Nơi sinh hoạt và gặp gỡ của các bạn CHS/PBC liên lớp 65-72
Monday, February 27, 2023
n h ữ n g d ò n g s ô n g q u ê h ư ơ n g tuỳ bút
Tôi được sinh ra ở Phan Thiết. Đây là quê hương ruột thịt của tôi, nơi đã bao đời chảy mãi một dòng sông ngang qua thành phố nhỏ của một miền biển đẹp và hiền hoà. Dòng sông đó mang tên Mường Mán, bắt nguồn từ dãy núi cao trong một nhánh của dãy “ Trường Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Bao nhiêu vui, buồn nhân thế của tôi xưa nay, sông Mường Mán đều chứng kiến và đều biết hết cả !
Hầu hết những dòng sông chảy ngang qua bất cứ thành phố nào thì những nơi đó đều được ca tụng là đẹp, lộng lẫy và thơ mộng trong thơ ca và âm nhạc, như dòng Danuble Xanh của xứ Hungari hiền hoà chẳng hạn; hoặc vang danh khắp thế giới như sông Seine với hơn 20 chiếc cầu của kinh thành hoa lệ và cổ kính Paris, bên cạnh những Notre-Dame de Paris, viện bảo tàng Louvre; một trong những dòng sông dài nhất thế giới là sông Nil của Ai Cập với những Kim tự tháp đồ sộ, hùng vĩ và của trí tuệ; sông Hằng ( Gang ) của Ấn Độ luôn nhớ tới một Người-trần-mắt-thịt nhưng được nhân dân trong nước phong là “ Thánh “ như Mahathma Gandhi vì đã hiến cả đời mình để giành độc lập cho tổ quốc bằng cuộc chiến đấu Bất bạo động; hay của một Thi sĩ được giải thưởng Nobel về văn chương là Rhabindranathe Tagore; rồi đến sông Dương Tử dài thăm thẳm ngang qua Vũ Hán, nơi từng có một quán rượu mang tên Hoàng Hạc Lâu ngày nào để cho chàng thi sĩ Thôi Hiệu tới uống rượu và đề thơ lên vách mà thiên hạ bao đời sau còn nhắc tới; hay sông Hoàng Hà “ chi thuỷ thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi “ của một Trung Quốc với những thi hào thi bá như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Đào Tiềm hay Khương Tử Nha “ mượn “ chiếc thuyền câu cá để ngồi uống rượu khuất sâu dưới những rặng liễu Chương Đài ...
Nhưng dù có đi vòng quanh thế giới cả trăm vòng thì cuối cùng ta cũng quay về với Quê Hương, Đất Tổ của mình muôn đời đẹp, thơ mộng và dịu dàng từng nét thơ mộng như “ Hương Giang nhất phiến nguyệt “ mà Cao Bá Quát đã từng ngợi ca khi nhắc đến dòng sông Hương xứ Huế một thời “ tứ nguyệt tam vương triệu bất tường “ ... trong những trang lịch sử hào hùng của dân tộc; của những làn điệu âm nhạc mang âm hưởng Chămpa réo rắt Nam Bình, Nam Ai, Tứ Đại Cảnh tình tứ và sâu thăm thẳm bên các cung điện vàng son gác tía bao đời lộng lẫy ... Ngoài ra,còn những sông Hồng, sông Lô thơ mộng với những chiến công oanh liệt vang trời trong kháng chiến chống Pháp của ông cha ta :
Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng ?
Tất cả trả lời : sinh bên một dòng sông !..
Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng
đôi bờ cát nênh mông
Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long
uốn lượn chín đầu rồng ...
Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh
Thì cũng xinh xinh vài sải chèo quấy mạnh ...
( Những dòng sông. Bế Kiến Quốc )
Ôi ! Khi ta vừa đặt chân vào miền Nam, ta bỗng choáng ngộp trước một dòng Cửu Long bao la luôn có hàng triệu triệu tấn phù sa mỗi năm bồi đắp cho Tổ quốc với những câu hò cũng mênh mang tình người :
- Bớ chiếc thuyền sau, chèo mau anh đợi !
Tối trăng này hai đứa mình thương nhau ...
À ơi !...
Thương nhau chín đợi mười chờ ...
Hay, từ những mênh mông sông nước của dòng Cửu Long đã sinh ra một quan niệm hài hoà, dễ thương dễ nhớ và “ không mếch lòng ai “ của đồng bào đất phương Nam cò bay thẳng cánh :
- Ai nhất thì tôi thứ nhì
Ai mà hơn nữa, tôi thì thứ ba ...
Là con dân Phan Thiết, tôi đã có biết bao nhiêu là gắn bó ngày đêm với dòng sông Mường Mán :
Phan Thiết là của tôi
Những ngày trời biển động
Bữa cơm ăn đông người
Chén mắm thôi - cũng đủ !
Với bà con ngư dân Phan Thiết, một đêm rủ nhau ngủ trên mái tàu ba lốc thả neo dưới ánh trăng rằm giữa dòng Mường Mán sẽ trở nên đẹp và đắt giá nếu bạn đang có ý viết gì đó gắn bó thiết thực với đời sống sông nước của họ :
Trên sông Mường Mán tôi về
Neo thuyền ngủ với đêm hè đầy trăng
Hai bên bờ gió lang thang
Rủ tôi uống chút trăng vàng - rồi say !
Lúc sương khuya đã đầy vai
Tôi và sông chẳng biết ai thấm buồn ...
Bên dòng sông Mường Mán ( có người còn gọi tên là sông Cà-Ty theo tiếng Chămpa xa xưa ) là Tháp Nước quanh năm soi bóng như một Người lúc nào cũng lặng lẻ, trầm ngâm nhìn thế sự âm thầm trôi qua sông; trong đó không thiếu những chuyện tình cảm lãng mạn :
Trăng ở bên này sông
Đêm đêm mòn nước chảy
Ai có về bên ấy
Cho gởi nỗi nhớ mong ...
Trăng ở bên kia sông
Đêm đêm còn một nửa
Nửa kia vàng thương nhớ
Ai gởi nước xuôi dòng
Trăng hai bên bờ sông
Đêm đầy rồi đêm khuyết
Nỗi niềm nào ai biết !
Chỉ thấy trăng mãi còn ...
Hay trường hợp một Cô Sáu ở xóm Cồn Cỏ phường Đức Nghĩa hay ghé thăm nhà thơ :
Nhà em ở bên kia sông
Ngày hai buổi chợ đi vòng qua anh
Có hôm cầu ván gập ghềnh
Mắt thu biết có anh nhìn là vui
Có hôm mưa gió tơi bời
Em quang gánh ghé lại ngồi tới trưa
Vậy mà cho tới bây giờ
Nhớ em, anh vẫn còn chờ em qua
Để nhìn thấy dáng bà-ba
Chưa nghe tiếng ... đã nhận ra em rồi ...
Đêm mùa thu nào, ta lang thang dưới trăng rồi đi qua hết cầu gỗ bắc ngang dòng sông Mường Mán từ hồi nào không biết ! Nhưng ta lại chợt nhìn thấy bóng dáng một ai đó đang nhẹ nhàng chèo chiếc thuyền qua dưới cầu. Lòng ta bỗng chốc thấy mình giống như chàng Tư Mã Văn Quân nho nhã ngày xưa bên Trung Quốc đang hẹn với người đẹp Quỳnh Như chèo thuyền trong đêm khuya trăng sáng trên Bến Tầm Dương :
Khi đêm Phan Thiết lên đèn
Sông Mường Mán bắt đầu chìm dưới trăng
Lưới chài ai mới vừa quăng
Nghe như sóng gợn lăn tăn lòng mình
Tôi ngờ ngợ đó là em
Áo bà-ba trắng chèo thuyền đêm đêm
Phải em thì cất tiếng lên
Cho tôi nghe với, cho mình gặp nhau
Để sông Mường Mán chiêm bao
Thả cho hai đứa trôi vào đêm trăng ...
nguyễn như mÂy
Subscribe to:
Posts (Atom)