Saturday, October 31, 2015

Tôn sư trọng đạo

Sắp tới 20/11, viết nhanh về nghề tháo giày, bởi mấy bạn lứa 72 làm thày giáo nhiều lắm, thao thức mấy đêm còn chưa nhớ hết, “độc hại” thì có TS, TVH, NQT, HVT, HS, “đau cẳng” có TPS, NDHD, NTM, “dứt cháo” có TVB, NVT, BTD, ĐTB, DVS, TTP, VTT, MHT, LTS, NVT… Tôi phải nhanh tay, kẻo có đứa giành viết trước.
Chọn nghề thày, có lẽ lúc nhỏ đi học, hình tượng Thày Cô là số 1, không có số 2. Hơn nữa, dễ ba sạo và dễ hù dọa mấy đứa nhỏ. Có bạn nói là nghề cao quý, nhưng tôi chưa tin lắm, chỉ thấy nghề đi dạy nhẹ nhàng mà lại dễ “có” tiếng, nói theo ông Pareto bên Ý đúng phóc nguyên tắc 80/20. Nhớ hình ảnh Thày Ân áo nâu sòng ta ta mi mi học thuộc như con vẹt là được, hình ảnh Thày Hiển mắt nhìn cuốn Le Bossé tay kéo dài cây cần ăng ten giọng nhỏ nhẹ mấy em làm bài này… Nhớ cô Quán, cô Tuyết, cô Thu Hà, cô Đào, cô Hương, cô Ngọc, cô Lệ… thướt tha tà áo dài hiền từ như các người mẹ. Rồi các Thày lớn tuổi như Thày Kỳ, Thày Bảo, Thày Châu…, ai cũng trang nghiêm như người Ông của mình. Lúc đó và sau này, chỉ có lũ học trò là vô tư nghịch ngợm, chỉ sau Ma và Quỷ. Có hôm học Thày Ba dạy vạn vật, cả lớp ho, Thày hỏi sao vậy, cả đám đồng thanh trả lời ho gà, cả lớp cười ồ, Thày cũng cười theo, sau này biết, Thày hơi giận. Có buổi chờ Thày Tùng vào lớp, chợt có tiếng gọi … của mấy anh chị lớp 71 học trên lầu, Thày nhìn lên thấy loáng thoáng ông nội em của mình, Thày bước vào lớp hơi thoáng buồn, lớp hơi ác lại thấy vui. Có lần lớp tôi đến lượt hát quốc ca, Thày Cô học sinh cả trường đang nghiêm trang chào cờ, gần nửa lớp bỗng chuyển sang hát bè nhái theo bản Apache, cả trường cười ra nước mắt, ban giám hiệu giống ngậm bồ hòn, phải chờ hát xong mới giận dữ kêu hỏi từng đứa, không ai chịu khai cả mấy thằng bạn con các Thày giám thị, thế là cha mẹ được mời lên trường làm bản cam đoan cho biết thế nào là lễ độ, có VC xúi giục gì không. Tôi phải về năn nĩ Mẹ, bảo lãnh hộ cho mấy đứa bạn ở xa, Mẹ chỉ cười và khăn gói đi thẳng lên phòng hiệu trưởng.
Nhớ nhiều thời trung học PBC nhờ thêm biệt danh vào tên bạn như P. con, H. đại đội trưởng, S. khùng… hoặc dễ phân biệt bằng tên cha mẹ như Phúc L., Phúc D… Hết nghịch bạn đến nghịch Thày, Thày nào cũng có bí danh, như các tên B. g…, Â. c…, T. đ…, T. b…, H. x…, T. k…, C. b… Rồi có khi nhờ Thày mà đặt tên như bạn J’en n’ai deux. Vui buồn đều có, thậm chí nhớ lại có đứa còn bị Thày la hét, bạt tai, nhưng chả ai “thù dai” chuyện này cả Thày lẫn Trò. Tôi nhớ có xem đâu đó trên trang hội ngộ, chuyện nói về Thày Lê Tá, kết không giống suy nghĩ của mình, hơi đâu mà oán giận Thày Cô. Cuộc đời giống con nước Cà Ty lên xuống theo ngày, vài ly xây chừng là quên hết.
Cái thuở mới bắt đầu làm thày giáo trẻ thật khổ, ăn lương tập sự 85%, ngồi 8 tiếng soạn bài giảng với đống sách tiếng Nga chán phèo, cùng cô thư ký làm công việc nhận nhu yếu phẩm về phân chia cho bộ môn, chỉ mong lên lớp phụ giảng với mấy Thày lớn tuổi cho bớt stress. Nói phụ giảng cho oai, chứ thật ra lên lớp để các Thày chỉ vẽ xưng hô ăn nói như thế nào, tay chân đặt ở đâu để không dư thừa, cách “xạo” bọn nhỏ như học thuộc lòng công thức như cháo hay nhớ tên họ quê quán từng đứa để gọi tên cho thân mật. Chán nhất là gặp SV nữ nhỏ hơn mình vài tuổi lại không được cười, chỉ nhếch mép chào lại khi hắn nghiêm chỉnh cúi đầu chào mình, nhìn thẳng vào mặt không được mắc cở nhìn chỗ khác lộn xộn. 


Vì vậy, tôi thích dẩn SV đi ra ngoài thực tập hơn, một công đôi ba chuyện. Lần đầu làm thày, dẩn SV về Cần Thơ thực tập sửa chữa cầu Cái Răng làm cầu Ngã Bảy, ban ngày đi công trường, cuối ngày về Bình Minh ở láng trại theo công nhân. Tắm, lội qua bên kia sông Trà Ôn, thấy dân trên bờ bên ni đứng đầy, tưởng tôi tự tử,  vỗ tay hoan hô quá trời, nhỏ lớn chưa từng thấy đứa nào dại bơi qua sông. Ăn cơm chiều xong, leo lên tầng trên chiếc phà qua lại Cần Thơ, ngồi nhìn lục bình trôi từng dề trên sông Hậu giang nhớ về quê hương Cà Ty PT, đến khuya thì bác nhân viên già đuổi lên bờ, hết giờ phà chạy, về chun vô mùng ngũ né muỗi đang thổi sáo vo ve. Cảm giác nhớ đời lần đầu đi cầu tỏm, cầu 2 ngăn cách nhau bằng những tấm lá dừa mỏng cao chừng bốn tấc, đang ngồi dụ cá, một cô gái tà tà đi vào lạnh lùng… ngồi xuống, tôi run nín thở không dám động đậy, chờ cô ấy đứng lên… đi xa dần. Lần sau đi cầu, tôi năn nỉ một đứa nam SV, nó chỉ có nhiệm vụ ngồi chung giành chỗ, một tô hủ tiếu và một ly bạc xỉu cho một lần như vậy. Mỗi đợt dẩn SV đi thực tập miền Tây, về lại trường, tôi lại được đón như ông hoàng, dù khuya đến đâu mỗi bộ môn một bà, chờ chia gạo mua được theo giấy giới thiệu xe trường chở về. Ôi, thời bao bố.

Nhớ tình cảm mấy Thày Cô PBC, tôi quý và sợ học trò suốt đời, chả dám cho đứa nào rớt trừ trường hợp không có bài thi hoặc thi bỏ giấy trắng, chỉ cần viết tràn giang đại hải chữ viết càng xấu càng tốt để mấy ông bà đào tạo khảo thí không xoi mói là tôi cho 5 điểm. Lúc nhỏ, mỗi lần thi đều vái ông Nội, dù ông tôi chưa học qua mẫu giáo, vậy mà ông cũng phù hộ không rớt. Lúc nhỏ, cứ mỗi năm mỗi đợt thi chuyển cấp là một số bạn lại chia tay, tôi không muốn ai phải rớt, không thích cảnh chia ly, mấy bạn thấy đấy chia ly rồi cũng phải hội ngộ. Năm qua Pháp học tiếp ở INSA de Lyon, thấy Thày Trò tụi Tây cũng khá cởi mở, ra Parc de la Tête d'Or ngồi học, chán còn rủ nhau tắm truồng ở Parc Miribel Jonage , chuyện thi cử nhẹ như chiếc lá maple cuối thu rụng đầy bờ hồ. Cũng chưa dám hỏi GH, ở Nice có các cảnh này không. Thày Tây cũng như Thày Ta, đều yêu quý và muốn học trò thành đạt nên người.

Lúc học đại học, lứa 72 lại được học 2 types Thày, Thày trước 75 và Thày sau GP. Những ông Thày trước 75 thường được đào tạo từ lò Tây Mỹ, mấy ông sau lò TQ LX. Những Thày đi Tây Mỹ về lại VN thường vừa đi dạy vừa làm công chức cao cấp hoặc chủ công ty lớn, sang như Tây giỏi như Mỹ, như Thày Phan Việt Ái (Alan Phan, vừa mới mất ở Mỹ) dạy cấp thoát nước, Thày Đặng Đình Áng, Thày Võ Thế Hào dạy toán… Thày Cô sau GP, thường người miền Nam tập kết, hiền và ai cũng muốn chứng tỏ LX không thua Mỹ, TP không thua Tây, mới có bài thơ Tố Hữu, trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ LX tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ??? Nét chung, hai thế hệ thày cô đều thương học trò, chắc do đặc điểm nghề nghiệp, và đều có nỗi niềm riêng về … một thời lý lịch.
Nhiều Bạn nhận xét giống tôi, bạn thời trung học là quý nhất, sau đến bạn tiểu học, chót là đại học, còn sau đại học thì khỏi bàn. Có thể giải thích, đại học cùng nghề nghiệp, phải cạnh tranh chen lấn khi ra trường, gặp nhau lúc đã trưởng thành mưu mẹo tính toán bắt đầu chớm nở. Tiểu học thì còn bé quá, chỉ lớn hơn tuổi mẫu giáo một tý, nhà cách nhau cái giậu mùng tơi, xanh lè thấy hết nên chán. Trung học tuổi mới lớn, biết nhau tới bảy năm dài dằng dặc, qua nhiều đợt chia ly hội ngộ, chưa có gì để vụ lợi suy nghĩ bậy bạ, trừ một số rất ít gặp hên thành cặp đôi lý tưởng như P-T, T-M, S-H, T-T, T-S… Dùng ánh xạ hay phép chiếu gì đó, Thày Cô cũng gần gần như vậy.
Trong sự nghiệp đưa người qua sông, cứ thấy lặp đi lặp lại, SV những năm cuối làm đồ án tốt nghiệp, đứa nào cũng cảm động nói trong nước mắt, ra trường con sẽ điện thoại thăm thày mời thày đi nhậu uống cà phê. Gần 40 năm nghề đi dạy, gỏ đầu phải cả chục ngàn đứa, đếm lại chỉ lác đác vài em, rủ thày uống cà phê để nhờ thày tìm việc trong đợt kinh tế mấy năm khó khăn vừa rồi. Chỉ mấy lớp lớn tuổi các khóa 77, 78 sắp về hưu, họp mặt ưa rủ thày. Thôi, có còn hơn không, học trò nhớ tên mình biết mình còn sống là mừng lớn phúc đức lắm rồi.
Trách chi trò, thày cô thời này cũng kỳ, ưa hù dọa học trò bán điểm, có ông tiến sỹ TTV trường TC Maketing, nổi tiếng trên mạng, cho điểm thi tính bằng chai tại nhà hàng. Loại này nhiều lắm, khi giáo sư tiến sỹ VN ra đường là gặp, trường đại học cao đẳng mở ra như cá cơm nổi trắng biển buổi sáng năm xưa ở quê mình. Quên, Phan Thiết cũng có một trường đại học tư thục, do một ông chủ nhà hàng gì đó người SG mua xác nhà cổ làm resort, tận dụng chơi luôn làm trường  gần Phú Hài.

Nói gì nói, một chữ cũng là Thày mà nửa chữ cũng là Thày. Dân PT mình lại có truyền thống ham học, mà lại ca hay học giỏi nhờ ăn nhiều cá. Nhờ Thày Cô, học sinh PBC cũng nhiều người ăn nên làm ra, nhiều nhạc sỹ ca sỹ như NT, TT, AK…, và nhiều doanh nhân nhà khoa học kỹ sư bác sỹ đang âm thầm ẩn danh như những con chim ẩn mình chờ... Hiện nay, PT ngoài PBC lại có thêm trường chuyên Trần Hưng Đạo (khu vực Chính Tâm cũ), nhiều đàn em sau này siêu lắm, nhiều tiến sỹ thành công trong và ngoài nước. Mong sao PBC giữ được truyền thống tôn sư trọng đạo, có trên có dưới, chứ đừng kiểu họp mặt hàng năm để xin tiền, tôn vinh mấy ông quan chức cán bộ, nhỏ chuyên trốn học rải truyền đơn đặt mìn đặt bẩy.


 Phạm Sanh,  P3/B2 72PBC

Thursday, October 29, 2015

Le temp d’aimer, c’est le temp de mourir ( Một Thời Để Nhớ và Để Quên)




Le temp d’aimer, c’est le temp de mourir
Một bạn 72 tặng tôi câu này, ý nói về tình yêu một thời xa lắc, nhưng bài tôi viết không nói gì về tình yêu, chỉ nói về một thời đã chết, thời bao cấp sau 75. Cái thời để lại vui buồn lẫn lộn, không đáng nhớ nhưng quên cũng không được. Mấy bạn đọc cho đở buồn.
Sau 75 khổ nhất là chuyện xe cộ đi lại. Chiếc xe có logo hẳn hoi, 100 xe than chào mừng đại hội Đảng, đang lên đèo mẹ bồng con, nghe khặc… khặc…, lơ xe quát xuống xuống, lật đật chen nhảy, lơ xe quát đẩy đẩy, xúm xít nhau đẩy, lơ xe quát lên lên, lại xô lấn leo, ngồi chưa nóng đít chưa kịp thở đã cảm thấy có vài giọt nước trên mui rơi xuống đầu, lấy tay rờ ngửi hơi hôi, té ra heo cũng hết hồn té đái. Nhà xe tranh thủ chở củi gỗ mắm muối dưới sàn và heo thì được ưu tiên lên trên. Thời này, “người” còn xếp dưới heo. Nói vậy chớ có vé đi xe đò là quá hạnh phúc, phải xếp hàng dài chờ đợi cả ngày, mà những tới 5 hàng theo thứ tự ưu tiên từ trái qua phải, thương binh liệt sỹ có công cách mạng, phóng viên biên giới hải đảo, cán bộ công nhân viên đi công tác, phụ nữ có thai và cuối cùng là phó thường dân. Cô Bắc kỳ bán tới hàng thứ 3 là đã hết vé, may mắn lắm là hàng thứ 4, nên mấy chị em ưa giả độn bụng bầu, còn dân thường chỉ còn ráng mua cục gạch.

Sau đường xá đi lại là chuyện xin cho, người ta không có cái gì mà mình cũng phải xin cho được. Năm tôi cưới vợ, mời bà tổ chức cơ quan nhưng không thấy bả dự đám cưới. Nghỉ, vào lại cơ quan, bị đề nghị viết kiểm điểm, tội cưới vợ không báo cáo xin phép tổ chức. Ngạc nhiên vì 2 vợ chồng cùng cơ quan, tôi là xếp vợ tôi mà báo cáo xin cho cái quái gì, vậy mà cuối cùng cũng phải viết một tờ giấy  A4 giải trình. Sau này qua làm chỗ khác, nghe bà tổ chức này chết do đang đi  trên đường ngang vượt đường sắt khu vực Dĩ An bỗng ô tô chết máy, gặp xe lửa hắn không chịu báo cáo tổ chức. Năm bà Nội tôi mất cũng khốn khổ chuyện chuyển hộ khẩu về nhà Nội, vì không đăng ký xin cho chôn Bà nên công an phường không xác nhận, dù Bà đã chết không chôn không được. Cũng có một lần đi họp tại nông trường bông Nha Hố Phan Rang Tháp Chàm, nghe lóm câu chuyện công đoàn kiểm điểm một cô công nhân không chồng mà chửa hoang, cô khóc lóc van xin không được khi mấy ông mấy bà công đoàn cứ truy hỏi nằng nặc thằng nào, cô đành xuống nước nhận lỗi, kính thưa mấy đồng chí công đoàn, em tưởng là của em, em cho thằng nào cũng được, nay mới biết là của công đoàn, lần sau trước khi cho thằng nào, em sẽ xin phép công đoàn đàng hoàng… Hết biết, của mình mà cũng phải xin.
Rồi lại chuyện tem phiếu sổ gạo, định mức mấy ký gạo mấy mét vải vô duyên không nói gì, nhưng có những món mình nhận cũng chẳng biết để làm gì. Tôi không hút thuốc, nhưng phải đăng ký là nghiện thuốc để nhận thuốc lá về tặng không cho ông xếp tổ trưởng bộ môn. Có lần nhận giúp nhu yếu phẩm cho một cô giáo, thấy có cả lưỡi lam trong khi phái nam không có, tôi vô tình hỏi và cô đỏ mặt không trả lời, lúc đó tôi vẫn chưa có vợ. Năm đầu tiên làm thày giáo, trường Bách Khoa mời thày Hoàng Tụy tận Hà Nội vào phụ đạo môn lý thuyết tối ưu, mới gặp thày đã khuyên học cho biết để dạy đám sinh viên chưa biết, chứ môn học này không được tích sự gì hết. Thày kể đêm trước khi vào Sài Gòn, thày thức khuya lo xem tài liệu vì đây là lần đầu vào thành phố dạy “thày” của ngôi trường Phú Thọ nỗi tiếng Bắc Nam. Vợ thày gọi vào ngũ, lần 1 lần 2 lần 3, giận quá mới nói, ông giáo sư toán ơi, ông ăn được gạo thịt ngon là nhờ cô cửa hàng trưởng thương nghiệp này chứ không phải do lý thuyết tối ưu xếp hàng nối đuôi nối đầu của ông đâu, thật chán.

Mà bao cấp dở hơi cũng có hên có xui. Một người đàn em thủy lợi PBC khóa 75 tên MC ra trường, xem quyết định phân công hết hồn, về tận Minh Hải. Lên thắc mắc ông tổ chức nhà trường, ông lạnh lùng trả lời, Hải nào cũng là Hải, Minh Hải gần bên Thuận hải mà còn thắc mắc, cứ chấp hành. Cậu này nhăn mặt vác ba lô về xứ Cà Mau cách Phan Thiết chỉ có 600 cây số, ăn cua niệm Phật, lấy được một cô vợ xứ người, nay cũng đã dắt nhau về Phan Thiết, trong xui có hên.
Bây giờ Việt Nam gọi là đổi mới hội nhập gì đó, đúng ra là tụi bạn cũ mấy đứa bỏ chạy gần hết còn mấy thằng chẳng ra gì nên phải tìm bạn mới mà chơi, khác quắc thời bao cấp. Lên xe xuống phà, khách hàng là thượng đế, chỉ sợ tai nạn giao thông hơi nhiều, mỗi ngày lên đường chừng 30 mạng, khóa 72 mình cũng có góp mấy người như NN, H, C… Ăn uống thì gấu cọp chuột rắn rít dế bò cạp gì cũng có, miển đừng ăn mặn, vì cái gì cũng hóa chất cũng đồ TQ ăn vô không an toàn chút nào. Riêng chuyện giấy tờ thì cũng còn phiền phức nhiêu khê nếu không áp dụng câu “Nhập gia tùy tục nhập giang tùy khúc”, phong bì bao thơ đúng nơi đúng lúc.

Một thời để yêu, một thời để chết. Cũng có những thời chết thật nhưng yêu không nỗi. Các Bạn cứ tin đi, hết mưa lại nắng, bạn bè lại gặp nhau, dù răng đã rụng, tóc không còn, vẫn còn sức kể chuyện vui buồn hên xui, không còn mặt mày nhăn nhó lo mất sổ gạo.
Phạm Sanh   P3/B2 72PBC





Thursday, October 22, 2015

Con dông cát



Con nít thường lẩm bẩm câu đồng dao “Cắc ké là mẹ kỳ nhông, kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké”. Khó trả lời chính xác thứ bậc huyết thống của 3 vị này, giống như câu đố gà có trước trứng hay trứng có trước gà, hoặc có  cây cầu Chợ Cầu ở Sài Gòn, người ta cứ hỏi cầu có trước chợ hay chợ có trước cầu. Kỳ nhông hay nhông cát, tiếng địa phương xứ biển Bình Thuận gọi là con dông cát, thường làm hang ở các động cát ven biển, dưới chòm cây dương liễu, trong lùm bụi gai. Dông là loài động vật bò sát máu lạnh, ăn tuốt mọi loại cây củ côn trùng sâu bọ miển là mềm nuốt trọng được, chạy được xa và rất nhanh (mới được gọi là dông), nghịch ngợm leo trèo giỏi nếu có điều kiện, dông đực hay dông thềm có hoa văn nâu xám tím đỏ đẹp rực rỡ mỗi khi tán gái, dông cái nhỏ con hơn màu dịu hơn, cả hai đều hiền và nhút nhát, nhịn ăn nhịn khát giỏi cả tuần không ăn thua.
Thửa nhỏ rất mê bắt dông bắt dế, vào mùa hè khoảng tháng 5 khi những cơn mưa đầu mùa rả rích cả đêm vừa ngớt, tiếng dế kêu vang dậy, là tôi và ông Chú xách thùng xách cuốc xách đồ nghề câu dông ra mã lạng, bắt dế trống dế mái bỏ vào thùng, tạt ra  động cát ven biển xóm Kim Bình đặt bẩy dông khi bình minh vừa ló dạng. Bẩy dông thường  nhiều loại: câu bằng mồi dế (mái), thòng lọng, bẩy lồng, bẩy kẹp, bẩy ống… Phân biệt hang dông và hang còng qua dấu chân và hình dạng hang, tròn là còng và hơi ellipse là dông, cũng có khi gặp những con còng chạy lạc xuống hang dông. Bắt dông bằng cách đặt bẩy, thòng lọng… vào đầu buổi sáng, giờ các chú dông ra ngoài hang tắm nắng điều hòa thân nhiệt và tìm thức ăn, dông bị bắt vì  bản tính nhút nhát nhanh chân và thân hình dềnh dàng cồng kềnh. Có khi bắt dông bằng cách dùng cây que chọc dông giận bò lên hoặc dùng cuốc đào hang mò ngách sâu cả thước, bình tĩnh lấy tay chụp vì con dông chưa hề cắn ai. Có lần tôi theo bạn ĐKQ ra đầm Vĩnh Thủy khu vực Đồi Dương, rủ một người bạn của Q. tên là X. nhà ở ven đầm đang đi NDTV, xách súng carbin đi bắn dông (lúc này rất hoang vắng chỉ có cây cỏ cá chim dông dế và mấy nhóm học sinh PBC đi picnic), toàn bắn trật nhưng dông “nhút nhát” giật mình lăn quay ra bất tĩnh, chỉ việc chạy đến lượm bẻ giò đem về. Thú thật, tôi không thích ăn thịt dông lắm, loài bò sát cùng tuổi con rắn của mình, mỗi khi sắp chặt đầu lột da thấy ánh mắt con dông chấp tay lạy rất tội nghiệp, hơn nữa lúc nhỏ cá tôm Phan Thiết nhiều không như bây giờ ham xuất khẩu cho người ta ăn hết quay ra thèm ăn tất cả.
Nghe nói thịt dông bổ lắm, giảm đau tiêu độc kích thích tiêu hóa, nhất là cường dương bổ thận cho mấy ông, lại trắng tươi như thịt ếch thịt gà, xương da dòn mềm nhai ăn được ráo. Người Ninh Thuận, Bình Thuận đẻ ra đủ món dông, dông 7 món, dông nướng, dông xào xả ớt, gỏi dông, chả dông, dông rôti, dông hấp, dông nấu dưa hồng, cháo dông… Khách đến du lịch Bình Thuận mà chưa ăn món thịt dông, xem như chưa biết Bình Thuận. Dông cát còn được đưa lên màn bạc, cách đây mấy năm, phim cát nóng, có cô ca sỹ PT. đóng vai phụ, cũng xoay quanh chuyện loài dông cát xứ biển, phim dở ẹt do dàn dựng chuyện tình cảm vô duyên, nhưng các chú dông lại đóng rất đạt, xem để nhớ một thời thích dông.
 
Con dông còn được ca ngợi là con vật “xóa đói giảm nghèo” cho những vùng gió cát hoang mạc mênh mông như Bàu trắng, Lương Sơn, Hòa Thắng, Hồng Thái… Người dân bắt đầu nuôi dông để bán, mỗi nhà cả nghìn mét vuông. Thịt dông mắc hơn thịt bò Mỹ, dông lại dễ nuôi, dễ ăn, ít bệnh, dông cái trưởng thành mỗi năm lại cho thêm vài chục chú dông con, tha hồ hốt bạc. Nghề nuôi dông từ Bình Thuận lan ra nhiều tỉnh, nhiều trang trại nuôi dông quy mô đến vài hecta xuất hiện ở Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng tàu, Đồng Nai, thậm chí ra tận Quãng Bình, Nghệ An. Con dông cát lên ngôi, người ta phong là rồng cát, thần sấm.
Dù sao tôi vẫn thích hình ảnh cây xương rồng và con dông trong tự nhiên thời thơ ấu. Sóng biển mặn vổ vào bờ năm này qua năm khác, đồi cát thăm thẳm toàn cỏ gai bồn bồn rau muống biển, xương rồng xanh tươi vẫn nhú nụ, các chú dông sặc sỡ thập thò cửa hang rồi bất chợt chạy nhanh tìm mồi tìm bạn. Vùng đất  khô cằn chỉ nắng và gió, nhưng con dông vẫn cao đầu, lúc ẩn lúc hiện, hiền lành nhút nhát nhưng có ích cho đời, làm bạn người dân nghèo quê tôi những lúc nắng lên, mây tan mưa tạnh.

Phạm Sanh, P3/B2 72PBC