dãy Himalaya hùng vĩ, nơi mà mở cửa sổ ra là thấy núi, mây và tuyết trước mặt. Tây Tạng nổi tiếng với món trà bơ nhưng Kim Ngọc có thú vui là nhâm nhi trà sen Việt bên khung cửa, ngắm núi non. 

          Khi quyết định chọn Dharamsala làm quê hương thứ hai, Kim Ngọc cũng từ bỏ việc làm luận án tiến sĩ về Phật giáo ở Việt Nam. Tôi hỏi cô, có hối tiếc không. Kim Ngọc trả lời: Không hối tiếc bởi vì cô xem sự thay đổi này là một duyên lành và đây mới là cuộc sống mà cô thật sự mong muốn. Tôi nghĩ đến một quan niệm mà đại văn hào Đức Johann Wolfgang von Goethe từng nói: “Mọi lý thuyết đều xám xịt, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Có lẽ với Kim Ngọc, cuộc sống ở Dharamsala là cây đời xanh tươi và hạnh phúc hơn là những trang luận án khô khan, lý thuyết. 

        •               Ngôi nhà đơn sơ của Kim Ngọc
          • Từ bỏ học vị tiến sĩ và từ bỏ luôn một tương lai có lẽ êm ấm, thành đạt, Kim Ngọc chọn một cuộc sống khác hẳn. Cô học tiếng Tây Tạng, học cách sống, văn hóa Tây Tạng; đồng thời cũng nghiên cứu sâu về Phật giáo Tây Tạng. Thời gian rảnh, bên cạnh việc chăm sóc gia đình nhỏ cùng với thú cưng là con dê Lạc Dương, Kim Ngọc thường đi du lịch khắp Ấn Độ với chồng con, tìm đến những miền đất mới với những khát khao khám phá. 

            Chồng Kim Ngọc là một anh chàng yêu và cưng vợ vô điều kiện. Nhờ công việc nghiên cứu và chồng lại làm việc cho chính phủ lưu vong Tây Tạng, Kim Ngọc thường xuyên tiếp xúc với Đức Dalai Lama và nghe Ngài giảng pháp. Kim Ngọc còn được biết đến không chỉ là một phụ nữ Việt lấy chồng Tây Tạng mà còn là nhà hoạt động xã hội đóng góp cho cộng đồng, từ làm từ thiện đến giúp phiên dịch cho người Việt sang du học, giới thiệu văn hóa Việt trên đất Ấn…

            Trong đại dịch Covid vừa rồi, khi Ấn Độ ở giai đoạn khủng hoảng nhất và Drahamsala cũng bị ảnh hưởng nặng nề, Kim Ngọc đã đứng ra làm đại diện cho đầu cầu Ấn Độ thực hiện chương trình Napkins for Dharamsala, tặng băng vệ sinh cho phụ nữ ở Dharamsala. Theo thống kê, dân số nơi đây khoảng 140,000 người, trong đó 67,000 phụ nữ, 70% dân sống ở nông thôn.

                         Món phở và gỏi cuốn do Kim Ngọc làm

            Một băng vệ sinh là 5 rupees, giá lương thực được trợ giá của chính phủ thì 3 rupees/1kg gạo; 2 rupees/1kg bột mì. Đặt lên bàn cân, người phụ nữ nghèo sẽ chấp nhận mua lương thực cho gia đình, còn bản thân thì chịu đựng sự mất vệ sinh. Thậm chí nhiều em thiếu nữ phải nghỉ học vì “quá bẩn”. Khi phát động chương trình này, Kim Ngọc cùng chồng đi nhiều nơi, đến những khu nhà ổ chuột, các tu viện nữ, phát tận tay không chỉ băng vệ sinh mà còn lương thực cho phụ nữ nghèo và ni cô. 

            Nếu như có dịp đến Dharamsala, dù du lịch hay nghe Đức Dalai Lama giảng pháp, hãy dành chút thời gian ghé thăm ngôi nhà mang màu sắc hòa hợp văn hóa Tạng-Việt của gia đình Kim Ngọc. Nếu Dharamsala là một tiểu Tây Tạng trên đất Ấn, bạn sẽ thấy có một góc nhỏ Việt Nam ở vùng đất tiểu Tây Tạng này. Hàng trăm năm qua, người Việt Nam đã định cư ở khắp năm châu bốn bể, từ những thành phố lớn phồn hoa bậc nhất thế giới cho đến những chốn hẻo lánh, hoang vu, song có lẽ ít ai, như Kim Ngọc, lại gắn bó đời mình với một miền đất đặc biệt như miền đất Phật Dharamsala. 

            Bài và ảnh: Phúc An



Friday, March 17, 2023

6 lý do khiến cơ thể nặng mùi khi về già

Một nghiên cứu của Nhật Bản đã thu thập áo sơ mi của 22 người trưởng thành trong độ tuổi từ 26 đến 75 để đánh giá mùi cơ thể của họ. Người ta thấy rằng càng lớn tuổi thì mùi cơ thể càng nặng hơn. Một số người gọi nó là “mùi của người già” hoặc “mùi của người đàn ông già.”

 Tại sao trên cơ thể người lớn tuổi lại phát ra mùi đặc biệt? Mùi hôi này phát ra từ những bộ phận nào trên cơ thể? Tiến sĩ Triệu Chiêu Minh, Giám đốc phòng khám Da liễu Bác sĩ Triệu, đã giải thích chi tiết cho chúng tôi về vấn đề này.

 6 nguyên nhân chính gây ra mùi cơ thể

Đó thường là các vị trí kém thông thoáng như sau tai, dưới đáy quần và những nơi tuyến bã nhờn hoạt động mạnh như ngực và lưng. Ngoài ra, khu vực bài tiết của các tuyến mồ hôi cũng dễ sinh ra mùi như vậy. Nếu những khu vực này không được làm sạch đúng cách, sẽ dẫn đến tắc nghẽn và thậm chí là nhiễm trùng. Khi bị viêm, mùi hôi sẽ càng nồng nặc hơn.

 Mùi cơ thể của người già chủ yếu xuất hiện ở những người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, gần đây người ta đã phát hiện ra rằng nhiều người trên 50 tuổi cũng xuất hiện mùi cơ thể. Điều này có thể là do một số nguyên nhân dưới dây.

 1. Rối loạn bài tiết nội tiết tố

Khi tuổi tác ngày càng cao, quá trình bài tiết nội tiết tố nữ và nội tiết tố nam sẽ trở nên không ổn định, dẫn đến cơ thể có thể tiết ra mùi lạ. Ví dụ, khi androgen quá cao, da đầu sẽ tiết nhiều dầu hơn và phát ra mùi hôi.

 2. Trao đổi chất ở da kém

Nếu quá trình trao đổi chất của lớp biểu bì trên da bắt đầu kém đi, chất sừng sẽ ngày càng dày hơn, từ đó có thể gây bít tắc lỗ chân lông và sinh ra mùi khó chịu.

3. Căng thẳng quá mức

Mọi người ở các độ tuổi khác nhau đều chịu các loại căng thẳng khác nhau. Khi có quá nhiều căng thẳng, hệ thống thần kinh tự chủ của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.

 Các dây thần kinh tự chủ bao gồm các dây thần kinh giao cảm và phó giao cảm, có chức năng kiểm soát sự bài tiết của các tuyến mồ hôi. Và nếu không được điều hòa hoạt động hợp lý, các tuyến mồ hôi cũng có thể phát ra mùi hôi.

 4. Ăn quá nhiều thức ăn có mùi vị mạnh

Ăn quá nhiều thức ăn không lành mạnh, đồ ngọt và/hoặc thức ăn có mùi vị mạnh sẽ gây tích tụ quá mức độc tố trong mỡ nội tạng. Khi phát ra qua bề mặt da, loại mùi này không hề dễ chịu.

 5. Chất thải từ đường tiêu hóa

Quá trình bài tiết từ đường tiêu hóa, chẳng hạn như ợ hơi qua đường miệng hoặc chất thải từ đường tiêu hóa dưới, đều có thể tạo ra mùi hôi.

 6. Bệnh kinh niên

Một nguyên nhân quan trọng khác là các bệnh kinh niên. Đối với bệnh nhân tiểu đường, bệnh thận và các bệnh khác, cơ thể họ có thể tiết ra một mùi khó chịu.

 3 cách để loại bỏ mùi cơ thể

Những người mắc bệnh kinh niên đầu tiên nên kiểm soát tình trạng bệnh lý để cải thiện mùi cơ thể. Nếu ai đó khỏe mạnh nhưng vẫn có mùi cơ thể khó chịu, thì đó có thể là kết quả của tâm trạng tồi tệ và/hoặc cách ăn uống [không lành mạnh]. Để cải thiện mùi cơ thể, chúng ta có thể chú ý một số khía cạnh sau đây.

 1. Vệ sinh

Với tuổi tác ngày càng cao, nhiều người dần trở nên ngại tắm và/hoặc gội đầu và vệ sinh chân tay. Một số người cao tuổi sợ lạnh nên khi trời trở lạnh, cách hai ba ngày họ mới tắm một lần. Khi đó, cơ thể của họ sẽ phát ra mùi tương đối khó chịu.

 Một số người có thể mặc quần áo dày và không thay kịp thời, điều này cũng có thể gây ra mùi hôi.

Một số người cao tuổi có da đầu nặng mùi do tích tụ nhiều dầu, bụi bẩn và mồ hôi. Điều này là do họ có thể không thích gội đầu và những người đàn ông cao tuổi thường có nhiều mùi da đầu hơn.

 Người cao tuổi có thể cải thiện mùi cơ thể ở mức độ đáng kể bằng cách vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

 2. Cách ăn uống

Cơ thể bạn có mùi của những gì bạn ăn. Mùi vị của thức ăn có thể được thải ra từ đường tiêu hóa và từ miệng của chúng ta, cũng như được bài tiết qua da. Vì vậy, chúng ta có thể tiêu thụ ít đi những thức ăn có mùi vị nặng, chẳng hạn như cà ri, gừng và thức ăn cay để tránh cơ thể phát ra mùi khó chịu.

Quan trọng hơn, chúng ta nên ăn nhiều thực phẩm có lợi cho cơ thể, chẳng hạn như rau xanh. Rau chứa nhiều loại vitamin cũng như nhiều chất phytochemical, bao gồm carotene và anthocyanin, rất hữu ích cho quá trình trao đổi chất của cơ thể. Cơ thể bạn sẽ không nặng mùi nếu bạn ăn nhiều rau, và thậm chí có thể tỏa ra một mùi hương tươi mát.

 3. Uống đủ nước

Uống nước rất quan trọng. Cung cấp một lượng nước đầy đủ sẽ giúp cơ thể thực hiện các quá trình trao đổi chất hiệu quả. Và với sự trao đổi chất tốt, mùi cơ thể của bạn sẽ từ từ trở nên nhẹ hơn.

Saturday, March 11, 2023

Một góc chợ Phan Thiết | khu vực chùa Bà Đức Sanh năm 1969


 Phan Thiết Phố

Anh chưa có vợ như chợ chưa có đình,
Trời mưa dông đôi ba hột, anh biết ẩn mình vô mô
-ca dao-
/ một góc chợ Phan Thiết | khu vực chùa Bà Đức Sanh năm 1969
ảnh chụp của Bod Deboer /

Hình ảnh Phan Thiết - Vườn Bông Nhỏ góc đường Duy Tân

 

mình từng coi qua khá nhiều hình ảnh về Phan Thiết ngày xưa, nhưng rất thích khi được một bạn scan gửi mình bức hình này, vì góc chụp từ vườn bông nhỏ nhìn rõ được Lầu Nước. Lạ & chưa từng được thấy.

nó nằm trong album gia đình của một bạn ở Huế,
sau lưng bức hình có dòng chữ :

tất cả cho người yêu
đêm thức khuya
Huế 1972
Phan Thiết - quê nội
____
Cảm ơn bạn LEE ANH đã chia sẻ bức hình này

Ký ức về thức ăn ST FB Phan Thiết Phố

 

Dĩ nhiên, người Bắc thích Phở, Bánh tôm Hồ Tây, Bún Thang, Bún chả cá lã vọng, Bún chả thịt heo nướng, Đậu phụ mắm tôm, Chả rươi… Người Trung thích Bún Bò, Mì Quảng, Thịt luộc tôm chua, Bánh Nậm, Bánh Bột Lọc Tôm thịt, Bánh bèo… Người Nam thích Bánh canh giò heo, Lẩu mắm, Tôm thịt luộc cuốn bánh tráng mắm nêm, Cá lóc nướng trui, Bánh xèo, Gỏi cuốn, Hủ tiếu Nam Vang… Ẩm thực miền nào cũng có thế mạnh của nó, vì thế có khi gặp dịp người Nam cũng thích món Bắc và ngược lại. Nhưng họ luôn thích món ăn vùng miền họ hơn.
Có một lần tôi gặp một anh đồng nghiệp của chồng tôi ở chợ. Anh đến yêu cầu tôi chỉ anh mua vật liệu và cách làm món thịt bò xào cải xanh theo kiểu Bắc. Anh nói: Vợ tôi người Nam không biết làm món này mà tôi thì thèm quá, vì hồi trước ở nhà vẫn được ăn.
Một ông Huế cưới vợ xong, điều đầu tiên ông ta làm là đưa vợ về quê để hưởng Tuần trăng mật, sau là một công đôi việc, nhờ các O, các Mệ ở quê dạy cô vợ mới nấu nướng theo kiểu Huế. Ngoài ra, cũng không quên bảo vợ phải học cách trình bày món ăn sao cho đẹp cho sang, và thanh lịch. Chứ không phải nấu xong là đổ lộn xộn trên đĩa. Người Huế không bao giờ ăn ớt đỏ, nhưng phải nhớ chỉ được dọn ớt xanh. Rau luộc không được dùng nước chấm cá, thịt kho, hay nước mắm mặn, mà phải chấm với nước ruốc pha kiểu Huế.
Khi tôi lấy chồng chúng tôi đã ở với ba má chồng khá lâu. Ba chồng tôi là một người thích ăn ngon nên mẹ chồng tôi phải là một người nấu các món Huế thượng thừa. Món nào bà làm cũng ngon hơn những nơi bán thức ăn Huế thời ấy. Tôi là người Bắc quen ăn món Bắc đã 20 năm, vậy mà chẳng bao lâu ở với bà, tôi trở nên ghiền các món Huế bà nấu. Tôi mê món mắm cà giòn tan, chua chua, ngọt ngọt, món tôm chua thơm quyến rũ, món bánh bèo tôm chấy rất đặc biệt, món bánh nậm mềm mại như má thiếu nữ, và biết bao nhiêu món ngon khác của bà. Tất nhiên, tôi cũng tình nguyện trở nên môn đệ của bà một cách nhiệt thành, bởi vì một trong các cách làm chồng mê, đó là cho các ông ấy ăn ngon. Bao tử gần trái tim mà! Nhưng khi ra riêng, tôi dùng thuyết “trung dung” nghĩa là mâm cơm gia đình theo ba kiểu Bắc, Trung, Nam. Nơi nào có món ngon là tôi “lượm” về, chứ không chuyên ẩm thực của một vùng miền nhất định. Mỗi chủ nhật có một bữa ăn đặc biệt hơn ngày thường.
Sau 1975, nhiều người đi xa lâu ngày thường nhớ về quê hương cùng với những kỷ niệm và ẩm thực là một trong các kỷ niệm đó. Họ không chỉ nhớ về các món ăn vùng miền họ, nhưng sự nhớ của họ phức tạp hơn, sâu sắc hơn, cảm xúc hơn, riêng tư hơn, chẳng hạn một ông người Huế nọ không chỉ nhớ món Mì Quảng tôm, thịt (heo) như thông thường, vì ở ngoại quốc bây giờ người Việt đông, để đáp ứng nhu cầu người Việt, người ta bán không thiếu thứ gì, nhưng ông nhớ món Mì Quảng thịt vịt và tôm mẹ ông vẫn thường làm trong các bữa giỗ ở quê nhà. Có thể là mẹ ông đã cải biến không theo lối truyền thống vì lý do nào đó, nhưng với ông món Mì Quảng thịt vịt và tôm là ngon nhất trần đời, mà ông không thể tìm thấy bán ở đâu!
Một ông khác người Nam đi xa lâu năm trở về quê hương. Ông bước vào một hiệu ăn lớn gọi món cá bống kho tiêu. Nửa giờ sau, món gọi được bưng lên ông ngồi rưng rưng ngắm một hồi mới nếm thử, nhưng ông nhíu mày, lắc đầu, gọi người phục vụ đến: Không phải cá Bống kho keo như thế này. Thời xưa mẹ tôi không kho như vậy, bà kho keo nữa kia, hơi cháy một chút, ăn ngon lắm! Cá Bống này lớn quá! Mẹ tôi kho cá nhỏ hơn, kho thơm hơn, ngon hơn! Người phục vị thuật lại với ông đầu bếp. Ông đầu bếp lắc đầu, chịu thua. Ông khách trả tiền, bước ra, không vui. Ông đến phàn nàn với một người bạn cũ, hoá ra ngày xưa gia đình nghèo. Chiều chiều mẹ lên chiếc thuyền con, ra khúc rạch gần nhà, thả lưới, ngày nào cũng được một mớ, nếu cá lớn bà sẽ bán, chỉ giữ lại ít tép nhỏ, cá vụn về kho sắt lại cho các con ăn. Những đứa trẻ tay lấm, chân bùn, suốt ngày không có quà cáp gì, bụng đói ngồi quanh nồi cơm nóng, trên mâm chỉ có một đĩa rau luộc, một đĩa cá tạp kho khô, thêm chút tóp mỡ, nên đĩa cá biến thành đặc sản. Các dư vị đặc biệt của món cá thời thơ ấu mẹ nấu không bao giờ phai nhạt trong ký ức ông, ông thổn thức với nó và ông cho trên đời này, không ai có thể kho món cá ngon như của mẹ thuở xưa.
Ngày nay, trong các hiệu ăn sang trọng, bên cạnh những món mới danh tiếng, họ cũng bán những món ăn dân dã hồi xưa như tô nhỏ mắm chưng với tóp mỡ kho quẹt kèm theo một đĩa các loại rau xanh, Khổ qua, Đậu bắp, Su su luộc… giá rất mắc, bởi vì nhiều người già chán các món cầu kỳ sang trọng ngày nay nhiều dầu mỡ, họ chỉ gọi những món dính với kỷ niệm xa xưa của họ như thế.
Ở Phan Thiết, một lần tôi đã thấy một ông lớn tuổi ngồi xuống một quán bánh căn trên lề đường. Ông mượn một cái tô lớn nhất mà người bán có thể có, rồi nói với bà chủ: Bà bán cho tôi đầy tô này. Ông đổ đầy nước mắm, rồi chầm chậm, thong thả, nhẹ nhàng, trầm tư dùng đũa dầm nát bánh trong tô. Ông không vội ăn, ông đang làm một cuộc hành hương về kỷ niệm, về quá khứ, về một nơi nào đó xưa xa, với bóng dáng những đứa trẻ mang cặp táp tung tăng đến trường, một ông bố còng lưng kiếm sống, một bà mẹ lúi húi trong bếp hay chăm lo con cái… hoặc ông nghĩ về một cô bạn học sinh thời mới lớn nào đó má đỏ hây hây cạnh lò bánh căn đỏ lửa với những giọt mồ hôi chảy dài trên trán, trên má, trên cổ . Vừa ăn vừa xuýt xoa, không biết vì thẹn hay vì nóng…đẹp quá mối tình đầu! Nước mắt ông không nhỏ xuống vì đã bao đêm nó thấm sâu vào trái tim ông…
Tôi nhớ trước 1975 có lần xem một cảnh trong phim: Một anh lính Nhật sống sót trở về sau những trận chiến đẫm máu kinh hoàng mà phần lớn bạn bè anh đã nằm lại trên trận địa. Anh ngồi trên chiếc xe bò tồi tàn, thõng hai chân xuống đang ăn chầm chậm một khúc cơm nắm. Chỉ có cơm trắng thôi không có thức ăn gì khác, nhưng sự xơ xác, mỏi mệt, buồn bã, bàng hoàng không che được hết nổi hạnh phúc tràn ngập trên gương mặt anh. Trời đẹp, gói hiu hiu mát, hai bên đường là đồng lúa xanh mơn mởn, đầy sức sống… Chân anh đong đưa, đong đưa theo nhịp xe. Sự hạnh phúc được trở về ấy lớn đến nỗi gây ấn tượng mãi trong lòng tôi cho đến tận bây giờ.
Người lính may mắn ấy cũng đang làm một cuộc hành hương…
______
*Ghi chép của thi sĩ Huyền Chi, tác giả của bài thơ Thuyền Viễn Xứ, đã từng có thời gian sống & làm việc ở Phan Thiết
*Ảnh chụp ở Phan Thiết năm 1968 | chưa rõ tên tác giả bức ảnh

Tuesday, March 7, 2023

Mẹ Lấy Chồng

 

Mẹ lấy chồng

TTH - Từ độ trong năm đã thấy mẹ nói gióng “sau tết mẹ lấy chồng”. Tưởng chỉ đùa vậy thôi hóa ra mẹ lấy thật. Nhẹ hều như chuyện chẳng có gì to tát. Như là mẹ qua sông đi chợ, như ba lô quần áo kia chỉ đủ để mẹ đi thăm bạn bè cũ vài ngày.

Trước hôm theo chồng, mẹ quét tước cửa nhà tinh tươm, hái nốt đợt chè xuân, lót sẵn ổ rơm cho mấy con gà mái. Cây mai trước nhà vừa trổ nụ vừa rực vàng thay áo, chiều nào lá cũng tức tưởi rơi. Mẹ không nhớ đã nhặt nó ở đâu về trồng, không phải mai miền nam cũng chẳng phải giống mai tứ quý. Giống mai gì kỳ lạ, năm nào cũng đỏng đảnh nở hoa sau tết, vàng rực một màu trong nền lá non đỏ lịm. Mẹ tiếc mãi hoa không kịp nở, nên trước lúc ngồi sau xe người ta trôi đi mẹ đã hái vài nụ mai nhét vội trong ba lô quần áo. Tôi đứng đó nhìn theo, trong cổ họng vẫn còn vị tanh của canh cá nấu khế vườn nhà. Bữa cơm đạm bạc tiễn mẹ về nhà chồng chỉ có rổ rau má, canh cá và đĩa tép khô. Thịt thà mẹ không ham, mấy thứ đó lúc nào muốn chả có. Lấy chồng về phố, mẹ chưa gì đã thấy thương mình những ngày tháng xa quê…

Mẹ lấy chồng lần này là lần thứ tư. Cả bốn lần tôi đều có may mắn được hiện diện trong ngày trọng đại. Lần thứ nhất tôi hân hoan núp sau lớp áo lụa trắng đã ngả vàng trong đám cưới bố mẹ mình. Mẹ lúc nào cũng ôm khư khư cái nón để che đi bụng bầu sáu tháng trước hàng trăm con mắt tò mò. Nhưng bố không thích thế, bố bảo “đừng có che mắt con, để con có thể chứng kiến ngày hạnh phúc”. Cỗ cưới ngày đó chỉ có cau trầu, bánh kẹo và nước chè đặc sánh. Hôm đầu tiên về nhà chồng mẹ ra sân quét hoa xoan rơi rụng, mắt ngó ra ngõ dài len lén lau nước mắt. Đứng trên đồi nhà nội có thể trông thấy cây cau nhà ngoại, lấy chồng gần vậy mà mẹ cứ như xa cách nghìn trùng. Đấy là tôi nghe nội kể lại chứ ngày đó tôi nào đâu đã biết gì. Cả cái chết của bố năm tôi tròn sáu tuổi giờ cũng không còn lưu lại chút ký ức nào. Ngoài hình ảnh hôm đưa tang bố, mẹ mặc chiếc áo lụa ngả vàng trong ngày cưới, đầu đội khăn tang trắng đến lạnh lòng. Thế là… mẹ tôi qua một đời chồng.

Lần thứ hai ngày mẹ lấy chồng tôi còn mải chạy theo đám bạn ra đầu ngõ chia tiền bán sắt vụn. Vài cánh tay níu tôi lại, lôi xềnh xệch về nhà nội. Người ta bảo “mẹ mày sắp lấy chồng giàu cần quái gì mấy đồng sắt vụn”. Tôi bật khóc hu hu chẳng phải vì mẹ sắp đi xa mà chỉ vì thấy lũ bạn đã cầm tiền chạy mất. Cỗ cưới mẹ lần đó rõ tươm tất, người đến ăn cỗ còn mang túi nilon lấy phần về. Tôi đứng nép ở góc nhà ngó mẹ diện váy cưới ren trắng đứng bẽn lẽn bên người đàn ông của mình. Mẹ làm nữ chính trong buổi tiệc, vui vẻ ban phát từng cái gật đầu, từng nụ cười với người xung quanh. Thỉnh thoảng như chợt nhớ ra mình còn có một đứa con nên mẹ đưa mắt dõi tìm tôi. Mối liên hệ giữa tôi và mẹ lúc đó chỉ là những cái vẫy tay. Tôi khi đó mười tuổi bỗng nhiên thấy mẹ xa lạ quá nên không dám lại gần. Người đàn ông của mẹ có chiếc mũi diều hâu, ông vừa cười vừa hít vào khìn khịt. Ông bốc cho tôi một nắm kẹo xanh đỏ, xoa đầu tôi vài cái. Rồi thản nhiên đón mẹ tôi đi. Tôi ở lại với nội không khóc nhớ mẹ cũng chẳng thèm tức giận mỗi khi bị tụi bạn trêu. Chỉ là mẹ đi lấy chồng. Chỉ là mẹ không còn ngủ cùng tôi mỗi tối.

Lần thứ ba mẹ đi lấy chồng tôi đã thành thiếu nữ. Bữa đó người ta cứ tưởng nhầm tôi là cô dâu. Mẹ mặc áo dài trắng, da xanh xao, lốm đốm tàn nhang nổi trên khuôn mặt gầy. Tôi lôi mẹ vào buồng mang son phấn của mình ra điểm tô cho nữ chính. Mẹ sờ lên má tôi, vuốt tóc tôi. Hình như mẹ nuối tiếc thời son sắc một thời trong bóng hình tôi tươi trẻ. Mắt môi mẹ đượm một màu buồn nhưng thỉnh thoảng vẫn bẽn lẽn cười hạnh phúc.

Chú rể đầu lơ thơ vài sợi bạc, lóng ngóng thắp hương vái gia tiên. Lúc đứng chụp chung bức ảnh kỷ niệm không hiểu sao tôi thương hoài những ngón chân của dượng. Bàn chân lội ruộng vàng khè đang cố co lại giấu trong đôi dép xăng đan chật chội. Dượng mặc chiếc áo bộ đội đã bạc màu, gấu quần vải căng đầy bọng cát. Nội khi đó đã nằm liệt giường nên không còn đủ sức ngắm đứa con dâu thêm một lần tái giá theo chồng. Ông mất khi bố tôi còn nhỏ, mấy chục năm trời nội ở vậy nuôi con. Lần trước tiễn mẹ đi nội ra ngõ ngóng theo lén lau nước mắt. Lúc nghe tin người ta đánh đuổi mẹ ra đường nội lại lật đật tàu xe đi đón con về. Mẹ có qua mấy lần đò cũng vẫn là con dâu của nội. Nội lẫn đã lâu nên hôm thấy mẹ về nhà chồng nội níu tôi lại hỏi pháo ở đâu nổ giòn giã vậy? Xứ của mình bây giờ bói đâu ra tiếng pháo. Nội ơi…

* * *

Thiên hạ vẫn thường hay thương vay khóc mướn. Họ thương hại giùm tôi cái kiếp cây cỏ lay lắt sống. Nhưng tôi đâu có buồn cũng chẳng hề trách mẹ. Người đàn bà nào cũng có quyền hạnh phúc. Mà mẹ tôi lại là người tha thiết kiếm tìm hạnh phúc, điều đó có gì sai? Tôi phải cám ơn mẹ vì bà chưa bao giờ coi tôi là gánh nặng cản đường. Điều ấy khiến tôi mang ơn mẹ theo một cách khác, nhẹ nhàng và không vướng bận hay day dứt. Mẹ chắc cũng đã nghe đủ lời cay nghiệt từ miệng lưỡi thế gian. Họ nói thứ đàn bà quạ mổ bỏ con theo giai không biết bao nhiêu bận. Thứ đàn bà bất hiếu mới không ở vậy phụng dưỡng mẹ chồng. Bao nhiêu cay đắng mẹ giữ trong lòng, ngạo nghễ đáp lại đời bằng nụ cười trong ngày cưới.

Hôm nội mất mẹ không về kịp. Tim đã ngừng đập nhưng mắt nội vẫn còn ngóng đợi, cho đến khi những ngón tay của mẹ chạm vào nội mới thật sự thanh thản đi về cõi khác. Bởi nội hiểu không ai thương nội nhiều như mẹ. Từng ấy năm chịu bao phận làm dâu, nhưng trong lòng mẹ nội vẫn là bến bờ bình yên nhất. Mẹ chắt chiu từng đồng quà tấm bánh, từng manh áo ấm, từng viên thuốc bổ gửi về biếu nội. Những lần mẹ về thăm ngắn ngủi bữa cơm nào cũng bùi ngùi ba thế hệ. Mẹ như đã sống cho cả phần đời của nội. Cái phần đời cam chịu đầy giằng níu đã không một lần dám sống vì mình.

Sau cuộc hôn nhân lần ba tôi cứ nghĩ mẹ sẽ chẳng bao giờ lên xe hoa lần nữa. Quá tam ba bận là cùng. Mẹ giờ như dòng sông cạn đáy mỏi mệt sau một đời người miên miết chảy. Từng cuộc hôn nhân tan vỡ, mẹ trở về nhà lầm lũi sống. Đó là khoảng thời gian hiếm hoi mẹ dành cho tôi tuyệt đối. Mẹ thường ngỡ ngàng khi thấy tôi lớn nhanh quá. Ký ức về tôi trong lòng mẹ sẽ có vài khoảng trắng. Như cuộn phim bị mất vài đoạn hay, như cuốn sách bỗng nhiên thấy nhiều trang không một kí tự nào. Sau mỗi lần mẹ làm cô dâu thì trong đầu tôi cũng là khoảng trắng. Tôi chẳng thể hình dung nổi mẹ đã sống ra sao ngoài nghe những lời đồn đại chật ních cả tai. Những khoảng trắng đó chẳng thể nào bù đắp nhưng tôi quen có nó trong đời. Như là quen bỗng một ngày nào đó mẹ lấy chồng. Kể cả khi mẹ đã bước sang tuổi sáu mươi.

Trước hôm theo người đàn ông thứ tư về phố, mẹ gõ cửa phòng sang ngủ cùng tôi. Tôi ba mươi, hiểu đến từng tiếng trở mình của mẹ. Nửa đêm nghe mưa xuân rớt lạnh ngoài cửa sổ, mẹ thở dài hỏi:

- Có phải vì mẹ mà con không chịu lấy chồng?

- Con ở lại để canh mai nở. Lỡ mẹ có về…

Câu “lỡ mẹ có về” chìm nghỉm trong cuống họng giữa những tiếng mưa ngày càng nặng hạt táp vào mái tôn lộp bộp. Tôi khác mẹ ở chỗ luôn hoài nghi về hạnh phúc, nói đúng hơn đó là cảm giác bất an. Tôi không biết có đủ can đảm như mẹ để đứng lên sau nhiều đổ vỡ. Cũng không biết còn có ai đón tôi trở về trong cơn đau đớn tột cùng của một kẻ thất bại. Ai cũng cần một bến bờ và hình như tôi đã quen với việc chờ đợi mẹ. Dù sự chờ đợi ấy luôn bọc trong cái vẻ hững hờ, bình thản nhất. Như nhiều năm về trước đón mẹ ở ngõ trong bộ quần áo lấm lem bùn đất tôi khẽ nhoẻn cười. Mẹ trải qua cuộc hôn nhân thứ hai với bao nhiêu biến cố thăng trầm nhưng với tôi mẹ như chỉ vừa đi chợ về. Như thể cuộc hội ngộ ấy không phải sau sáu năm xa cách. Nhìn mặt mẹ đầy vết thâm tím, mắt sưng mọng, trên tay là chiếc ba lô đựng hành lý nhẹ tênh ngày mẹ theo chồng. Tôi giấu cái nhói lòng bằng vẻ mặt hồn nhiên nhất, vờ cúi xuống vơ nắm lá mai nhóm bếp. Tôi giục “cơm sẽ chín nhanh thôi, mẹ đi tắm luôn đi”…

Sau đời chồng thứ ba mẹ trở về nhà héo tàn như lá úa. Tôi lúc đó cũng vừa kịp trải qua mối tình đầu ba năm hò hẹn. Đã thôi tránh nhìn vào mắt mẹ, đã thương xót nhau quá đỗi đàn bà. Dượng mất sau một vụ tai nạn xe hơi, nhà cửa ông bà để lại anh em dượng tranh nhau xâu xé. Trên đầu mẹ là vành tang trắng, trong ba lô xách về có thêm di ảnh dượng. Mẹ đốt hương trầm cho bố tôi, ngẩn ngơ ngồi khóc. Ở góc nhà lập thêm một bàn thờ, thờ dượng. Có đốt khói hương ở nơi này dượng cũng không về được nhưng tôi nghĩ chắc lòng mẹ sẽ thanh thản, nên làm. Nhiều ngày dài chúng tôi trò chuyện với nhau bằng lặng câm. Tôi không biết làm gì hơn ngoài nấu cho mẹ những bữa cơm, quanh quẩn vườn nhà chờ nghe gọi “con ơi…”.  Nhiều mùa mai rụng lá, rồi mai trổ nụ bừng hoa đã đi qua. Và tim mẹ cũng đã vui trở lại.

Tôi mong sao lần này là lần cuối mẹ làm cô dâu. Dẫu chẳng có hoa cưới cầm tay, hoa trắng cài đầu mẹ vẫn cứ là cô dâu đẹp nhất. Vẫn bẽn lẽn như lần đầu làm cô dâu của bố. Dù lúc ngồi đằng sau xe người đàn ông ấy tôi thấy rõ tuổi xế chiều của mẹ. Mười tuổi tôi đã biết gập đồ cho mẹ về nhà chồng. Trong hành lý lần này của mẹ tôi lén bỏ vào vài hộp thuốc hoạt huyết, thuốc bổ mắt, thuốc trợ tim. Chiếc kính lão cũng là món đồ không thể thiếu. Người đàn ông thứ tư của mẹ cũng từng trải qua một đời vợ. Những cong vênh khớp lại với nhau có đôi khi vừa vặn. Hạnh phúc cuối đời ngậm ngùi đến từng cái nắm níu tay nhau. Tôi ngồi dưới gốc mai nhìn theo chiếc xe máy đang trôi dần xuống dốc. Nhìn cho đến khi cô dâu, chú rể chỉ còn là chấm nhỏ lấp lánh ánh hoàng hôn vàng như một bông mai. Rồi một ngày nào đó tôi cũng sẽ lấy chồng. Không còn ai sống trong ngôi nhà này để canh mai nở…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG