Sài Gòn những ngày nắng nóng tháng tư, oi bức không chịu nỗi,
đi đâu cũng nghe chuyện hạn hán thiếu nước, từ miền Tây đến Đắc Lắc Ninh Thuận
Bình Thuận, con nít người già đen đúa rầu rĩ, trâu bò dê cừu sống cũng như chết.
Bạn bè xa xứ thời gian gần đây về nhiều nhưng về rồi cũng lại đi, ngồi uống cà
phê một mình sao vẫn thấy mằn mặn, mới đây đã gần 41 năm…
Năm đó, ăn Tết xong, vào lại Sài Gòn học, đã nghe không khí
là lạ, sinh viên các trường “dễ vào khó ra” như Văn khoa, Luật, Khoa học…, ngày
nào cũng biểu tình chống bắt lính. Sinh viên Phú Thọ vốn truyền thống hiếu học êm
đềm, bỗng truyền đơn rãi đầy toilet, băng ron kêu gọi xuống đường treo đầy cây,
Thầy Cô có cớ chạy nhanh về nhà. Một mình lủi thủi về cư xá nghe đám bạn miền
Trung tán dóc tình hình thế sự, ngay
ngáy lo nghĩ về gia đình. Đầu tháng 3, Ban Mê Thuột thất thủ, trường gần như
không còn giảng dạy học hành gì nữa, sáng lên lớp chờ Thầy chờ bạn, nghe vài tin
tức BBC tình hình chiến sự, rồi giải tán, Thầy Cô bè bạn bắt đầu ra đi ngày
càng vắng dần. Cư xá 268 Nguyễn văn Thoại trở nên đông người ồn ào hơn, gia
đình người thân từ các Tỉnh miền Trung, Cao nguyên lũ lượt di tản vào. Tự nhiên
được cho nghỉ học, sướng thật, nhưng tôi ngày nào cũng qua thư viện học bài làm
bài tập, lở hết đánh nhau như đợt năm 72 thì phải học lại và thi cuối năm. Má
tôi nhờ một người Bà chuyên lấy hàng Sài Gòn về bỏ chợ Phú Long, đưa thư nhắn về
gấp Phan Thiết để nếu có chia cắt đâu đó thì gia đình còn có nhau. Lại kẹt ngày
thi tín chỉ cuối cùng cho tấm bằng cử nhân MGP bên Khoa học, thi xong thì đã
nghe tin gia đình đi ghe vào Vũng Tàu, mọi con đường trừ đường biển từ Phan Thiết
vào Sài Gòn đều đã bị cắt đứt. Đúng là cả đời tôi khốn khổ vì ham học, phải chi
ham cái gì khác, nay đở “khổ tâm” hơn nhiều…
Tín về, kể chuyện cấp 3 PBC, hai thằng ham cái khác, tôi người
chị Tín người em, rủ nhau lên nhà các cô nàng nhỏ nhắn, rồi cùng nhau nhìn lên
trần nhà tìm đếm thằn lằn, không nói được câu nào. Kết quả chắc mấy bạn dư sức
đoán được ngay không cần suy nghĩ, người ta nói tình thiên nga, tệ lắm là tình
khỉ đột, không ai nói tình thằn lằn cắc ké. Ham gái, là bản chất đàn ông con
trai, đức Phật Thích Ca còn phải vui vẻ mà nói, ai cũng ham chơi ham ngũ ham ăn
ham uống ham tiền ham chức và tất nhiên cũng phải ham gái (hình như đức Phật vẫn
còn phân biệt nam nữ).Tôi nhút nhát sau những thất bại ban đầu, nên phải giả bộ
tự đặt ra các điều cấm, không tán em của bạn, không tán bạn của em, không tán học
trò, không tán đồng môn đồng nghiệp. Giờ không biết suy nghĩ của mình đúng hay
sai, có lẽ sai nhiều hơn đúng, vì các bạn 72 tán nhau lung tung mà vẫn răng cứng
ngắc đầu đen thui. Kể ra nhiều lắm, như nhóm bình thường mày tao nhưng đôi lúc phải
kêu nó bằng anh là Phân Sơn-Lê Sơn-Dũng cọt (đã bị delete), Hùng-Sỹ, Hùng
đen-Sang mập, Ngọ-Hùng móm, Ngọc-Lộc…, nhóm cây nhà lá vườn như Minh-Thức,
Hoa-Sáu, Tuyết-Phụng, Tương-Lễ, Thoa-Tám…, nhóm đồng nghiệp lấy nhau thì nhiều lủ
khủ, nhưng nhóm tán thành công học trò thì chưa thấy, có lẽ mối tình Thày Trò
chắc chắn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng từ chết đến bị thương, không tin mấy ông
già U70 cứ thử…
Năm 75, chạy xuống bến Đá Vũng Tàu gặp gia đình, Mẹ kể phải
chờ Ba đang chở hàng ra miền Trung, kẹt dòng người khắp nơi đổ về Nha Trang, cả
nhà đợi Ba về PT mới đi chung được. Tin tức VC đã qua Long Khánh, đang đánh vào
Sài Gòn, chờ Cậu không được, Ba tôi quyết định lái tàu đưa gia đình ra đi,
nhưng đi được gần 1 ngày, Ba nói thiếu dầu và quên la bàn, phải quay trở lại
Vũng Tàu. Một tình huống đến nay, ngay cả khi Ba tôi mất, tôi vẫn chưa có lời
giải đáp chính xác. Cậu có thể vì Mợ, đúng ra là gia đình Mợ. Nhưng Ba tôi chắc
vì Mẹ già, không thể nào bỏ lại Bà Nội và hai thằng em sinh đôi của tôi mới 5
tuổi, hai thằng này vừa sinh ra, bà thày bói đã nói xung khắc chắc chắn phá hết
tiền của Cha Mẹ làm Mẹ giận nhưng Ba tôi lại thương hai đứa nó suốt đời…
Đợt này về VN, thấy Ánh Tuyết giọng nói vẫn trẻ trung, mặt tươi
cười phúc hậu giống bà già AT. mà tôi nhớ được gặp hồi nhỏ, Phụng thì vẫn như
xưa, vui nhưng vẫn có nét lầm lỳ. Hồi cấp 2, có lần bị NP. Thiên Hùng chọc ghẹo,
Phụng lầm bầm gì đó, ngày hôm sau xách dao (hồi xưa chưa có mã tấu) lên lớp định chơi thật, làm các bạn lớn tuổi
hết hồn, khuyên can. Sau 75, có lần tôi đi lang thang trên đường Trương Định, vô
tình gặp Phụng, mừng hết lớn, hai thằng sau đó rủ nhau bỏ mối bán nước suối
Vĩnh Hảo và sửa đậu nành. Sau này P. ra đi, mất mối lớn, tôi phải giả từ nghề
bán nước suối, chuyển sang bán nước mắm. Mấy hôm ở Sài Gòn, quý Phụng lắm, uống
với bạn cở nào cũng uống, lại còn có cô học trò cũ thăm viếng vì có thời P. làm
thày giáo. Nhớ, đừng tháo giày. Nói về chuyện Tuyết Phụng, lại nhớ gặp được Phấn
Hoa, xinh vui như ngày nào, không biết Đào Hoa bên ấy có còn đẹp hơn PH không?
…Không ra biển được, tôi quay lại Sài Gòn. Thành phố những ngày
gần 30/4, vừa yên lặng vừa hỗn loạn, lính tráng và người dân di tản ở la liệt
khắp nơi, ai cũng tâm trạng hoang mang lo lắng chờ đợi. Tôi thì chỉ lo cho gia
đình, lo cho người thân, đưa đứa em gái về ở tạm nhà Bà Hồng Xuyên, đưa bạn em gái
về nhà người dì tại Phú Nhuận. Xong, đi lang thang dọc bến Bạch Đằng xem cảnh người
ta chen nhau xuống tàu hải quân, vẫn còn dư thời giờ lại lên chung cư cầu Muối thăm
Lộc, uống chai rượu Tây mà L. khoe là chiến công khi vào “lục soát” hộc bàn phòng
ông khoa trưởng trường Văn Khoa. Cớ gì L. vào Văn khoa, chỉ có tôi, Quang và một
hai người bạn nữa biết, thôi hãy để yên cho L. chốn suối vàng. Gần 30/4, Sài
Gòn hứng một trận giông để đời, mây đen tối nghịt, sấm chớp đầy trời, chắc là
điềm báo hiệu của “Ổng”, như chuyện bầy sâu trên núi Thành Sơn ùn ùn kéo xuống
đầm Nại để tự tử và hòn đá Tiên quê Tổng Thống Thiệu bị sét đánh té ngã lăn
đùng trước khuôn mặt đáng ghét của hòn mặt Quỹ…
Mấy ngày Tín về PT, đi dạy học ở Tỉnh xa mà lòng không yên,
không biết khi nào Tín vào lại, hàn huyên tán dóc. Nhìn hình chụp các bạn PT,
có bạn nhìn ra có bạn không biết tên gì, trí nhớ lúc này cũng phải xem lại, coi
chừng giống các bạn HL, HB, GH (bên Tây đừng giận). Như Kỳ Hùng, Quốc, Thoa…
nhìn ra, nhưng VT Tài thì chịu, có vợ rồi nên già và mập, mà ai cũng phải già.
Ngày Tín qua lại Úc, sáng đến trưa, 3 thằng vẫn còn uống cà phê Kỳ Hòa nói chuyện
trên trời dưới đất. Khi Nhật Hồng chở Tín về lại khách sạn, bước đi bỗng thấy nặng
theo cơn bệnh gout, chúc nhau khỏe để còn quay về gặp lại, hao hao cái lần Tín
vào chỗ làm việc của mình, từ giả để chuẩn bị vượt biên tiếp sau bao nhiêu lần
không thành…
Sài Gòn sau 30/4/75 thật ra cũng không có gì ầm ỷ ghê gớm như
phim truyện nói sau này. Quân quản vào tiếp thu trường, một vài “đồng chí” thanh
niên xưng là cán bộ cách mạng kêu gọi sinh viên trình diện, phổ biến vài nội
quy gì đó, chia nhóm chia tổ học tập chính trị, rồi lên đường đi lao động đào
kênh, làm nhà do dân kinh tế mới…Trường Phú Thọ bấy giờ không có ai nằm vùng
như các trường khác, nên thật ra cũng dễ thở. Phải hơn một năm sau, trường mới
tổ chức học chuyên môn lại, tôi được “hân hạnh” học kỹ sư 5 năm, may mắn học được
kiến thức kỹ thuật ngành công chánh cả Nga lẫn Mỹ, tất nhiên mấy ông Thày Phó
tiến sỹ ngoài Bắc mới vào Nam ngày ấy toàn phê phán chửi Mỹ là chính, chứ dạy dỗ
có được bao nhiêu, tự học là chính…
Nhanh thật, đã 41 năm sau 30/4, bạn bè ai cũng tay bế tay bồng
cháu nội cháu ngoại. Mong các bạn lớp 72 mình sống dai, bồng luôn cháu cố.
Nhưng nhớ gặp nhau thường để đừng trở thành lãng ông lãng bà.
Phạm Sanh, 72PBC